Thụy Sĩ sẽ bị EU “trừng phạt” vì hạn chế nhập cư?
Theo hãng tin AFP, kết quả cuộc trưng cầu dân ý hôm 9/2 cho thấy 50,3% người tham gia ủng hộ hạn chế nhập cư từ các quốc gia Liên minh châu Âu (EU). Cuộc trưng cầu đã làm nổi rõ sự chia rẽ sâu sắc của quốc gia này với sự phản đối của các vùng nói tiếng Pháp và sự ủng hộ từ phần lớn các vùng nói tiếng Đức.
![]() |
Thủ đô Berne, Thụy Sĩ. |
“Thụy Sĩ đang quay lại bánh xe lịch sử. Đất nước đã quyết định quay trở lại chế độ kiểm soát nhập cư”, nhật báo Le Temps nhận xét.
“Tuy nhiên, chính những vùng ít bị ảnh hưởng bởi tình trạng nhập cư và di cư tự do lại ủng hộ hạn chế nhập cư nhiệt tình nhất”, tờ báo này bình luận.
Tờ Tribune de Geneve cho rằng cuộc trưng cầu dân ý “là một cái tát vào mặt Hội đồng liên bang” do trước đó chính phủ Thụy Sĩ kêu gọi người dân nước này phủ quyết ý tưởng “Dừng nhập cư hàng loạt” do các thành phần cực hữu đề xuất.
Tờ nhật báo này cho rằng sự kiện trên đánh dấu “ngày mà một quốc gia hào hiệp gây ra một cuộc khủng hoảng lớn”.
“21 năm 2 tháng kể từ khi quyết định không gia nhập EU, một lần nữa người Thụy Sĩ lại chia rẽ hơn bao giờ hết và vừa “giáng một đòn chí tử” vào tự do di cư”, tờ báo này bình luận.
Theo Tribune de Geneve, Thụy Sĩ đã trải qua “một thập kỷ khó khăn” với nền kinh tế trì trệ, tỉ lệ thất nghiệp cao và các cuộc khủng hoảng về tài chính. Tờ báo này cho rằng tương lai “đầy chông gai” đang chờ đón Thụy Sĩ, một quốc gia “hội nhập rất sâu (với châu Âu) nhưng lại bị cô lập về chính trị”.
Một số tờ báo khác cảnh báo về những hậu quả kinh tế, theo đó kết quả cuộc trưng cầu dân ý có thể làm tổn hại tới các thỏa thuận, bao gồm các thỏa thuận kinh tế, với EU.
Tờ Neue Zuercher Zeitung cho rằng cuộc trưng cầu dân ý “không chỉ là một cái tát vào mặt về chính trị” mà còn “thể hiện một bước ngoặt không tốt cho sự thịnh vượng của quốc gia”.
Trong khi đó, mặc dù cho rằng cuộc trưng cầu gây ra một thách thức lớn đối với kinh tế Thụy Sĩ, tờ Basler Zeitung vẫn cho rằng sự kiện này đánh dấu một “thắng lợi” đối với “toàn thể đất nước Thụy Sĩ”.