trẻ em đội MBH giảm mạnh
![]() |
MBH cho trẻ em cần thay đổi kiểu dáng, mẫu mã cho đẹp hơn, hấp dẫn hơn |
Chiến dịch “Trẻ em cũng phải đội MBH” do Ủy ban ATGT Quốc gia, Bộ GD&ĐT phối hợp với Quỹ AIP phát động từ năm 2011. Mục tiêu của chiến dịch là cải thiện tỷ lệ sử dụng MBH cho, xóa bỏ những quan niệm sai lầm của phụ huynh về việc đội MBH cho trẻ, đồng thời, nâng cao kiến thức về ATGT góp phần giảm số lượng thương vong do TNGT. Chiến dịch có 3 giai đoạn. Ở giai đoạn 1, tỷ lệ trẻ em đội MBH ở Hà Nội khá khiêm tốn, chỉ 9,1%. Tuy nhiên, sau giai đoạn 2, tỷ lệ này đã tăng lên 52,7%.
Tuy nhiên, đến giai đoạn 3, dù chưa chính thức công bố số liệu thống kê, nhưng theo nguồn tin của PV Báo Giao thông, mục tiêu tăng tỷ lệ trẻ em đội MBH khi tham gia giao thông lên 80% đã không đạt được như kỳ vọng. Thậm chí, tại Hà Nội, con số này có thể thấp hơn số liệu đạt được trong giai đoạn 2.
Ông Lưu Văn Bình - Phó Chánh văn phòng Ban ATGT TP Hà Nội đánh giá: Công tác phối hợp giữa nhà trường, phụ huynh, chính quyền địa phương trong việc tuyên truyền nâng cao nhận thức, tự giác chấp hành Luật GTĐB và xử lý vi phạm chưa đồng bộ là nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ trẻ em không đội MBH chưa cao.
Đồng quan điểm với ông Bình, bà Hoàng Na Hương - Phó Giám đốc điều hành Quỹ AIP cho rằng, tuyên truyền không đi cùng với cưỡng chế chắc chắn là không thành công.
Đại diện Phòng GD&ĐT quận Hoàn Kiếm thì khẳng định: Nếu hỏi bất kỳ ai về lợi ích của việc đội MBH, ai cũng bảo là cần thiết. Thế nhưng vi phạm vẫn tràn lan. Hàng trăm lý do được viện dẫn, nào là nhà gần trường, quên, mất mũ… “ Tại các trường tiểu học trong địa bàn quận Hoàn Kiếm, tỷ lệ trẻ đội MBH đến trường chỉ cần đạt 30% đã là tốt lắm rồi. 50% là mong ước và 100% thì quả là không tưởng trong thời điểm này” - đại diện quận Hoàn Kiếm chia sẻ.
Theo số liệu thống kê của Phòng CSGT Hà Nội, từ 7/9/2013 đến 31/12/2013, trên địa bàn 6 quận: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Cầu Giấy, Hà Đông, Thanh Xuân (nơi triển khai dự án giai đoạn 3), Phòng đã kiểm tra, xử lý 778 trường hợp vi phạm liên quan đến MBH, có 574 trường hợp chở người ngồi sau là trẻ em không đội MBH hoặc có đội nhưng không đúng quy cách.