Tổng thống Litva: Nga là mối đe dọa với toàn châu Âu
Tổng thống Litva Dalia Grybauskaitė |
“Chúng tôi đã thấy cách thức Nga hành động ở Kaliningrad, khu vực sát với Litva. Họ đã bố trí ở đó các loại tên lửa có thể mang đầu đạn hạt nhân và có thể bắn đến thủ đô các nước châu Âu. Đây không còn là việc riêng của các nước Baltich nữa”- bà Dalia Grybauskaitė nhấn mạnh.
Nữ Tổng thống Litva cũng bổ sung rằng Litva sẽ đề nghị Mỹ bố trí lực lượng thường trực tại khu vực Baltic. “Hiện các lực lượng Mỹ đang được bố trí tại Đức và Tây Âu, nhưng mối đe dọa lớn nhất lại đang hiện diện ở Đông Âu - ở Ba Lan và các nước Baltic. Đó chính là lý do tại sao chúng tôi đề nghị Mỹ bố trí quân thường trực tại khu vực này. Chúng tôi cần có hệ thống phòng thủ chống tên lửa vì nếu thiếu các hệ thống này, việc bảo vệ lãnh thổ và lực lượng trên mặt đất là điều không thể”- bà Dalia Grybauskaitė tuyên bố.
Thời gian gần đây, châu Âu và đặc biệt là Ba Lan và các nước Baltich, đã liên tục đưa ra các tuyên bố về mối đe dọa Nga. Trong khi đó Nga liên tục khẳng định rằng Nga không bao giờ có ý định tấn công bất cứ quốc gia thành viên nào của NATO và NATO đang lợi dụng các tuyên bố về “mối đe dọa Nga” để gia tăng sự hiện diện quân sự gần biên giới nước Nga.
Nói về mối quan hệ Litva-Mỹ, Tổng thống Dalia Grybauskaitė khẳng định rằng Vilnius luôn tin tưởng Washington, cho dù bất cứ đảng phái nào cầm quyền ở Mỹ. Điều quan trọng nhất là Mỹ không từ bỏ chính trường quốc tế. “Nếu như Mỹ chỉ dừng lại trong phạm vi biên giới của mình thì sẽ xuất hiện không gian bị Nga kiểm soát” - bà Dalia Grybauskaitė nói.
Bà Dalia Grybauskaitė cũng bày tỏ sự đồng tình với những tuyên bố mang tính chất “sốc” đói với các nước NATO khi yêu cầu các quốc gia thành viên NATO phải gia tăng ngân sách quân sự.
“Tất cả các quốc gia thành viên NATO phải đầu tư nhiều hơn nữa. Ngân sách quân sự của Litva năm nay chiếm 1,8% GDP, và trong năm tới sẽ là 2,1%”- bà Dalia Grybauskaitė khẳng định.
Tại Hội nghị Thượng đỉnh EU hồi năm 2014, các thành viên của NATO đã cam kết nâng ngân sách quân sự thêm 2% GDP trong vòng 10 năm và đây cũng là khoản yêu cầu đối với bất cứ nước nào khi gia nhập NATO. Tuy nhiên, hiện mới chỉ có 5/28 quốc gia thành viên NATO thực hiện được mục tiêu này.