“Tôi không tin Tân Hoàng Minh sẽ thành công với thương hiệu D’”
Trong số các dự án đó, mới chỉ có dự án ở Hoàng Cầu và Nguyễn Văn Huyên đã và đang được triển khai. Còn lại dự án nằm tại những khu đất “vàng” như ở Đặng Thai Mai, Hàng Bài đều vẫn im lìm, bất động. Trước đó, những dự án này được chủ đầu tư quảng bá hoành tráng sẽ là “một tác phẩm nghệ thuật điêu khắc chạm trổ bằng đá” và là “những tòa lâu đài ở quảng trường của châu Âu”…
Dự án cao cấp ở Hàng Bài của Tân Hoàng Minh đã nằm trong danh sách bị kiểm tra vì chậm tiến độ. |
Việc bỏ hoang dự án D’.San Raffles trên mảnh đất “vàng” 22-24 Hàng Bài trong một thời gian dài của chủ đầu tư khiến dự án đã bị nằm trong danh sách đen các dự án thanh tra của UBND TP Hà Nội. Sau đợt kiểm tra, tức là sau ngày 31/5/2014, số phận dự án này sẽ được định đoạt ra sao?
Còn nhớ, thời điểm mới tung ra thị trường, cái giá lên đến hơn trăm triệu đồng/m2 (tương đương với 5.000 USD/m2) tại dự án đầu tiên ở Nguyễn Văn Huyên khiến giới đầu tư bất động sản “ồn ào”.
Ngay lúc đó, đã có nhiều ý kiến nhận định Tân Hoàng Minh Group sẽ khó thành công. Tuy nhiên bảo vệ chính kiến của mình, Tân Hoàng Minh vẫn thực hiện các dự án như đã định và cam kết sẽ có dự án được khánh thành trong năm 2013.
Thế nhưng, dường như những nỗ lực của Tân Hoàng Minh không vượt qua được sự lao dốc của thị trường BĐS diễn ra ngay thời điểm đó. Dự án siêu cao cấp đầu tiên đã “trễ hẹn” như đã “hứa”, đến nay dự án vẫn còn ngổn ngang; để hoàn thiện nội thất, trang trí sẽ mất nhiều thời gian nữa.
Ngoài ra, động thái giảm giá căn hộ đế vương D.’ Palais De Louis, rồi đã phải tạm ngưng hoàn thiện dự án này trên đường Nguyễn Văn Huyên (Cầu Giấy) một thời gian khiến dư luận đặt câu hỏi phải chăng ông lớn này đang gặp khó về tài chính?
Nghi vấn này sẽ càng đậm nét khi hồi đầu năm nay, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước có công văn yêu cầu Công ty Quản lý quỹ Đầu tư Chứng khoán Minh Việt (Minh Viet Capital) tạm ngừng hoạt động do bộc lộ những yếu kém. Minh Viet Capital là đơn vị thành viên của Tập đoàn Tân Hoàng Minh, được thành lập năm 2008 chuyên trách mảng đầu tư tài chính. Việc thành lập công ty chuyên trách này của Tân Hoàng Minh nhằm mục đích thu hút vốn đầu tư, phân phối nguồn vốn hiệu quả và hậu thuẫn cho việc phát triển trong lĩnh vực bất động sản.
Dự án ở số 2 Đặng Thai Mai đến nay vẫn "đắp chiếu". |
Nói về phân khúc căn hộ siêu sang, cao cấp này, trao đổi với PV Infonet, ông Nguyễn Văn Đực, Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.Hồ Chí Minh đánh giá: Trước đây, nhiều chủ đầu tư đã có cái nhìn sai lệch về thị trường BĐS, đặc biệt là phân khúc căn hộ cao cấp, trong đó có Tân Hoàng Minh khi không thống kê tìm hiểu, thăm dò dư luận.
“Chỉ những người có thu nhập trung bình khá hoặc khá giàu mới mua và ở chung cư, còn những người giàu có thực sự họ không mua chung cư để ở đâu. Bỏ ra số tiền 5-10 triệu đô để mua chung cư kể cả siêu sang, dát vàng họ càng không chọn, bởi lẽ ở chung cư sẽ mất giá với người giàu.
Tân Hoàng Minh mới chỉ có 2 dự án đang thi công, chưa có dự án nào đưa vào sử dụng, điều này cho thấy tính thanh khoản cực thấp. Vì thế, tôi không tin Tân Hoàng Minh sẽ thành công với thương hiệu D’ của mình. Nếu cứ trung thành với chiến lược của mình ngày cả khi thị trường khó khăn thì sẽ thất bại”, ông Đực nhận định.
Nói thêm về phân khúc cao cấp này, ông Đực chia sẻ: Định hướng về căn hộ cao cấp từ trước đến nay của nhiều chủ đầu tư là sai, là ảo tưởng, họ cứ nghĩ rằng người giàu sẽ chọn căn hộ hạng sang. Khi thị trường sôi động chưa chắc đã thành công, huống hồ bây giờ tình hình kinh tế khó khăn thì khả năng phục hồi phân khúc chung cư cao cấp, hạng sang là rất khó.
Vì thế, theo ông Đực, chủ dự án muốn thu hồi vốn buộc phải điều chỉnh lại dòng sản phẩm, chấp nhận lùi về dự án trung cấp mới cứu vãn được tinh hình. Tỷ lệ căn hộ cao cấp chỉ chiếm 10-15%, thậm chí căn hộ siêu cao cấp chỉ chiếm 1-2% trên thị trường thì cứ đầu tư dòng cao cấp sẽ rất khó khăn.