Lương công chức xã phường "bèo bọt", vì sao còn cố làm?

Cả lương và phụ cấp chỉ được vài triệu đồng/tháng. Để duy trì cuộc sống, cán bộ công chức cấp xã, phường hầu hết trông nhờ gia đình. Vậy vì sao họ vẫn gắn bó với công việc?

LTS: Hướng tới đề án chính sách cải cách tiền lương từ năm 2021, nhóm PV Infonet đã gặp nhiều đối tượng công chức, viên chức, người hưởng lương ngân sách Nhà nước ở các địa bàn khác nhau để tìm hiểu về thực trạng mức lương mà họ đang nhận có đáp ứng cơ bản các nhu cầu cuộc sống hay không.

Mời quý bạn đọc theo dõi loạt bài về thực trạng lương công chức, viên chức hiện nay!

Hết giờ hành chính là xắn quần lội ruộng

Anh Nguyễn Văn T. (cán bộ một xã thuộc huyện Ba Vì, Hà Nội) cho biết anh chính thức hưởng lương ngân sách từ năm 2002. Trước khi trở thành công chức xã, anh T. làm Bí thư đoàn xã, sau đó đi học trung cấp chuyên ngành Hành chính văn phòng và được xét tuyển làm công chức xã. Công việc cụ thể hàng ngày của anh là làm Văn phòng – Thống kê UBND xã. Đến nay, sau 16- 17 năm công tác, tổng thu nhập của anh là hơn 5 triệu đồng/ tháng.  

Ngoài giờ hành chính anh T. vẫn phải lội ruộng làm vườn để tăng thêm thu nhập.

Anh T. cho hay, với số lương trên nếu như với một công chức xã chưa có gia đình (vợ con) thì tạm ổn nhưng như anh hiện giờ “một nách hai con” đang tuổi ăn tuổi học thì luôn trong tình trạng “giật gấu, vá vai”.

Để có thể duy trì được cuộc sống hàng ngày, ngoài giờ hành chính anh phải xắn quần làm ruộng, đi chăn bò, nuôi gà, nuôi lợn. “Mình sinh ra ở vùng quê thuần nông, không có nghề phụ cũng chẳng biết bán buôn. Còn ít đất vợ chồng cùng canh tác. Nhưng mà nông dân thì luôn “đánh bạc” với thời tiết. Chưa kể, dịp nào rau đắt thì còn có lãi, rau rẻ cho không ai thèm lấy, vợ chồng con cái lúc ấy chỉ còn cách ăn rau trừ bữa”, vừa nói anh T. vừa thoăn thoắt buộc dây cho luống dưa chuột.

Dẫn giải theo vấn đề thời sự, anh T. nói: “Ông chủ Trung Nguyên hỏi “tiền nhiều để làm gì”, tôi thì thấy tiền nhiều sẽ giải quyết được vô khối việc. Như tôi cần tiền để mua đất, cần tiền để làm nhà, cần tiền để mua xe, cần tiền để mua một cái máy dùng cho sản xuất… Muốn nhiều thứ lắm nhưng lực mình có hạn. Thành thử ra, ước mơ con lại đè nát cuộc đời con. Ngoài giờ hành chính lại úp mặt với ruộng vườn với con trâu, đàn lợn vậy”. 

Tháng nào 2 đám cưới là cả tuần... nhịn ăn

Thi đỗ công chức cách đây 4 năm, Mai Hương (cán bộ quận Bắc Từ Liêm) mỗi tháng lĩnh vỏn vẹn 4 triệu đồng. Hương quê Mỹ Đức, cách nơi cô công tác 60 km. Không thể đi về trong ngày, Hương thuê nhà gần nơi làm việc. 2 triệu chi trả cho khoản thuê nhà này. Số tiền còn lại trong tổng thu nhập được Hương chia thành các khoản: tiền ăn, tiền xăng xe, thăm hỏi người ốm, cưới hỏi đồng nghiệp. Ngoài ra, 6 tháng một lần, Hương phải đóng một khoản tiền kha khá học phí cao học.

“Tháng nào có 1 đám cưới, một đám hiếu hay thăm người ốm thì vừa đủ. Chỉ cần hai đám cưới là… nhịn ăn cả tuần. Muốn mua gì cũng phải suy nghĩ thật kỹ xem có nên mua không. Thậm chí việc cầu cứu viện trợ ở quê vẫn thường xuyên như cơm bữa”, Hương nói.

Hương chia sẻ, cứ hai tuần lại về quê xin mẹ gạo. Chị dâu biết em mới đi làm khó khăn nên lần nào về cũng chuẩn bị sẵn khi con cá, khi mớ rau cho em mang đi.

Hỏi sao lương thấp thế, vẫn có bám víu làm gì, Hương cười buồn bảo: "Ra trường em từng đi làm ngoài 4 năm. Lương đúng là cao hơn nhưng bấp bênh và rất nhiều bất ổn. Lần thứ nhất em vào làm ở một công ty được 5 tháng, công ty hết việc, nợ lương nên em nhảy việc. Công ty thứ hai là công ty gia đình nên nhân viên luôn phải nhìn mặt sếp ông, sếp bà để cư xử. Quá mệt mỏi, em nghỉ tiếp… Sau đó em quyết định đóng cửa ôn luyện thi tuyển công chức. Rất may em trúng tuyền.

Một năm sau đó em hưởng lương tập sự 85% của hệ số 2,34. Nhiều lúc nghĩ cũng chán, 30 tuổi, 12 năm sống ở Thủ đô, sau 8 năm đi làm vẫn không có chút vốn dắt lưng. Nhà chỉ còn mình mẹ, các anh chị em cũng có gia đình hết, riêng em không chồng con giờ lại lông bông nữa thì bà lại càng lo. Nên thôi thì, lương thấp cũng đành chịu”, Hương nói.

Cô công chức trẻ này hy vọng, nếu theo đúng tiến độ mà Trung ương đề ra, đến năm 2021 sẽ trả lương theo vị trí việc làm thì cuộc sống của cô cũng được cải thiện. Những cán bộ trẻ như cô sẽ có thể hoàn toàn sống được bằng đồng lương mà không còn cảnh cuối tuần ăn mì tôm, hay phải về quê xin “viện trợ”.

Gắn bó với nhà nước vì… bố mẹ

Phường Hàng Đào, một trong những phường có mật độ dân cư “đông đúc” vào hạng nhất của Thủ đô. Địa bàn hẹp vỏn vẹn 0,07km2 có tới 1.269 hộ với 3425 nhân khẩu. Phường có 432 biển số nhà nhưng có tới 478 hộ kinh doanh vào ban ngày và 102 hộ kinh doanh vào buổi đêm với nhiều loại mặt hàng, nhiều hình thức kinh doanh khác nhau. Đặc biệt và 3 tối cuối tuần gắn với không gian đi bộ Hồ Gươm, tuyến phố Hàng Ngang- Hàng Đào –Hàng Đường thu hút khoảng 10.000 người/buổi.

“Tình hình an ninh trật tự, an toan giao thông, trật tự đô thị, vệ sinh môi trường của phường luôn quá tải”, anh Nguyễn Sơn Hải (Phó Chủ tịch UBND phường Hàng Đào, Hoàn Kiếm, Hà Nội) than phiền.

Là Phó Chủ tịch phường phụ trách lĩnh vực trật tự đô thị, anh Hải gần như ăn ngủ tại cơ quan. Dân va chạm, cãi vã… không tự hòa giải được, cán bộ phường giải quyết. Khách du lịch, mua sắm phản ánh hiện tượng bắt chẹt... cán bộ phường có mặt. Tất tật mọi chuyện phát sinh ở đây thì người tiếp xúc với dân đầu tiên là cán bộ phường.

Đặc biệt dịp Hà Nội đăng cai tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều vừa qua, hai tuần liền anh Hải gần như không ăn cơm nhà. Gặp bữa, tiện đâu ăn đấy.

“Chỉ riêng giải quyết trật tự đô thị, trật tự giao thông hàng ngày cũng đã phải thường xuyên, huống chi dịp hội nghị Thượng đỉnh khi tính an toàn cho quan khách tham dự hội nghị được đặt lên hàng đầu. Hàng tuần liền tôi phải ở lại phường ứng trực, đi kiểm tra đôn đốc, nhắc nhở bà con trang hoàng, dọn dẹp đường phố …”, anh Hải nói.

Nhiều việc là thế nhưng khi nói đến thu nhập, anh Hải chỉ cười trừ. Anh bảo “từng này tuổi bố mẹ, vợ vẫn nuôi đấy”. Rồi anh kể, hành trình trở thành công chức nhà nước của anh. Anh được ký hợp đồng trong chỉ tiêu biên chế với nhiệm vụ cán bộ hộ tịch phường từ cuối 1995 đầu năm 1996. Sau đó, anh được dân tín nhiệm bầu giữ chức Phó Chủ tịch phường.

“8 năm nắm giữ vị trí do dân cử, là Phó Chủ tịch phường nhưng theo chính sách tôi chỉ được hưởng mức lương 2,67 suốt ngần ấy thời gian. Sau đó, tôi tham gia thi tuyển công chức. Trúng tuyến, vẫn giữ vị trí Phó Chủ tịch phường nhưng lại quay trở về mức lương khởi điểm bậc đại học 2,34. Đến nay, sau 24 năm công tác mức lương của tôi là 3,0, tổng cả tiền phụ cấp gần 6 triệu/tháng, làm thêm giờ và nhận kinh phí bồi dưỡng trực vào các ngày tuyến phố đi bộ hoạt động thì hàng tháng cũng được hơn 7 triệu gần 8 triệu đồng”, anh Hải chia sẻ.

Theo anh Hải, hầu hết cán bộ phường mức lương đều không đủ sống, hầu hết phải dựa vào gia đình. Nhiều người vẫn bảo “cán bộ công chức sống đâu vì lương”, người ngoài nhìn vào chúng tôi “ao ước” nhưng thực ra chỉ là “trong muốn ra, ngoài muốn vào” mà thôi. Thực tế, cán bộ phường anh hết giờ làm vẫn tranh thủ đi ship hàng, một số cán bộ trẻ thì bán hàng online. Có trường hợp cán bộ hộ tịch, thi đỗ công chức với bằng thạc sĩ nhưng rồi sau hai năm với mức lương quá thấp đã phải từ bỏ giấc mơ. Cá biệt có trường hợp vợ chồng cùng là cán bộ phường, lương quá thấp, anh chồng phải “nhường” vai trò công chức cho vợ để ra làm ngoài đảm bảo cuộc sống và nuôi 2 con ăn học.

 “Tôi dường như may mắn bởi bố mẹ vẫn nuôi. Vợ trước đây cũng có hai ba phòng tranh, cửa hàng nên cô ấy chẳng bao giờ đặt nặng chuyện lương thưởng của chồng. Không bao giờ yêu cầu hàng tháng phải anh phải đưa vợ bao nhiêu”, anh Hải chia sẻ.

Rất thật, người đàn ông sắp bước vào tuổi ngũ tuần tâm sự “giờ phút này còn gắn bó với nhà nước bởi nhiều lẽ. Thứ nhất, ra ngoài không biết làm gì vì tuổi này rồi không còn phù hợp nữa. Thứ hai, vì tình yêu, vì trách nhiệm với công việc. Cuối cùng, làm vì bố mẹ. Ông bà cũng tự hào vì có đứa con làm vị trí này, vị trí kia. Thế nên, cứ phải cố”.

Hầu hết các cán bộ tại địa phương đều kiến nghị, “nhà nước nên có chế độ chính sách quan tâm tới đội ngũ cán bộ phường. Vì những cán bộ làm ở cơ sở đều là những người tâm huyết, có trách nhiệm. Chính sách tiền lương nên phải trên mức trung bình để  khích lệ công chức gắn trách nhiệm, tận tâm với nhiệm vụ và hạn chế những tiêu cực phát sinh.

N. Huyền

Đề xuất miễn visa cho khách thị trường trọng điểm

Bà Rịa - Vũng Tàu đề xuất miễn thị thực nhập cảnh đối với khách ở các thị trường trọng điểm như châu Âu, Bắc Mỹ, Australia.

Khách nhiễm Covid-19 cố tình giấu bệnh lên máy bay có thể bị cấm bay vĩnh viễn

Trước khi lên máy bay khách có xét nghiệm xác nhận bị nhiễm Covid-19 nhưng không khai báo trung thực có thể bị Vietnam Airlines cấm bay vĩnh viễn trên các chuyến bay của hãng.

VOV bổ nhiệm Phó giám đốc đài truyền hình kỹ thuật số VTC

Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam đã quyết định bổ nhiệm ông Lương Minh Đức giữ chức Phó GĐ Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC, đồng thời tái bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Bình tiếp tục giữ chức Phó GĐ Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ làm trưởng đoàn ĐBQH TP Hà Nội

Sáng 18/ 2, Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hà Nội tổ chức họp đoàn kiện toàn chức danh Trưởng đoàn.

Bộ TT&TT điều động và bổ nhiệm 13 cán bộ lãnh đạo chủ chốt

Nhận định lần trao các quyết định giao nhiệm vụ quy mô lớn này là một sự kiện lịch sử của Bộ TT&TT, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, với vị trí, nhiệm vụ mới, 13 cán bộ lãnh đạo các đơn vị sẽ có năng lượng mới để đóng góp tốt hơn cho Bộ, đất nước.

Tọa đàm Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh và Đảng CSVN với sự nghiệp văn hóa-VHNT VN

Buổi tọa đàm với diễn giả là GS. Phong Lê - Nguyên Viện trưởng Viện Văn học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, diễn ra lúc 9h00 ngày 03/02/2020 tại Tầng 1 Tòa nhà chính Thư viện Quốc gia Việt Nam, 31 Tràng Thi, Hà Nội.

Đắk Lắk: Bệnh nhân bị đồn nhiễm virus corona là một tiếp viên hàng không

Liên quan đến thông tin trên mạng xã hội cho là "có người nhiễm corona tại Đắk Lắk", sáng 28/1, lãnh đạo BVĐK vùng Tây Nguyên cho biết, có một bệnh nhân bị sốt đang được điều trị tuy nhiên chưa thể kết luận có nhiễm virus corona hay không.

Đà Nẵng: Xuân 2020 hướng tới 22 dự án với tổng vốn đầu tư 1,7 tỉ USD

Các cơ quan hữu quan của Đà Nẵng đẩy nhanh việc giải quyết thủ tục đầu tư đối với các dự án đang xúc tiến để tại “Tọa đàm Mùa xuân 2020” có thể hướng tới 22 dự án đầu tư trong và ngoài nước với tổng vốn khoảng 1,715 tỉ USD

Tân Giám đốc Sở KH&CN Hà Nội Nguyễn Hồng Sơn

Sáng nay 20/1, Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Văn Quý trao quyết định của Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung bổ nhiệm Giám đốc Sở Khoa học & Công nghệ Hà Nội cho ông Nguyễn Hồng Sơn.

Bổ nhiệm Phó giám đốc Công an tỉnh Đắk Nông giữ chức Giám đốc Công an Lâm Đồng

Được sự ủy quyền của Bộ trưởng Bộ Công an, Thượng tướng Nguyễn Văn Thành đã trao quyết định điều động, bổ nhiệm Đại tá Lê Vinh Quy, Phó giám đốc Công an tỉnh Đắk Nông giữ chức vụ Giám đốc Công an tỉnh Lâm Đồng

Đang cập nhật dữ liệu !