Tổ chức một kỳ thi quốc gia: "Đừng chần chừ gì nữa"
Trước nhiều luồng ý kiến liên quan đến việc tổ chức một kỳ thi quốc gia với hai mục đích là để xét tốt nghiệp THPT và là cơ sở cho các trường ĐH, CĐ tuyển sinh, Pv Infonet đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, Nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT về vấn đề này.
Ông có thể cho biết quan điểm của mình với chủ trương thực hiện một kỳ thi quốc gia với 2 mục đích trong thời gian tới?
Với các nước, hầu như người ta chỉ tổ chức một kỳ thi phổ thông, lấy căn cứ để tuyển sinh. Từ trước nay, chúng ta lại làm ngược với thế giới khiến cho mọi người hiểu nhầm, nghĩ rằng kỳ thi phổ thông không chất lượng mà kỳ thi đại học mới có chất lượng. Đó là cách hiểu sai. Chất lượng hay không phụ thuộc vào vấn đề mình tổ chức kỳ thi như thế nào.
Nếu mình làm nghiêm túc thì sẽ có chất lượng, không thì sẽ ngược lại thôi. Ví dụ như trong thời gian vừa qua, quá chú ý đến việc thi đại học, mà tổ chức kỳ thi phổ thông không nghiêm túc thì mới nói là như vậy, chứ bản chất không phải hơn nhau về chất lượng.
Cho nên nếu tổ chức kỳ thi phổ thông thật nghiêm túc thì các trường ĐH, CĐ có thể lấy kết quả đó để tuyển lựa những người phù hợp nhu cầu.
Không chỉ vậy, tổ chức 2 kỳ thi như hiện nay theo tôi còn gây lãng phí về tiền bạc và thời gian. Vì vậy, việc Bộ GDĐT tổ chức một kỳ thi quốc gia trong thời gian tới theo tôi là rất đáng hoan nghênh. Bản thân tôi mong rằng Bộ GDĐT sẽ không còn chần chừ gì nữa mà bắt tay ngay vào triển khai việc này.
Và cũng hy vọng ở buổi tổng kết năm học 2013-2014, triển khai nhiệm vụ năm học 2014-2015, Bộ GDĐT sẽ công bố tất cả những kế hoạch đó để học sinh khỏi lung túng. Trong đó, cần làm rõ các môn thi, thời gian thi và cách tổ chức thi như thế nào.
PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, Nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT |
Ông có đánh giá cao tính khả thi của một kỳ thi quốc gia như thế, bởi không ngoại trừ khả năng các trường sẽ vẫn tổ chức thi riêng để sàng lọc đầu vào?
Với việc tổ chức được 2 kỳ thi như lâu nay giờ dồn lại tập trung vào một kỳ thi theo tôi sẽ tốt hơn, đỡ vất vả và chẳng có lý gì là không khả thi.
Chúng ta sẽ chấp nhận thực tế tỷ lệ đỗ tốt nghiệp khoảng 60-70% là được. Trường hợp học sinh không đỗ thì có thể cấp cho các em một giấy chứng nhận học xong chương trình phổ thông, có thể đi học nghề.
Với việc ra một đề thi mà chỉ 60-70% học sinh đỗ, trong số này sẽ có những em đạt điểm cao hay thấp cũng như kỳ thi ĐH mà Bộ GDĐT hiện đang triển khai thôi.
Có ý kiến cho rằng sẽ là quá gấp nếu tổ chức kỳ thi quốc gia bắt đầu từ năm 2015, bởi cần có một khoảng thời gian để chuẩn bị, đặc biệt là là đối với một lứa học sinh hiện đã tập trung vào những môn học phục vụ thi ĐH&CĐ. Ông nghĩ sao về điều này?
Theo tôi không có gì là quá vội vàng cả bởi tất cả học sinh đều phải học đầy đủ kiến thức phổ thông. Đã gọi là kiến thức phổ thông, đã bố trí dạy trong chương trình đến thời điểm này thì mọi người đều phải học hết. Không thể chiều theo ý kiến của một số học sinh mà phải theo yêu cầu chung của nền giáo dục nước nhà.
Không ai khuyến khích học lệch cả, nếu học sinh nào học lệch thì chính học sinh đó làm sai. Theo tôi, năm 2015 hoàn toàn có thể triển khai được rồi, cũng không hề vội vàng. Nếu tôi là Bộ trường Bộ GDĐT thì năm vừa rồi tôi đã tiến hành luôn rồi, chứ không phải đợi tới năm 2015.
Thực sự nếu đã học thiên về khối thi nào thì ở những bài thi tích hợp liên quan đến khối đó thì học sinh sẽ được điểm cao hơn. Khi chọn lựa thì người ta sẽ xem xét học sinh làm những bài thi nhóm nào đạt điểm cao thì sẽ có khuynh hướng học theo hướng đó. Đấy cũng là phân hóa phục vụ cho việc xét ĐH&CĐ rồi.
Theo đề xuất của Bộ GDĐT kỳ thi chung sẽ thi tám môn trong bốn ngày với tối thiểu bốn môn, trong đó hai môn bắt buộc hai môn tự chọn. Ngoài ra, thí sinh có nguyện vọng thi thêm những môn khác có thể đăng ký để phù hợp với nhu cầu xét tuyển ĐH. Ông có đồng tình với điều này?
Bản thân tôi không đồng tình với đề xuất của Bộ GDĐT. Bởi điều này sẽ khiến học sinh học lệch ngay từ lớp 12. Như vậy là không đạt yêu cầu giáo dục phổ thông và chắc rằng không ai khuyến khích chuyện đó.
Ngoài ra, lại còn thi trong 4 ngày, tức là kéo dài kỳ thi ra 2 ngày nữa như vậy lãng phí lại tăng lên gấp đôi. Tôi nghĩ nên thi 5 bài thi bắt buộc tất cả gồm: Toán, Văn, Ngoại ngữ, một bài tích hợp tự nhiên (gồm Vật Lý, Hóa học, Sinh học) và bài còn lại là tích hợp xã hội ( Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân).
Như thế này học sinh sẽ phải học đều hết và tất cả các thầy cô ở phổ thông đều có một vai trò, vị trí nhất định. Tuy nhiên, vẫn khuyến khích tất cả các môn cần chọn lựa những kiến thức thật cơ bản để học và loại bỏ những cái không cần thiết.
Xin cảm ơn ông rất nhiều!