Tiền lẻ cũng là tiền!
![]() |
Văn hóa lễ hội ở miền Nam được đánh giá là văn minh hơn ở miền Bắc. (Ảnh IT) |
Đi chùa vào dịp đầu xuân từ lâu đã trở thành nếp văn hóa thường niên của người dân và các cơ quan công sở. Bởi vậy, cứ vào mùa lễ hội, các bộ ngành và địa phương lại phải dành sự quan tâm đặc biệt trong vấn đề văn hóa tâm linh.
Phiên họp đầu tiên của năm 2014, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo quyết liệt trong công tác tổ chức lễ hội đầu xuân. Điểm mới nhất của năm nay là Ngân hàng Nhà nước quyết tâm không in tiền lẻ. Chủ trương này đã nhận được sự ủng hộ, tán thành của các bộ ngành, địa phương.
Đồng tình với chủ trương không in tiền lẻ, người đứng đầu Bộ VHTT&DL – Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh cho rằng, việc đổi tiền và rải tiền ở các đình chùa là “thói quen không hay” trong thời gian qua.
Hàng năm, cứ vào mùa lễ hội, lãnh đạo Bộ VHTT&DL cùng các địa phương thường tổ chức các đợt kiểm tra, giám sát và nhắc nhở để từng bước khắc phục những vấn đề còn tồn tại. Thực tế cho thấy, "văn hóa" đi chùa trong vài năm trở lại đây đã có sự chuyển biến. Trong năm nay, công tác này còn được các bộ ngành, địa phương làm quyết liệt hơn.
12 tỉnh thành ở miền bắc đã được các đoàn khảo sát đi kiểm tra bước đầu. Một lần nữa vấn đề đổi tiền lẻ và cách rải tiền tại các đình chùa lại được các nhà quản lý đề cập. Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh còn thẳng thắn đưa ra sự so sánh về văn hóa đi chùa giữa trong Nam và ngoài Bắc.
Qua khảo sát, Bộ trưởng VHTT&DL đã kết luận: Cảnh đổi tiền lẻ, hay nhét tiền lên tay, bỏ tiền lên người tượng Phật tại các đình chùa hầu như không có ở khu vực miền Nam. Ngược lại cảnh đổi tiền, rải nhét tiền lẻ lên tượng Phật lại chủ yếu diễn ra ở khu vực miền Bắc.
“Đây là cái hay, cái văn minh hơn trong lễ hội ở khu vực phía Nam” – ông Hoàng Tuấn Anh so sánh và cho rằng miền Bắc cần học theo “văn minh” đi chùa ở khu vực miền Nam.
Công tác lễ hội tại các tỉnh thành, người đứng đầu là Bí thư Tỉnh ủy thường làm nhiệm vụ trưởng ban chỉ đạo, còn Chủ tịch tỉnh làm trưởng ban tổ chức. Các địa phương thường mở các đợt tuyên truyền về giá trị lễ hội, đồng thời nhắc nhở người dân nên và không nên làm gì. Song việc đổi tiền lẻ tại các di tích đền chùa vẫn diễn ra. Nhiều nơi vẫn còn tồn tại cảnh đổi tiền lẻ “10 ăn 6”, hay “10 ăn 7”, nhưng vì việc này chưa có chế tài xử phạt nên hầu như khó kiểm soát.
Đây được xem là “thói quen không hay”, gây lãng phí lớn, vì rốt cuộc tiền lẻ thu được lại không lưu thông, giao dịch được trở lại.
Ở góc độ khác, thói quen đổi tiền lẻ đi chùa được nhiều người nghiễm nhiên coi như cách “hỗ trợ”, hay “làm từ thiện”. Theo cách nhìn nhận của Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh thì cần phải “hỗ trợ” bằng cách khác, vì cách hỗ trợ này “không văn minh trong lễ hội”.
Lĩnh vực khác cũng thường được nhắc đến vào mỗi dịp lễ hội là việc kiểm soát hòm công đức tại các đền chùa. Việc này, Bộ trưởng văn hóa thẳng thắn đưa ra nhận định “còn gây thất thoát lớn”. Ông đề nghị phải có sự phối hợp để kiểm soát chặt chẽ hơn nữa nguồn tiền từ hòm công đức tại các đền chùa.
“Nếu tiền người dân bỏ vào hòm công đức mà không được kiểm soát thì không biết sẽ đi đâu. Trong điều kiện ngân sách nhà nước khó khăn, trong khi nhà nước không thu thuế từ hòm công đức mà chỉ để lại để trùng tu, tôn tạo di tích thì phải sòng phẳng, rõ ràng hơn về vấn đề này”.
Ông Hoàng Tuấn Anh đưa ra đề nghị và dẫn chứng ở Đền Hùng đang triển khai hiệu quả công việc này. Ở đây người ta thành lập hẳn một ban kiểm soát, hàng ngày đều mở hòm công đức ra kiểm đếm rồi nộp kho bạc, sau đó đề xuất và tiến hành trùng tu di tích sau khi được sự đồng ý của địa phương.
“Nhìn chung việc kiểm soát hòm công đức còn thất thoát lớn, làm ảnh hưởng đến tâm đức của người đi lễ đi chùa” – Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh nhìn nhận.
Cũng vào dịp lễ hội 2014 này, mới đây Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu đã chỉ đạo Ngân hàng nhà nước chi nhánh Hà Nội phối hợp với các sở, ngành liên quan như tuyên truyền, kiểm tra, chấn chỉnh các tổ chức, cá nhân khi sử dụng tiền Việt Nam không đúng chức năng, vi phạm pháp luật. Ông cũng yêu cầu các đơn vị tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát hoạt động dịch vụ đổi tiền không đúng quy định diễn ra trên địa bàn thành phố.
Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Sửu còn cho rằng, nhu cầu tiền mệnh giá nhỏ tăng cao làm phát sinh dịch vụ đổi tiền hưởng chênh lệch nhằm trục lợi cá nhân, ảnh hưởng đến lưu thông tiền tệ, tạo ấn tượng không tốt về đồng tiền Việt Nam và môi trường cảnh quan các khu di tích, lễ hội…