TP.HCM nghiên cứu việc trồng dừa trên các tuyến đường ven kênh
Theo đó, Hiệp hội Dừa Việt Nam cho biết dừa là loại cây có thời gian sinh trưởng và cho thu hoạch kéo dài rất lâu. Ngoài ra rễ của loại cây này cũng tập trung nhiều ở lớp đất mặt (50%) và thuộc dạng rễ chùm nên khi trồng ven sông sẽ tạo ra lớp đệm chống sụt lún.
![]() |
Theo Hiệp hội Dừa Việt Nam, cây dừa có rất nhiều ưu điểm nếu được chọn trồng dọc theo các tuyến kênh tại TP.HCM. |
Cũng theo Hiệp hội Dừa Việt Nam thì cây dừa không có nhánh phụ nên không gây tai nạn khi mưa dông, cây phát triển tốt ở nhiều loại đất nên ít tốn công chăm sóc và có thể trồng ở nhiều địa hình.
Hơn nữa cây dừa còn mang nét đặc trưng của người dân phương Nam, tạo cảnh quan đẹp, lá dừa có tác dụng giảm tiếng ồn, lọc không khí và có thể giảm cấp độ gió trong mùa mưa bão.
Với những lo ngại về việc rụng trái, Hiệp hội Dừa cho rằng có thể xã hội hóa bằng việc quy định đơn vị chăm sóc sẽ được tạo nguồn thu bằng cách thu hoạch trái, lá dừa, trong trường hợp không muốn để dừa ra trái thì có thể chiết mật khi dừa ra hoa.
Hiệp hội cũng đề xuất tổ chức khảo sát thực tế hàng dừa hiện đang có tại dọc kênh Tàu Hũ (quận 8) để tìm hiểu thêm về tác dụng của loại cây này đối với môi trường sống của người dân, từ đó sẽ đưa ra ý kiến phản biện để khắc phục hạn chế.
Hiệp hội cho rằng, với hơn 500km đường ven kênh, Thành phố có thể trồng được khoảng 100.000 cây dừa với mật độ 5m/1 cây.
Sau khi nhận được đề xuất này, UBND TP đã giao Sở Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với công ty TNHH MTV Công viên cây xanh và các nhà khoa học chuyên ngành nghiên cứu, sau đó đề xuất UBND giải quyết để đảm bảo cảnh quan khu vực.