Những ngôi nhà hoang ở Làng Thanh niên LN Trường Xuân: Nợ ngân hàng đeo đẳng

Làng Thanh niên lập nghiệp Trường Xuân có lịch sử 10 năm xây dựng và phát triển. Quy mô 100 hộ dân nhưng trên thực tế số hộ bám trụ lại mảnh đất này để làm kinh tế mới chỉ đếm trên đầu ngón tay. Những hộ "bám làng" đang còn nhiều trăn trở để vượt qua khó khăn.

Làng thanh niên đìu hiu dưới chân dãy Trường Sơn

Những ngôi nhà hoang nơi Làng TNLN Trường Xuân.

Làng Thanh niên lập nghiệp Trường Xuân (xã Trường Xuân, huyện Quảng Ninh) được Tỉnh đoàn Quảng Bình tổ chức xây dựng vào tháng 3 năm 2009. Làng TNLN Trường Xuân được triển khai thực hiện tại 2 xã Trường Xuân, Trường Sơn với tổng vốn đầu tư 31 tỉ đồng, trên diện tích đất tự nhiên 1.363 ha. Dự án xây dựng hoàn chỉnh hạ tầng cơ sở khu dân cư mới cho 100 hộ gia đình trẻ, trồng mới 300 ha cao su và cây công nghiệp ngắn ngày...

Đề án đặt ra mục tiêu xây dựng 100 hộ dân nhưng trên thực tế đã tuyển được 58 hộ di dân lập nghiệp, hiện nay còn 55 nóc nhà. Chỉ có 13 hộ “đỏ lửa” hằng ngày, và chừng 10 hộ “đi về” kết hợp làm ăn 2 nơi giữa làng TNLN và quê cũ. Số hộ “đi về” này chủ yếu là những hộ trước đây sinh sống ở huyện Quảng Ninh và Lệ Thủy, nên khoảng cách gần, mỗi năm chỉ lên ở lại ít ngày để chăm sóc cây trồng và duy trì danh sách “bám làng”.

Đi theo con đường độc đạo vào Làng, xen kẽ những dãy nhà hoang lác đác những nhà có người sinh sống.

Cuối làng, mẹ con chị Nguyễn Thị Thủy đang ngồi ngắt cây sả trên bậc thềm nhà, chị tâm sự mỗi ngày 2 mẹ con tỉa và làm sạch được 1 tạ sả, bán sả giống và bán cho thương lái thu mua. “Trên đây, 2 năm nay cây sả như là cứu cánh cho những hộ bám trụ lại cái làng này. Dân học tập nhau rồi mua giống về trồng tự phát, giá cả cũng tùy theo năm, mỗi ký sả lúc thấp chỉ có 2 ngàn, còn lúc nào cao nhất đến 12 ngàn đồng”.

Ngày trước nhà chị Thủy ở xã An Ninh, vùng đồng bằng huyện Quảng Ninh, hưởng ứng theo lời tổng động viên của Tổng đội thanh niên xung phong, gia đình anh cũng như nhiều gia đình trẻ khác hăm hở lên Làng TNXP lập nghiệp. “Khi lên đây, gia đình chỉ được hỗ trợ 10 triệu làm nhà, còn mọi việc thì phải đi vay đi mướn để về làm. 2 vợ chồng tôi gửi 3 đứa con ở dưới quê cho ông bà nội, ngoại chăm. Lên đây được giao đất phát cây để trồng rừng sản xuất, nhưng khi phát xong, không có tiền đầu tư nên phải “đi về” quê gốc làm ăn. 2 năm sau mượn bìa đất anh em để thế chấp vay mượn, xong thuê người phát dọn lại đất để mua cây trồng”.

Đứa con lớn của anh chị vừa học xong 12 cũng theo ba mẹ lên cuốc đất làm kinh tế, hi vọng trả dần được tiền lãi, tiền gốc để mang bìa đất về trả cho anh em.

Theo những hộ dân ở đây trình bày, dự án đã kết thúc, nên các hộ tự bươn chải lo cuộc sống, phải tìm anh em, người thân để nhờ thế chấp vay vốn làm ăn. Hiệu quả kinh tế chưa thấy đâu, chỉ thấy người thân gọi điện thúc giục trả tiền lãi, tiền gốc khi đến tháng.

Chị Hằng, một trong những hộ gia đình đầu tiên lên lập nghiệp ở đây cho biết: “Cấp trên quy hoạch rồi yêu cầu người dân trồng cây cao su với chăn nuôi. Cao su lên thì bị trâu, bò phá hỏng, sau đó gió bão làm gãy đổ hết. Dân lên xin Tổng đội chuyển sang trồng cây keo, nhưng họ không cho, hộ nào trồng keo là bên Đội quản lý ở đây họ tổ chức đi phá bỏ nên không ai dám trồng. Đất lâm nghiệp giao cho dân thì không được trồng cây keo, nhưng đất của Đội họ lại đưa cây keo vào trồng”.

3 năm nay, nhờ trồng được cây sả cho thu nhập ổn định, gia đình chị Thủy có tiền trả lãi vay ngân hàng.

“Chúng tôi lên đây, người bên xã quản lý, đất đai thì bên Tổng đội TNXP quản lý. Dự án đã kết thúc lâu rồi, Tổng đội họ rút đi lúc nào, thì chúng tôi thành người xâm chiếm đất đai, nên tôi thấy bất an lắm. Mong muốn của các hộ dân ở đây là có sổ đỏ để an tâm làm ăn và thế chấp vay vốn đầu tư phát triển. Những hộ bám trụ lại đây là những hộ có điều kiện nhất, giờ vay mượn nên ai cũng thành con nợ của ngân hàng. Phần lớn, các hộ buộc phải lựa chọn khác bỏ làng vào nam, ra bắc làm ăn vì không còn ý chí bám trụ nữa”- Chị Hằng mong muốn.

Chưa làm sổ đỏ vì sợ dân bán đất (!)

Những hộ dân ít ỏi còn lại nơi đây đang băn khoăn, trăn trở là chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Làng chỉ có trường mầm non, nên các cháu học tiểu học phải ra điểm trường ngoài trung tâm xã rất xa. Hầu hết các cháu được các họ dân gửi cho ông bà, người thân ở quê chăm sóc và nuôi ăn học. Những nguyện vọng chính đáng của người dân đã nhiều lần kiến nghị, Tổng đội cũng đã nhiều lần liên hệ với chính quyền các cấp để giải quyết dứt điểm cho người dân, nhưng đến nay, nguyện vọng chính đáng của người dân vẫn chưa được xử lý, nhiều hộ đã hết kiên nhẫn nên phải rời làng.

Con trai đầu của gia đình chị Thủy vừa học xong 12 lên phụ giúp ba mẹ phân loại sả để bán.

Trước những trăn trở của các hộ dân Làng TNLN Trường Xuân, ông Nguyễn Thanh Sơn, Tổng đội trưởng, cho rằng, “cấp hộ khẩu và sổ đỏ là việc của chính quyền địa phương”.

“Các hộ dân khi lên đây đều có cam kết; nhưng nhiều hộ ở không liên tục nên không thể phối hợp làm sổ đỏ cho họ được. Những hộ định cư lâu dài, ổn định thì chúng tôi mới kết hợp với UBND xã làm sổ đỏ. Sắp tới chúng tôi rà soát, đánh giá lại cắm mốc, phân lô trích lục để rà soát quỹ đất và cấp cho dân”.

Ông Sơn cũng cho biết những hộ đã không có mặt ở Làng NTLN, Tổng đội đã thu hồi lại đất đai và tuyển những hộ mới lên thay thế. Có nhiều hộ dân lợi dụng Dự án lên để chiếm dụng đất, sau đó về lại quê hương. Nếu thực hiện cấp sổ đỏ đất nhà ở và đất lâm nghiệp, họ sẽ bán sang tay cho những người dưới xuôi lên gom đất thì không được. Các hộ dân đã có giấy giao đất rồi, còn việc cấp bìa đất thì phải xem xét thận trọng.

Dự án đã kết thúc, Đội TNXP vẫn còn duy trì với "nhiệm vụ" hỗ trợ người dân trong phát triển sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cũng như đảm bảo an ninh quốc phòng...

Làng TNLN Trường Xuân đang thành "làng nhà hoang" với rất nhiều nhà đóng cửa bỏ hoang.

Đã 10 năm sống trong cơ cực, nhiều hộ dân đã phải đóng cửa, dời làng đi kiếm sống, các hộ ở lại thì gặp nhiều khó khăn. Họ chờ đợi được công nhận hợp pháp trên mảnh đất họ đã đang làm ăn, sớm phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống lâu dài nơi mảnh đất vốn đã quá khắc nghiệt này…

Ông Nguyễn Văn Quang – Chủ tịch xã Trường Xuân cho biết “Làng TNLN  mới sáp nhập vào sinh hoạt với thôn Trường Nam. Xã chỉ quản lý nhân khẩu, hộ khẩu; còn đất đai, hạ tầng xã không quản lý được. Đất đai không nắm nên cũng không chỉ đạo sản xuất được nên không xóa đói giảm nghèo. Có danh sách ban đầu về số hộ và nhân khẩu, nhưng kinh tế khó khăn nên nhiều hộ đã đi nơi khác làm ăn, nên việc biến động người cư trú trên địa bàn luôn thay đổi, khó nắm bắt. Xã rất quan tâm và cũng mong muốn các cấp các ngành quan tâm, phối hợp làm sổ đỏ cho các hộ dân để an tâm lập nghiệp”.

Cuộc sống khó khăn và nhiều bất cập làm những thanh niên đầu tiên đến với làng để lập nghiệp dần bị mòn dần ý chí, họ chuyển đi miền Nam hay ra Bắc làm công nhân; sinh sống để an cư lạc nghiệp. Có những người trước đây là những thanh niên hoài bão, nhiệt huyết và quyết tâm về làng với quyết tâm đổi đời, mong thoát đói nghèo, nhưng năm tháng trôi qua, tuổi trẻ dần cạn, tương lai vẫn mịt mờ.

Bài tiếp: Làng Thanh niên lập nghiệp sông Rộ: Dân trồng rừng "chết điếng" vì mất đất vô lí

Thanh Hà

Nợ thẻ tín dụng 8,5 triệu thành 8,8 tỷ: Cần biết để không 'lụt nợ' vì thẻ

Vụ nợ thẻ tín dụng 8,5 triệu bị biến thành món nợ 8,8 tỷ gây nhiều tranh cãi. Nợ xấu để lại hệ luỵ cho cả người vay lẫn ngân hàng. Chủ thẻ tín dụng cần lưu ý gì để không phải rơi vào tình huống bị đòi những khoản nợ không tin nổi?

Sự thật vụ 'quên' trả nợ thẻ tín dụng 8,5 triệu, sau 11 năm thành 8,8 tỷ

Vụ việc xảy ra ở Quảng Ninh đang gây 'sốc'. Khách hàng vay thẻ tín dụng 8,5 triệu đồng nhưng không đóng lãi nhiều năm. Đến nay, cả gốc lẫn lãi lên đến 8,8 tỷ đồng.

Agribank nỗ lực truyền thông giáo dục tài chính cho học sinh, sinh viên

Agribank phối hợp với Ngân hàng Nhà nước tổ chức nhiều chương trình giáo dục tài chính, đặc biệt cho học sinh, sinh viên để hiểu biết đúng và đầy đủ về các vấn đề tài chính ngân hàng trong bối cảnh xã hội phát triển và chuyển đổi số.

Phiên livestream chốt đơn 75 tỷ 'chấn động': Vì sao chưa tiết lộ tỷ lệ hủy đơn?

Chỉ sau 13 tiếng livestream bán hàng, chủ kênh TikTok Quyền Leo Daily thông báo doanh thu đạt hơn 75 tỷ đồng khiến cộng đồng mạng xôn xao, cùng không ít hồ nghi. Bởi, con số này ngang ngửa doanh thu một hệ thống siêu thị có gần 4.000 cửa hàng.

Mòn mỏi chờ đất tái định cư, người dân 'mắc kẹt' trong những căn nhà chờ sập

Do thiếu đất tái định cư, hơn chục năm nay, nhiều hộ dân tại thôn Quan Nam 2, xã Hoà Liên (huyện Hoà Vang) phải sống trong cảnh khổ sở, lo lắng vì nhà cửa nứt toác, xuống cấp trầm trọng.

Agribank đồng hành cùng doanh nghiệp giải bài toán ‘nguồn vốn’

Hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn thúc đẩy sản xuất kinh doanh, Agribank dành 20.000 tỷ đồng triển khai chương trình tín dụng ưu đãi ngắn hạn dành cho doanh nghiệp lớn với lãi suất thấp hơn lãi suất cho vay thông thường đến 2,0%/năm.

Hóa đơn tiền điện tăng vì đổi ngày ghi số, hàng triệu khách hàng có lo thiệt?

Việc thay đổi ngày ghi chỉ số công tơ lần này của Tổng Công ty Điện lực Hà Nội đã được lên kế hoạch từ trước Tết. Hàng triệu khách hàng có phải lo lắng việc bị thu tiền điện cao hơn trước?

Kiều bào được “mua đất, mua nhà” sẽ làm bùng nổ thị trường bất động sản

Việc Luật Đất đai năm 2024 quy định người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài được mua nhà ở tại Việt Nam nhằm khuyến khích, góp phần thúc đẩy đầu tư và thu hút kiều hối từ công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài vào trong nước.

Đoàn khách Hạ Long tố nhà hàng ở Hải Dương 'chặt chém' hoá đơn gần 6 triệu

Cho rằng bị "chặt chém" sau khi ăn uống tại một nhà hàng ở TP Chí Linh, tỉnh Hải Dương, thành viên trong nhóm thực khách đã đăng bài lên mạng xã hội.

FWD hợp tác cùng Microsoft phát triển trải nghiệm bảo hiểm dựa trên AI

Tập đoàn bảo hiểm FWD mở rộng hợp tác với Microsoft thông qua một thoả thuận có thời hạn bốn năm, cung cấp quyền truy cập những sáng kiến trí tuệ nhân tạo (AI) tạo sinh mới nhất, đồng thời tiếp tục hỗ trợ chiến lược công nghệ đám mây tại FWD.