TP.HCM kỷ niệm 70 năm ngày Nam Bộ kháng chiến
![]() |
Một tiết mục văn nghệ trong buổi kỷ niệm. |
Phát biểu tại Lễ kỷ niệm ông Lê Hoàng Quân – Chủ tịch UBND TP.HCM nhấn mạnh đến tầm quan trọng và ý nghĩa lịch sử trọng đại của sự kiện Nam Bộ kháng chiến.
Theo ông Quân, nhân dân Nam bộ đã phải cầm súng chiến đấu khi chưa kịp hưởng niềm vui hòa bình, độc lập. Qua thời gian, dưới sự chỉ đạo của Xứ ủy Nam bộ, quân dân Sài Gòn – Gia Định – Chợ Lớn tiếp tục anh dũng chiến đấu, đánh trả quyết liệt với tinh thần “thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ”. Chính bởi sự chiến đấu ngoan cường, quả cảm này mà địch đã bị cầm chân, từ đó các địa phương có thêm thời gian để chuẩn bị cho cuộc kháng chiến trường kỳ.
Cũng theo vị Chủ tịch UBND TP.HCM thì khi đó cả nước đã nổi lên phong trào ủng hộ cuộc kháng chiến của nhân dân Nam Bộ, các tỉnh ở Bắc và Trung Bộ đều có những “phòng Nam Bộ” để những người tình nguyện vào Nam đánh giặc đến ghi tên, các đội quân “Nam tiến” cũng được thành lập mỗi lúc một nhiều.
![]() |
Một đơn vị trước ga Hàng Cỏ, Hà Nội trước khi lên đường vào Nam chi viện cho mặt trận Nam Bộ, ngày 1/10/1945. (Ảnh: Bảo tàng lịch sử Quốc gia) |
Ông Quân cũng khẳng định, từ sự kiện trong đại này, Thành phố đã nối tiếp truyền thống, ra sức phấn đấu để làm nên những thành tựu đặc biệt. Sau 30 năm đổi mới Thành phố đã có những chuyển biến lớn trên mọi lĩnh vực và đóng góp lớn vào sự phát triển chung của nhà nước, luôn giữ vai trò là đầu tàu kinh tế trong nhiều năm qua.
Tuy nhiên ông cũng nhận định dù kết quả đạt được rất quan trọng nhưng Thành phố vẫn đang đứng trước những khó khăn, thử thách lớn. Để giải quyết những điều này ông Quân kêu gọi Đảng bộ và nhân dân Thành phố phải chung sức, đoàn kết, sáng tạo hơn nữa để cùng nhau phát huy lợi thế, vượt qua thách thức.
Phát biểu trong buổi lễ hôm nay, ông Nguyễn Trọng Xuất – Phó chủ nhiệm Câu lạc bộ truyền thống kháng chiến nhắn gửi: “Tâm nguyện của chúng tôi là khát vọng truyền lửa cho các thế hệ nối tiếp, với mong ước họ sẽ hiểu những giá trị tinh thần tuyệt đẹp của ngày Nam bộ kháng chiến, từ đó tự hào, trách nhiệm và sẽ làm giỏi hơn thế hệ những người kháng chiến chúng tôi đã làm".
Cách đây 70 năm, ngày 23/9/1945, thực dân Pháp đã nổ súng đánh chiếm sở cảnh sát, trụ sở Uỷ ban nhân dân Nam Bộ kháng chiến, nhà máy điện, kho bạc… tại Sài Gòn. Trước hành động ngang ngược này, Xứ ủy và Ủy ban kháng chiến Nam bộ (do ông Trần Văn Giàu làm chủ tịch) đã tiến hành họp khẩn cấp để bàn việc thực hiện chủ trương kháng chiến của Trung ương Đảng và kêu gọi người dân cầm vũ khí đánh Pháp.
Thực hiện quyết định của Xứ ủy và Uỷ ban kháng chiến Nam Bộ, ngay chiều 23/9, cả Sài Gòn đình công, các hoạt động đều ngư trệ. Lúc này người dân cũng mang những vật dụng cồng kềnh ra dựng trên đường để cản bước tiến của quân Pháp, các tổ chiến đấu được thành lập.
Bằng những biện pháp đó, ngay trong những ngày đầu quân Pháp đã bị nhiều thiệt hại về sinh mạng và cuộc sống gặp nhiều khó khăn do thiếu thốn nhu yếu phẩm. Để giải quyết tình trạng này Pháp buộc phải hoãn binh bằng cách nhờ phái bộ Anh xin điều đình với Ủy ban kháng chiến Nam Bộ.