Cuốn sách “bắt lỗi” nhà giáo Nguyễn Lân cũng mắc nhiều sai sót

“Từ điển tiếng Việt của GS. Nguyễn Lân –phê bình và khảo cứu” của Hoàng Tuấn Công (NXB Hội Nhà văn) đang thu hút sự quan tâm của dư luận, khi được giới thiệu là đã tìm ra hàng ngàn lỗi trong cuốn từ điển của GS. Nguyễn Lân.

Một số ý kiến giới thiệu cuốn sách như “hiện tượng của học thuật nước nhà”, đồng thời, phê phán các NXB đã in và tái bản cuốn từ điển của GS. Nguyễn Lân.

Tuy nhiên, có thực sự cuốn từ điển của GS. Lân mắc quá nhiều lỗi như Hoàng Tuấn Công phê bình không? Bởi  nhiều người đã phát hiện ra cuốn sách của Hoàng Tuấn Công có nhiều sai sót khi “bắt lỗi” nhầm - những sai sót không nên có. Mà, nếu không được chỉ ra, những sai sót đó sẽ mặc nhiên được chấp nhận thì rất nguy hại.

Xin được đưa ra một vài ví dụ:

Khi bàn về câu “Áo rách vẫn giữ lấy tràng”, tác giả Hoàng Tuấn Công cho rằng, GS. Nguyễn Lân giải thích “Tràng là cái vạt trước của áo dài” là sai, mà “tràng” là cái cổ áo chứ không phải vạt trước của áo dài. Nghĩa là, dù áo rách thế nào, cũng phải giữ lấy bộ phận quan trọng nhất của cái áo là cổ áo.”

Nhà văn Ngô Văn Phú – người đã dịch số lượng lớn thơ Đường và văn xuôi Trung Quốc, trong đó có “Tể tướng Lưu Gù,” cho biết, GS. Nguyễn Lân đã không sai. “Lĩnh” mới là cổ áo, còn “tràng” là vạt chiếc áo dài. Trong “Từ điển Hán Nôm” trên thivien.net cũng giải nghĩa “lĩnh là cổ áo”, không thấy có mối liên quan nào giữa “lĩnh” với “tràng”!

Nhà thơ Đỗ Trung Lai, người đã dịch hàng trăm bài thơ Đường, cũng cho hay: Tràng là vạt trước của áo dài.

“Từ điển tiếng Việt” của Viện Ngôn Ngữ học do Hoàng Phê chủ biên (tái bản 1992 và 2003) cũng định nghĩa: “Tràng: Vạt trước của áo dài”. Ví dụ: “Níu lấy tràng áo mẹ.”

GS. Nguyễn Đức Tồn – nguyên Viện trưởng Viện Ngôn Ngữ học, cho biết: "Tràng là vạt phía trước của chiếc áo dài, có vai trò quan trọng cả về thẩm mỹ và chức năng che những bộ phận quan trọng nhất của người mặc nên mới có câu 'Áo rách vẫn giữ lấy tràng.' Còn cổ áo không liên quan gì ở đây."

Như vậy, cho đến nay, chưa thấy từ điển nào định nghĩa “tràng” là cổ áo như Hoàng Tuấn Công giải thích.

Bàn về thành ngữ: “Chó già, gà non,” Hoàng Tuấn Công cho rằng, GS. Nguyễn Lân giải thích “thịt chó già không tanh, thịt gà non mới mềm” là sai, vì theo anh “câu này không có ý khen 2 món ăn đều ngon như cách hiểu của GS. Nguyễn Lân, mà là 2 thứ không ngon. Thịt chó già thì dai nhách, còn gà non thì chỉ để nấu cháo.”

Dẫn chứng về “cầy tơ” tức chó tơ là ngon, nhưng lại không thấy tác giả Công đưa ra ví dụ nào về gà già mà ngon cả! Sau đó, tác giả viết: “gà ngon phải là gà mái tơ trưởng thành, có trứng và nhảy ổ đẻ, chưa đẻ hay đang đẻ”.

Về cách định nghĩa “gà mái tơ” là gà “đang đẻ”, thì theo “Từ điển tiếng Việt”, “tơ” nghĩa là “động vật, (thực vật) còn non, mới vừa lớn lên như gà mái tơ, trâu tơ, trai tơ, gái tơ vv…” Gà đang đẻ liệu có còn là gà mái tơ?

Hoàng Tuấn Công cho rằng, câu “chó già, gà non” là dị bản rút gọn của “Chó thiến già, gà thiến non”, nói về kinh nghiệm chăn nuôi, sản xuất chứ không phải lựa chọn món ăn ngon!” Các nhà văn Hà Phạm Phú, Ngô Văn Phú và Văn Chinh đều cho rằng “Chó già, gà non” là thành ngữ nói về ẩm thực. Việc Hoàng Tuấn Công áp đặt thêm vào từ “thiến”, thành câu “Chó thiến già, gà thiến non” thật khó thuyết phục!

Theo GS. Nguyễn Đức Tồn, “Chó già, gà non” là câu khá mơ hồ nếu tách khỏi ngữ cảnh. Nếu nói về ích lợi thì có thể hiểu là nên chọn chó già vì có kinh nghiệm trông giữ nhà, còn gà non để nuôi sẽ thu hoạch tốt hơn. Nếu nói về ẩm thực, chó già (nhưng không phải là già “khú đế”) sẽ dai, có độ ngậy và ngon; gà tơ ăn mới ngon. Như vậy, tùy theo ngữ cảnh mà vận dụng.

Trong câu “rau muống tháng chín nàng dâu nhịn cho mẹ chồng ăn”, GS. Nguyễn Lân đưa ra 2 quan điểm: “thức ăn hiếm, nàng dâu tốt dành cho mẹ chồng. Song cũng có người cắt nghĩa trái lại cho rằng, rau muống tháng 9 cứng, nàng dâu chẳng ưa mẹ chồng dọn cho mẹ chồng ăn.” Hoàng Tuấn Công đồng ý với lý giải thứ 2 của GS. Lân và loại trừ cách hiểu thứ nhất, đồng thời cho rằng “GS. Nguyễn Lân lại lựa chọn cách hiểu sai (thứ nhất) là chính, còn cách hiểu đúng (thứ 2) chỉ là tham khảo.”

GS. Nguyễn Đức Tồn lý giải, không phải lúc nào rau muống khan hiếm cũng là rau già và trong câu có từ “nhịn” hàm ý sự kính nhường, nên có thể hiểu theo cách 1. Nhưng dân gian hay nghĩ quan hệ mẹ chồng nàng dâu thường xung khắc, thì từ “nhịn” sẽ mang sắc thái giễu cợt nên có thể hiểu theo cách 2. Do đó có thể chấp nhận cả hai cách hiểu, tùy theo cảm nhận.

Cũng theo GS. Tồn, GS. Lân không sai khi nêu cả 2 quan điểm và cũng không khẳng định câu nào là chính, mà chỉ nêu câu mang tính tích cực trước.

Bàn về danh từ “Vịt xiêm” mà GS. Nguyễn Lân cho là “Giống vịt to, người ta nói nhập từ Thái Lan. (Ví dụ) Trong sân nhà có đôi vịt xiêm rất lớn", Hoàng Tuấn Công nêu quan điểm: “Vịt là vịt mà ngan là ngan, sao biến hai con thành một được? "Vịt xiêm" là cách gọi tên con ngan của người miền Nam. Từ điển Bách khoa nông nghiệp: "Ngan (tên khác: vịt xiêm) loài thủy cầm có mỏ như mỏ vịt nhưng to hơn.”

Ở đây, Hoàng Tuấn Công đã tự mâu thuẫn với mình khi khẳng định “sao biến hai con thành một được”, nhưng ví dụ của anh thì lại chứng minh ngan và vịt xiêm là một! Còn GS. Nguyễn Đức Tồn cho rằng GS. Nguyễn Lân đúng, bởi vịt xiêm có gốc từ Thái Lan (từng gọi là Xiêm). Người miền Bắc gọi con vịt gốc Thái Lan là ngan, còn người miền Nam gọi là vịt xiêm –cách gọi theo nguồn trong tiếng Việt.

 GS. Nguyễn Lân giải thích câu “Chim trời cá nước” là “Nói người ở nay đây mai đó, khó lòng gặp được”, nhưng Hoàng Tuấn Công cho rằng “còn thiếu nghĩa: của ở đời, không thuộc quyền sở hữu của riêng ai”.

GS. Nguyễn Đức Tồn cho hay, ông chưa nghe thấy nghĩa “của ở đời, không thuộc quyền sở hữu của riêng ai” cho câu này bao giờ, mà “Chim trời cá nước” nói về con người tự do, nay đây mai đó, ngược với “Cá chậu chim lồng” chỉ sự tù túng, bị giam cầm.

Danh từ “Nội các” được GS. Nguyễn Lân giải thích là “Hội đồng Chính phủ của một số nước, gồm thủ tướng và các bộ trưởng”, nhưng Hoàng Tuấn Công \ cho rằng phải chọn theo nghĩa 2 của từ điển Thiều Chửu là “tên bộ quan-nội các gọi tắt là các” và Trần Văn Chánh là “Nội các (nói tắt): tổ các, nội các, tổ chức nội các.” TS. Lã Trọng Long - nguyên Chủ tịch Liên hiệp các Hội KH&KT Hải Phòng không đồng tình với lập luận này và cho rằng, “Nội các” theo giải thích đó là nói về cơ quan có tên Nội Các, xếp hàng thứ 6 trong triều đình nhà Nguyễn. Ngày nay, “nội các” chỉ được hiểu theo nghĩa là “Hội đồng Chính phủ ở một số nước bao gồm Thủ tướng và các Bộ trưởng”. “Nếu giải thích như Hoàng Tuấn Công sẽ làm người đọc hiểu nhầm “nội các” là một quan nhỏ trong triều đình nhà Nguyễn.” - TS. Lã Trọng Long nhấn mạnh.

Từ “lâm bồn” được GS. Nguyễn Lân giải thích: “Lâm: đương lúc, bồn: cái chậu”. Hoàng Tuấn Công cho rằng GS. Nguyễn Lân sai và “lâm bồn” là
thai nhi đã ra đến vùng bồn xoang/xoang chậu (của sản phụ). Danh từ “bồn xoang” theo Hán điển là xoang chậu phía trong của khung xương chậu.

TS. Lã Trọng Long cho rằng để giải thích từ “lâm bồn” một loại từ ngữ rất cổ chưa xong, Hoàng Tuấn Công lại đưa thêm các từ bồn xoang, khung xương chậu, khiến người đọc càng không hiểu. Cuốn “Tân Hoa tự điển” của Trung Quốc xuất bản năm 1971 giải thích: “Lâm bồn: chỉ việc phụ nữ có chửa sinh con”. Cách giải thích này giống GS. Nguyễn Lân giảng, rất gọn ghẽ, dễ hiểu. Hoàng Tuấn Công hay viện dẫn Hán điển dài dòng, có khi chỉ thêm rườm rà, rắc rối khó hiểu. Trong khi GS. Nguyễn Lân chuộng sự giản dị, gọn ghẽ trong giải thích.

Trên đây chỉ là một vài, chưa phải tất cả, sai sót trong cuốn “Từ điển tiếng Việt của GS. Nguyễn Lân – phê bình và khảo cứu.”

Nhà văn Ngô Văn Phú cho biết, thời điểm cuốn từ điển của GS. Nguyễn Lân ra đời, vốn từ tiếng Việt chưa phong phú như bây giờ, Việt Nam cũng chưa giao lưu quốc tế rộng như hiện nay. Vì thế, sai sót hay cách hiểu nghĩa khác với hôm nay là bình thường. Còn theo GS. Nguyễn Đức Tồn, bản thân thành ngữ, tục ngữ cho phép nhiều cách hiểu, nên không dễ có sự thống nhất.

Nhưng khi có khác biệt quan điểm với GS. Nguyễn Lân, Hoàng Tuấn Công luôn khẳng định GS. Lân hay “sai”, “không đúng”, “nhầm lẫn” dù chính anh viết: “Cùng một thành ngữ, tục ngữ, nhưng có nhiều cách hiểu, đưa ra nhiều cách giải thích là chuyện bình thường, thậm chí là rất cần thiết nếu như những cách hiểu ấy có lý!”

Vì thế, vài ý kiến cho rằng cần thu hồi Từ điển của GS. Nguyễn Lân là quá vội vàng, dù khẳng định nó chuẩn rồi cũng không nên. Cũng như đinh ninh rằng “Từ điển tiếng Việt của GS. Nguyễn Lân – phê bình và khảo cứu” của Hoàng Tuấn Công là đúng cả thì càng nguy hại, dù cuốn sách cũng có những đóng góp nhất định trong bối cảnh tiếng Việt đang sinh sôi nảy nở như hiện giờ.

Để kết luận về hai cuốn sách của hai tác giả trên, phải có những bàn luận và đánh giá nghiêm túc. Nếu từ điển của GS. Nguyễn Lân sai sót nhiều, cần bổ sung và sửa chữa, như “Từ điển tiếng Việt” của Viện Ngôn ngữ học đã phải “Sửa chữa và bổ sung Từ điển tiếng Việt” chỉ sau 10 năm xuất bản. Bên cạnh đó, cần phải chỉ ra những chỗ đúng, sai trong cuốn sách của Hoàng Tuấn Công để đảm bảo công bằng cho người đọc.

Thanh Hằng

Đề xuất miễn visa cho khách thị trường trọng điểm

Bà Rịa - Vũng Tàu đề xuất miễn thị thực nhập cảnh đối với khách ở các thị trường trọng điểm như châu Âu, Bắc Mỹ, Australia.

Khách nhiễm Covid-19 cố tình giấu bệnh lên máy bay có thể bị cấm bay vĩnh viễn

Trước khi lên máy bay khách có xét nghiệm xác nhận bị nhiễm Covid-19 nhưng không khai báo trung thực có thể bị Vietnam Airlines cấm bay vĩnh viễn trên các chuyến bay của hãng.

VOV bổ nhiệm Phó giám đốc đài truyền hình kỹ thuật số VTC

Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam đã quyết định bổ nhiệm ông Lương Minh Đức giữ chức Phó GĐ Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC, đồng thời tái bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Bình tiếp tục giữ chức Phó GĐ Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ làm trưởng đoàn ĐBQH TP Hà Nội

Sáng 18/ 2, Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hà Nội tổ chức họp đoàn kiện toàn chức danh Trưởng đoàn.

Bộ TT&TT điều động và bổ nhiệm 13 cán bộ lãnh đạo chủ chốt

Nhận định lần trao các quyết định giao nhiệm vụ quy mô lớn này là một sự kiện lịch sử của Bộ TT&TT, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, với vị trí, nhiệm vụ mới, 13 cán bộ lãnh đạo các đơn vị sẽ có năng lượng mới để đóng góp tốt hơn cho Bộ, đất nước.

Tọa đàm Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh và Đảng CSVN với sự nghiệp văn hóa-VHNT VN

Buổi tọa đàm với diễn giả là GS. Phong Lê - Nguyên Viện trưởng Viện Văn học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, diễn ra lúc 9h00 ngày 03/02/2020 tại Tầng 1 Tòa nhà chính Thư viện Quốc gia Việt Nam, 31 Tràng Thi, Hà Nội.

Đắk Lắk: Bệnh nhân bị đồn nhiễm virus corona là một tiếp viên hàng không

Liên quan đến thông tin trên mạng xã hội cho là "có người nhiễm corona tại Đắk Lắk", sáng 28/1, lãnh đạo BVĐK vùng Tây Nguyên cho biết, có một bệnh nhân bị sốt đang được điều trị tuy nhiên chưa thể kết luận có nhiễm virus corona hay không.

Đà Nẵng: Xuân 2020 hướng tới 22 dự án với tổng vốn đầu tư 1,7 tỉ USD

Các cơ quan hữu quan của Đà Nẵng đẩy nhanh việc giải quyết thủ tục đầu tư đối với các dự án đang xúc tiến để tại “Tọa đàm Mùa xuân 2020” có thể hướng tới 22 dự án đầu tư trong và ngoài nước với tổng vốn khoảng 1,715 tỉ USD

Tân Giám đốc Sở KH&CN Hà Nội Nguyễn Hồng Sơn

Sáng nay 20/1, Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Văn Quý trao quyết định của Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung bổ nhiệm Giám đốc Sở Khoa học & Công nghệ Hà Nội cho ông Nguyễn Hồng Sơn.

Bổ nhiệm Phó giám đốc Công an tỉnh Đắk Nông giữ chức Giám đốc Công an Lâm Đồng

Được sự ủy quyền của Bộ trưởng Bộ Công an, Thượng tướng Nguyễn Văn Thành đã trao quyết định điều động, bổ nhiệm Đại tá Lê Vinh Quy, Phó giám đốc Công an tỉnh Đắk Nông giữ chức vụ Giám đốc Công an tỉnh Lâm Đồng

Đang cập nhật dữ liệu !