Tổng thống Erdogan dàn dựng cuộc đảo chính để thâu tóm quyền lực?
Mạng xã hội đang tràn ngập những lời đồn rằng Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã tổ chức một cuộc đảo chính giả, sau khi ông gọi sự việc này là “món quà do thánh Allah ban tặng”. Nhiều người đã dùng dòng hashtag #TheaterNotCoup để thể hiện sư nghi ngờ của mình, rằng liệu vụ việc có phải là một trong những nước cờ của ông Erdogan nhằm giành kiểm soát chặt chẽ hơn nữa đối với chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ hay không.
Người dân Thổ Nhĩ Kỳ trèo lên xe tăng quân đội khi cuộc đảo chính nổ ra. |
Giả thuyết này xuất hiện kể từ khi phóng viên tạp chí Politico (Mỹ) Ryan Heath tiết lộ rằng, một nguồn tin giấu tên người Thổ Nhĩ Kỳ tin rằng toàn bộ cuộc đảo chính thực tế được dàn dựng. Chính quyền có thể liên lạc với bất kỳ ai ở Thổ Nhĩ Kỳ bằng tin nhắn và ông Erdogan có thể “dọn dẹp” quân đội nổi dậy và áp đặt những chính sách cứng rắn đối với tòa án tối cao và quân đội mà quốc hội không có quyền can thiệp.
Ông Heath cho rằng ông Erdogan sẽ lợi dụng cuộc đảo chính bất thành khiến 265 người chết và hơn 2.000 người bị thương này giống như khi trùm phát xít Adolf Hitler dùng vụ hỏa hoạn tòa nhà quốc hội Đức vào năm 1933. Hitler đã dùng sự kiện này để có cơ xóa bỏ quyền lợi của công dân và tổ chức bắt bớ hàng loạt.
Có nhiều lý do để nhiều người có thể tin vào giả thuyết này. Lãnh đạo các nước phương Tây trong những tháng gần đây đã tỏ ra không hài lòng khi ông Erdogan thực hiện hàng loạt những vụ bắt giữ nhà báo, thay đổi luật để kết tội những người chống đối cũng như xóa bỏ quyền bị bắt giữ đối với nghị sĩ phe đối lập, đồng thời thâu tóm gần như toàn bộ quyền kiểm soát trong hệ thống nhà nước trung ương với sự giúp đỡ của Thủ tướng Binali Yildirim.
Đối với châu Âu và Mỹ, Tổng thống Erdogan mang lại nhiều rắc rối nhưng cũng đóng vai trò rất quan trọng đối với lợi ích của họ. Thổ Nhĩ Kỳ đã chấp thuận nhận về thêm 1 triệu người Syria từ Liên minh Châu Âu khi quốc gia này trước đó đã có 2,75 triệu người tị nạn.
Thế nhưng kế hoạch trên đã bị nguyên thủ các nước châu Âu khước từ, khi cựu Thủ tướng David Cameron từng nói rằng ông không muốn để Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập EU khi đất nước đang dần được vận hành bởi một nhà nước chuyên quyền.
Vậy nhưng, uy tín của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ đã được củng cố sau vụ đảo chính này, trong khi châu Âu thì đang lo ngại cho tương lai của chính mình. Nếu chính quyền của ông Erdogan sụp đổ, châu Âu sẽ phải đối mặt với hàng triệu người tị nạn nữa đổ vào châu lục, và điều này có thể sẽ khiến liên minh bị rạn nứt và chấm dứt hiệu lực của thỏa thuận Schengen.
Trong khi đó, Mỹ cũng sẽ gặp khó khăn khi Thổ Nhĩ Kỳ là bệ phóng chủ lực để máy bay Mỹ hoạt động ở Syria và Iraq. Nếu chính quyền Ankara sụp đổ, Mỹ sẽ không thể sử dụng căn cứ không quân Incirlik và chiến dịch chống IS sẽ rơi vào bế tắc.
Người dân tụ tập trước sân bay quốc tế Istanbul Ataturk. |
Chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ đã bắt giữ hơn 2.800 binh sĩ và 2.745 thẩm phán được cho là đã tham gia đảo chính lật đổ chính quyền của ông Erdogan. Hiện vẫn chưa rõ những người này có thuộc đảng đối lập hay không, nhưng có thể nói rằng nhiều đối thủ của ông Erdogan giờ đây không còn có thể theo đuổi sự nghiệp chính trị nữa.
Một nhà phân tích chính trị Thổ Nhĩ Kỳ cho biết: “Cuộc đảo chính bất thành này sẽ là ngòi nổ để Erdogan có thể thực hiện một cuộc thanh trừng thực sự, và những gì còn sót lại của nền dân chủ Thổ Nhĩ Kỳ đang đứng trước nguy cơ bị xóa sổ”.
Ông Fethullah Gulen, người bị chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc tổ chức cuộc đảo chính cũng cho rằng vụ việc này thực chất là do chính quyền ông Erdogan dàn dựng. “Tôi không tin rằng thế giới sẽ tin những cáo buộc của Tổng thống Erdogan. Nhiều khả năng đây là một hành động được dàn dựng từ trước, và những người thuộc phe đối lập sẽ còn bị loại bỏ”.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin từ Sputnik và Reuters. Sputnik là hãng thông tấn mới của Nga khai trương ngày 10/11/2014, có quy mô toàn cầu để cạnh tranh trên thị trường truyền thông thế giới. Sputnik thay thế các dịch vụ truyền thông tiếng nước ngoài của hãng thông tấn RIA Novosti và đài phát thanh Tiếng nói nước Nga. Reuters là một trong những hãng tin lớn nhất thế giới.