Tín dụng tăng trưởng âm có đáng lo?
Tín dụng tăng trưởng âm có đáng lo?
Bởi vốn tín dụng trong hệ thống ngân hàng vẫn đang luân chuyển, cung ứng trong nền kinh tế chứ không đóng băng.
Bà Đỗ Thị Nhung - Phó vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ - NHNN |
Không ngại tăng trưởng tín dụng giảm
- Tính tới 20/3/2012 tăng trưởng tín dụng âm (-) 2,13%, chứng tỏ vốn vào nền kinh tế quá ít, trong khi đó gần 12.000 doanh nghiệp (DN) tuyên bố giải thể, phá sản trong 3 tháng đầu năm. Điều này có đáng lo ngại, thưa bà?
Về mặt con số, tăng trưởng tín dụng 3 tháng đầu năm 2012 giảm, nhưng thực tế tăng trưởng tín dụng chỉ giảm trong 2 tháng đầu năm, từ tháng 3 trở đi vốn tín dụng đã tăng trở lại. Nếu xét về doanh số, thì doanh số cho vay 3 tháng đầu năm nay vẫn cao hơn so với cùng kỳ năm trước. Nghĩa là vốn tín dụng trong hệ thống ngân hàng (NH) vẫn luân chuyển, cung ứng cho nền kinh tế chứ không đóng băng.
Còn dư nợ tín dụng giảm nhưng chỉ giảm ở một mức độ nào đó, do doanh số thu nợ cao hơn doanh số cho vay, nhu cầu vay mới giảm đi.
Nguyên nhân do nhiều yếu tố. Trước tiên là DN khó khăn khi lượng hàng tồn kho lớn, nên phải tập trung tiêu thụ hàng tồn kho lấy tiền trả nợ NH. Cùng với đó thị trường đầu ra của DN bị thu hẹp (thị trường xuất khẩu, tiêu thụ trong nước giảm) nên nhu cầu vay mới vì thế cũng ít đi.
Thứ hai, các NHTM đang phải rà soát, đánh giá lại các khoản nợ đã cho vay ra, với những DN không đủ sức khỏe, khả năng chi trả nợ thì không thể giải ngân nguồn vay mới.
Về tổng thể, đúng là tăng trưởng tín dụng có giảm, nhưng không quá lo ngại và vẫn nằm trong lộ trình giải quyết của NHNN.
- Mục tiêu tăng trưởng tín dụng cả hệ thống là 15-17%/năm, vậy cách nào để kích thích tín dụng tăng trưởng trở lại một cách hợp lý, thưa bà?
Thời gian tới NHNN vẫn sẽ điều hành chính sách tiền tệ theo hướng chủ động, linh hoạt trong đó giảm lãi suất (LS) cũng là một giải pháp được tính tới để "kích" tăng trưởng tín dụng tăng dương trở lại. Ngoài ra, các biện pháp rà soát lại khối NHTM trong phân bổ chỉ tiêu tín dụng từ đầu năm cũng sẽ được triển khai chặt chẽ. NHTM nào đủ khả năng về mạng lưới điều hành, quản trị rủi ro... thì có thể nới chỉ tiêu tín dụng ở mức cao hơn. Ngược lại, với những NHTM không đủ khả năng thì đương nhiên sẽ bị rút lại chỉ tiêu này.
Lãi suất huy động sẽ về 12%/năm
- Bà vừa đề cập tới chuyện giảm LS như là một biện pháp để kích thích tăng trưởng tín dụng trở lại. Cơ sở nào cho lập luận này, thưa bà?
Tất cả các điều kiện vĩ mô đã có: kinh tế vĩ mô tăng trưởng ổn định, lạm phát có xu hướng giảm dần từ tháng 8/2011 và ngay trong tháng 3 tốc độ tăng lạm phát thấp, chỉ tăng 0,16% so với tháng 2/2012.
Ngoài ra, những lo ngại khó khăn thanh khoản của khối NHTM ảnh hưởng tới việc giảm LS đã được giải quyết căn bản, nguồn vốn tín dụng tương đối dồi dào. Vì thế, thời gian tới NHNN sẽ tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ điều hành linh hoạt để đưa lãi suất (LS) huy động đầu vào giảm thêm 1% nữa, xuống còn 12%/năm. Tới cuối năm mức sẽ đưa LS huy động tiền đồng sẽ ở mức 10-11%/năm. Đây sẽ là điều kiện để giúp các DN, đặc biệt là khối DN vừa và nhỏ có thể tiếp cận được nguồn vốn rẻ hơn trong tình hình hết sức khó khăn hiện tại.
Thanh khoản dồi dào hơn, nhưng DN vẫn khó tiếp cận vốn vay do LS vẫn cao |
- Nhưng sau một thời gian đưa mức trần về 13%/năm, mức lãi suất đầu ra vẫn chưa thể giảm nhanh, thậm chí tình trạng lách trần LS diễn ra ngày càng phổ biến và tinh vi trong hệ thống tài chính?
Chính sách điều hành của NHNN về áp mức trần LS huy động đầu vào thời gian qua được đa số các NHTM chấp hành nghiêm, chỉ có một vài trường hợp chưa chấp hành. Đây là cái sai cơ bản từ phía các NHTM này. Về phía cơ quan quản lý, NHNN sẽ mạnh tay và xử lý nghiêm hơn nữa những trường hợp trên nhằm đảm bảo cạnh tranh lành mạnh trên thị trường, cũng như hiệu quả của chính sách điều hành.
Khó tiếp cận vốn: "Tại anh, tại ả..."
- Liệu khi mặt bằng LS huy động đầu vào giảm về 12%/năm, thì kỳ vọng LS đầu ra có giảm được tương ứng không, thưa bà?
LS cho vay giảm hay không phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Trước tiên là phụ thuộc vào LS đầu vào. Trong tình hình hiện nay lam phát đã giảm dần, kỳ vọng lạm phát cả năm dưới 10% nhiều khả năng đạt được, thanh khoản của hệ thống đã giải quyết được và dồi dào hơn. Thậm chí có hiện tượng vốn khả dụng của các NH lớn dư thừa.
Yếu tố nữa theo tôi quan trọng hơn, các NHTM cần tiết kiệm chi phí kinh doanh, cơ cấu lại nợ bằng cách điều chỉnh kỳ hạn nợ, gia hạn nợ cho các DN. Hoặc miễn giảm lãi cho DN trong trường hợp khó khăn. NHTM trong phạm vi quyền hạn và khả năng tài chính của mình có thể miễn giảm hoặc giãn lãi cho DN nếu xét thấy DN nào có thể có nguồn thu để trả nợ NH, ổn định sản xuất thì chủ động điều chỉnh gia hạn nợ, cho phép DN vay mới.
- Tuy nhiên, dù thanh khoản dồi dào hơn nhưng thực tế hoạt động cho vay ra vẫn khó đẩy mạnh. Giải pháp nào để tháo gỡ "nút thắt" này, thưa bà?
Chuyện DN khó khăn trong tiếp cận vốn hoặc NH có dư giả tiền nhưng không dám cho vay ra vì sợ không thu được nợ từ DN, thì phải xét ở cả hai khía cạnh. DN khỏe thì NH mới khỏe. DN phải chứng minh được tiềm lực của mình, tự chuyển đổi, tăng sức đề kháng để có đủ sức chống đỡ đáp ứng được điều kiện vay vốn của NH.
Về phía các NHTM cũng phải tính toán và cân đối để nâng tỷ trọng vốn trung – dài hạn nhằm đáp ứng nhu cầu vay vốn dài hạn của DN. Lâu nay, nguồn vốn của NHTM chủ yếu là vốn ngắn hạn, nên khi cho vay trung – dài hạn sẽ "vướng" vào vấn đề khó khăn thanh khoản khi tới kỳ trả nợ cho khách hàng.
Vì thế, điều chỉnh LS là cơ sở tốt để các NHTM huy động được nguồn vốn trung – dài hạn, vì khi đó kỳ vọng của người dân vào LS sẽ giảm, muốn được hưởng LS cao hơn buộc họ phải gửi ở những kỳ hạn dài hơn.
Về dài hạn, NHNN sẽ tiếp tục cung ứng vốn cho NHTM từ nơi thừa sang nơi thiếu thông qua tiếp tục cung ứng vốn qua các kênh như tái cấp vốn, thị trường mở... để các NHTM có thêm thanh khoản, từ đó giúp DN tiếp cận vốn tín dụng dễ dàng hơn.
Trường Giang
(thực hiện)