Top 10 sự kiện quốc tế "không thể quên" trong năm 2018

Năm 2018 chứng kiến nhiều sự kiện lớn được cả dư luận quốc tế quan tâm như pha giải cứu nghẹt thở đội bóng "Lợn Hoang" ở Thái Lan hay quyết định bất ngờ của Tổng thống Trump rút quân đội Mỹ khỏi Syria.

Giải cứu đội bóng “Lợn Hoang” bị mắc kẹt trong hang ở Thái Lan

13 thành viên đội bóng thiếu niên “Lợn Hoang” của Thái Lan đã vào hang Tham Luang ở tỉnh Chiang Rai và bị mất tích từ ngày 23/6.

Hang Tham Luang là một hệ thống hang động lớn và dài gần 10 km. Khi mưa lớn đổ xuống, toàn bộ hang sẽ bị ngập. Khi lặn trong hang, không khí còn lại rất ít. 

Quá trình giải cứu đội bóng “Lợn Hoang” bị mắc kẹt trong hang ở Thái Lan thu hút sự quan tâm lớn của dư luận quốc tế.

Sau 9 ngày bị mắc kẹt, nhóm thợ lặn đã phát hiện 13 người ngồi trên một mỏm đất trong hang Tham Luang và xung quanh vẫn ngập nước hôm 2/7. Trong những ngày bị mắc kẹt, họ chỉ có thể uống nước từ các thạch nhũ nhỏ xuống.

Dù may mắn được nhóm thợ lặn tìm thấy, song 13 người mắc kẹt vẫn phải ở trong hang thêm 8 ngày để giới chức Thái Lan tính toán phương án an toàn nhất đưa họ ra ngoài.

Tới ngày 10/7, công tác giải cứu kết thúc khi toàn bộ 13 người mắc kẹt được lực lượng đặc nhiệm SEAL của hải quân Thái Lan cùng một nhóm chuyên gia lặn quốc tế giải thoát.

Diễn biến quá trình giải cứu đội bóng “Lợn Hoang” đã thu hút sự quan tâm lớn của dư luận quốc tế. Thậm chí, một số nguồn tin cho rằng các cầu thủ nhí sẽ phải ở lại trong hang 4 tháng để chờ nước rút hết mới có thể ra ngoài và công tác chuẩn bị thực phẩm tiếp tế cũng đã được chính quyền Thái Lan chuẩn bị.

Trong quá trình giải cứu,  một cựu thợ lặn SEAL của hải quân Thái Lan là Saman Kunan đã qua đời do bị thiếu oxy. Trước đó, Kunan đã vào hang Tham Luang để đặt các bình oxy phục vụ hoạt động giải cứu nhưng trên đường quay ra, Kunan đã bị thiếu oxy và qua đời.

Tổng thống Mỹ Donald Trump gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un

Tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên bắt đầu hạ nhiệt sau cuộc gặp lịch sử giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại Singapore vào ngày 12/6.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên và Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Trong cuộc gặp này, ông Trump hứa dừng tiến hành các vụ thử tên lửa và hạt nhân đồng thời tiến hành quá trình giải trừ hạt nhân. Đổi lại Mỹ tuyên bố dừng các hành động bị Triều Tiên xem là khiêu khích như tập trận chung Mỹ - Hàn.

Tuy nhiên, sau cuộc gặp này, Mỹ - Triều vẫn dường như rơi vào bế tắc trong tiến trình giải trừ hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên.

CNN dẫn nguồn tin từ chính phủ Hàn Quốc cho hay, các quan chức cấp cao Việt Nam đã bày tỏ mong muốn Việt Nam sẽ là địa điểm diễn ra hội nghị thượng đỉnh lần thứ hai giữa ông Trump và ông Kim. 

Tổng thống Trump cho hay ông hy vọng hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ hai sẽ diễn ra vào tháng Một hoặc tháng Hai năm 2019.

Còn theo giới truyền thông, Việt Nam cùng với Mông Cổ và Indonesia là 3 quốc gia đang nằm trong danh sách chính phủ Mỹ lựa chọn để tổ chức cuộc gặp lần thứ hai giữa ông Trump và ông Kim.

Căng thẳng Nga – Ukraine

Hôm 25/11, Nga bắt giữ 3 tàu chiến cùng 24 thủy thủ Ukraine trước cáo buộc xâm phạm lãnh hải quốc gia trên eo biển Kerch. Ngay ngày hôm sau, Ukraine đã cho ban bố tình trạng thiết quân luật 30 ngày tại 10 khu vực trên lãnh thổ quốc gia. Ngoài ra, Nga và Ukraine đều cho tăng cường lực lượng quân sự tới khu vực biên giới.

3 tàu hải quân Ukraine bị Nga bắt giữ sau vụ va chạm trên eo biển Kerch.

Thậm chí, Tướng Viktor Muzhenko, Tổng Tham mưu trưởng quân đội Ukraine khẳng định, hình ảnh vệ tinh tố cáo 250 chiếc xe tăng của quân đội Nga hiện hoạt động chỉ còn cách biên giới Ukraine 18 km. 

Vào sáng ngày 19/12, Thư ký Hội đồng An ninh và Quốc phòng quốc gia của Ukraine Alexander Turchinov chia sẻ trong một bài phỏng vấn với BBC rằng, Ukraine không có ý định cho dừng hoạt động của dàn tàu chiến ở eo biển Kerch cũng như không loại trừ khả năng phá hủy cây cầu Crimea. 

Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đã yêu cầu Nga thả thủy thủ Ukraine. Thậm chí, Tổng thống Mỹ Donald Trump còn cho hủy các cuộc đối thoại với Tổng thống Nga Vladimir Putin bên lề hội nghị G20 ở Argentina để phản đối Moscow bắt giữ 3 tàu hải quân Ukraine.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova khẳng định, bất cứ hành động khiêu khích nào từ phía Ukraine sẽ phải lĩnh “hậu quả khủng khiếp” sau khi Ukraine thông báo có ý định điều tàu chiến trở lại eo biển Kerch.

Biển Đông

Vào ngày 30/9, tàu khu trục lớp Luyang của Trung Quốc đã xua đuổi và áp sát nguy hiểm tàu khu trục USS Decatur. Theo đó, tàu chiến Mỹ xuất hiện gần một số đảo nhân tạo mà Trung Quốc bồi đắp trái phép trong khu vực quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam) và tiến hành tuần tra trong vòng 10 tiếng đồng hồ.

Pha áp sát nguy hiểm của tàu chiến Trung Quốc với tàu hải quân Mỹ trên Biển Đông.

Hải quân Mỹ khẳng định, tàu khu trục Trung Quốc có hành động gây mất an toàn khi hoạt động chỉ cách tàu khu trục của Mỹ có 41 m. Hành động của tàu Luyang buộc tàu USS Decatur phải thay đổi hành trình di chuyển để tránh va chạm.

Theo CNN, giới chuyên gia nhận định tình hình ở Biển Đông mà cụ thể là quan hệ giữa Mỹ - Trung trên vùng biển chiến lược này sẽ không được cải thiện trong năm 2019 mà thậm chí còn ngày một xấu hơn.

Giới chuyên gia nhận định, việc tàu chiến Trung Quốc ngáng đường hoạt động của hải quân Mỹ ở Biển Đông không phải là hành động bộc phát mà đã được lên kế hoạch và tính toán kỹ càng.

“Đây là hành động mang tính khiêu khích và nguy hiểm nhất mà Trung Quốc thực hiện kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump nhậm chức. Toàn bộ các chuyến tuần tra đảm bảo tự do hàng hải của Mỹ trên Biển Đông đều bị tàu chiến và máy bay Trung Quốc phát cảnh báo yêu cầu rời khỏi khu vực, nhưng chưa có tàu chiến nào tiến lại gần tàu và gây nguy hiểm cho tàu chiến Mỹ như tàu khu trục lớp Luyang hôm 30/9", Giáo sư danh dự tại Đại học New South Wales ở Australia, ông Carl Thayer chia sẻ.

Chiến sự ở Syria

Với sự hỗ trợ đắc lực từ không quân Nga, quân đội Syria đã giành lại quyền kiểm soát nhiều vùng lãnh thổ rộng lớn ở Syria từng nằm trong tay các nhóm nổi dậy và khủng bố.

Mỹ tuyên bố rút 2.000 quân nhân khỏi Syria.

Sau vụ tai nạn của máy bay quân sự IL-20 khiến 15 quân nhân Nga thiệt mạng, Nga quyết định chuyển giao hệ thống phòng không S-300 cho quân đội Syria sau thời gian dài trì hoãn theo yêu cầu từ phía Israel. Moscow cáo buộc trong vụ tai nạn của IL-20, chiến đấu cơ F-16 đã cố tình máy bay quân sự Nga làm lá chắn khiến hệ thống phòng không S-200 của Syria bắn nhầm.

Hôm 19/12, trong một động thái bất ngờ, Tổng thống Donald Trump thông báo Mỹ sẽ rút 2.000 quân nhân khỏi Syria về nước.

Sau tuyên bố của ông Trump, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis thông báo từ chức. Đây được xem là động thái nhằm phản đối quyết định rút quân đội Mỹ khỏi Syria của ông Trump.

Trong khi đó, "chảo lửa" Syria có thể bùng phát trở lại do quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đang tăng cường điều động khí tài và binh sĩ áp sát biên giới Syria chuẩn bị cho đợt tổng tấn công lực lượng người Kurd ở phía đông bắc Syria.

Mỹ rút khỏi Hiệp ước INF

Hồi tháng 10, Tổng thống Donald Trump ra tuyên bố về việc Mỹ có ý định rút khỏi Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) trước cáo buộc Nga vi phạm các điều khoản trong thỏa thuận. Về phần mình, chính quyền Nga nhiều lần nhấn mạnh Moscow luôn tuân thủ hiệp ước.

Tổng thống Nga Vladimir Putin vàTổng thống Mỹ Donald Trump.

Hiệp ước INF được ký kết năm 1987. Theo nội dung thỏa thuận, Nga và Mỹ cho tiêu hủy toàn bộ các tên lửa đạn đạo phóng từ mặt đất và tên lửa hành trình có tầm bắn từ 500 – 5.500 km.

Tổng thống Vladimir Putin khẳng định, Nga sẽ tăng cường các biện pháp đảm bảo an ninh trong trường hợp Mỹ rút khỏi Hiệp ước INF. Cũng theo ông Putin, việc Mỹ rút khỏi INF sẽ có thể dẫn tới một cuộc đua vũ trang và không thể được xem là “khát vọng yêu hòa bình”.

Hồi đầu tháng 12, Ngoại trưởng Mike Pompeo cho hay Mỹ sẽ dừng việc tuân thủ INF trong vòng 60 ngày nếu như Nga không thi hành đầy đủ các quy định nằm trong thỏa thuận được Nga – Mỹ ký kết vào năm 1987.

Vụ đầu độc điệp viên hai mang Skripal

Ông Sergei Skripal vốn là cựu Thượng tá trong cơ quan tình báo quân sự GRU của Nga và con gái Yulia (33 tuổi) được tìm thấy trong tình trạng bất tỉnh nằm trên băng ghế bên ngoài một trung tâm thương mại ở thành phố Salisbury của Anh hồi tháng Ba.

Cha con cựu điệp viênSergei Skripal được cho bị hạ độc bằngchất độc thần kinh Novichok.

Cảnh sát Anh đã phát hiện dấu vết chất độc thần kinh Novichok phía trước cửa nhà nạn nhân. Rất may, sau một thời gian dài điều trị, cha con ông Skripal đã được ra viện. Cho tới nay, chỗ ở của cha con ông Skripal vẫn là ẩn số với giới truyền thông.

Vụ cha con ông Skripal bị hạ độc đã khiến hàng loạt quốc gia châu Âu và Mỹ trục xuất hơn 100 nhà ngoại giao Nga. Hành động trục xuất các nhà ngoại giao Nga khỏi Mỹ được xem là động thái mạnh tay nhất của Tổng thống Donald Trump đối với Moscow kể từ khi ông lên nắm quyền.

Chính phủ Anh cho rằng, hai sát thủ người Nga đã ra tay hạ độc cha con ông Skripal. Song Moscow nhiều lần phủ nhận và đề nghị chính phủ Anh cho phép cùng điều tra sự việc. Điều đáng nói, Anh cũng chưa đưa ra bất cứ bằng chứng nào chứng minh hai công dân Nga bị cáo buộc ra tay với cha con ông Skripal từng tới nhà của nạn nhân.

Thảm họa ở Indonesia

Năm 2018 được xem là năm đại họa với Indonesia khi quốc gia này phải chứng kiến liên tiếp thảm họa thiên nhiên như động đất và sóng thần cùng máy bay rơi.

Indonesia phải hứng chịu nhiều thảm họa trong năm 2018.

Sau trận động đất mạnh 7,5 độ richter kéo theo cơn sóng thần càn quét đảo Sulawesi vào ngày 28/9, số người thiệt mạng là hơn 2.000 người và hơn 5.000 người mất tích. Hơn 82.000 quân nhân cùng nhân viên dân sự và người tình nguyện tham gia nhiệm vụ phân phát cũng như chuyển hàng cứu trợ tới những khu vực bị chia cắt sau thiên tai.

Vào sáng ngày 29/10, chuyến bay JT610 của hãng hàng không giá rẻ Lion Air đi từ thủ đô Jakarta đến thành phố Pangkal Pinang trên đảo Bangka đã không may đâm xuống biển chỉ sau 13 phút cất cánh, khiến 188 người thiệt mạng.

Mới đây, các nhà chức trách Indonesia cảnh báo rằng nhiều đợt sóng thần nữa có thể sẽ xuất hiện và ập vào bờ biển trong vài ngày tới, trong lúc núi lửa dẫn đến trận sóng thần ập vào eo biển Sunda xảy ra ngày 22/12 vẫn tiếp tục phun trào.

Sóng thần tràn vào một số khu vực của eo biển Sunda, gồm các bãi biển ở phía tây đảo Java và nam đảo Sumatra vào tối 22/12, đến nay khiến ít nhất 429 người thiệt mạng, 1.485 người bị thương và hàng nghìn người mất nhà cửa. 

Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung

Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đã đạt được một thỏa thuận tạm ngừng chiến tranh thương mại vào ngày 1/12 trong một bữa tiệc tối sau hội nghị thượng đỉnh G20 ở Buenos Aires, Argentina.

Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đang dần được tháo gỡ.

Truyền thông Trung Quốc đều tuyên bố rằng, ông Trump và ông Tập đã nhất trí không đánh thuế thêm vào hàng hóa của nhau “sau ngày 1/1”, thời điểm Washington dự định sẽ nâng mức thuế vào 200 tỉ USD hàng nhập khẩu từ Trung Quốc từ 10 lên thành 25%.

Sau khi Mỹ áp thuế 10% đối với 200 tỉ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc vào cuối tháng 9 vừa qua, Trung Quốc đã đáp trả bằng cách tương tự đối với 60 tỉ USD hàng hóa nhập từ Mỹ.

Trước đó, Mỹ đã đánh thuế 25% đối với 50 tỉ USD hàng hóa của Trung Quốc vào tháng 7 và tháng 8 năm nay, và Trung Quốc cũng phản kháng bằng cách áp mức thuế trên đối với 50 tỉ USD hàng của Mỹ.

Biểu tình ở Pháp

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đang đối mặt với cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất trong thời gian lãnh đạo khi những cuộc biểu tình bạo lực vẫn lan rộng khắp nước Pháp.

Biểu tình "Áo vàng" ở Pháp biến thành bạo động.

Những người biểu tình "Áo vàng" yêu cầu chính phủ giảm sức ép về tài chính lên phần lớn dân số đang phải vật lộn để kiếm sống. Một khoảnh khắc đáng nhớ là khi bức tượng Marianne ở Khải Hoàn Môn, một biểu tượng của nền cộng hòa Pháp, bị đập vỡ trong lúc hỗn loạn.

Thủ tướng Edouard Philippe đã tìm cách xoa dịu đám đông giận dữ ngày 4/12 với thông báo sẽ tạm ngưng thuế nhiên liệu trong 6 tháng, trái ngược hoàn toàn với quyết định tăng thuế xăng dầu đưa ra tháng 11/2018 của chính phủ Pháp.

Tuy nhiên, động thái nhượng bộ này của chính phủ Pháp dường như vẫn chưa đủ để giải quyết tình hình phức tạp hiện nay bởi các thành viên trong phong trào "Áo vàng" thực chất đã có nhiều vấn đề sâu xa trong nhiều năm qua và quyết định tăng giá nhiên liệu hồi tháng 11/2018 của chính phủ Pháp chỉ là “giọt nước” cuối cùng làm “tràn ly” giận dữ.

Minh Thu (tổng hợp)
Từ khóa: Top 10 sự kiện quốc tế không thể quên trong năm 2018 giải cứu đội bóng thái lan trump gặp kim jong-un chiến sự ở syria Mỹ rút quân khỏi Syria chiến tranh thương mại mỹ trung quốc thảm họa ở indonesia điệp viên Skripal bị đầu độc chất độc thần kinh Novichok Mỹ rút khỏi Hiệp ước INF biển đông căng thẳng Nga – Ukraine biểu tình áo vàng ở pháp

Video xe chiến đấu bộ binh Bradley của Ukraine tập kích cứ điểm Nga

Quân đội Ukraine đã sử dụng xe chiến đấu bộ binh (IDF) Bradley để tập kích các cứ điểm phòng thủ của Nga xung quanh thành phố Avdiivka.

Cách Iran trả đũa Israel sẽ quyết định chiều hướng xung đột ở Trung Đông?

Việc Iran tấn công trả đũa Israel sau vụ không kích đại sứ quán Iran tại Damascus, Syria đang làm dấy lên lo ngại về xung đột lan rộng ở Trung Đông.

Nga phản ứng 'gắt' trước tuyên bố của Mỹ về thủ phạm khủng bố ở Moscow

Bộ Ngoại giao Nga cho rằng bất kỳ tuyên bố nào từ Mỹ nhằm biện hộ cho Ukraine trước khi cuộc điều tra về vụ khủng bố Moscow chưa kết thúc đều được coi là "bằng chứng".

Khoảnh khắc trục hạm Pháp bắn rơi tên lửa đạn đạo của Houthi

Hải quân Pháp ngày 21/3 đã đánh chặn 3 tên lửa đạn đạo của Houthi trên Biển Đỏ, đánh dấu cuộc đụng độ mới nhất giữa phương Tây và lực lượng vũ trang đến từ Yemen.

Video lính dù Nga bắn hạ UAV 'Ma cà rồng' của Ukraine gần Bakhmut

Bộ Quốc phòng Nga vừa công bố video quay cảnh lính dù nước này bắn cháy một máy bay không người lái (UAV) hạng nặng "Baba Yaga" (Ma cà rồng) của Kiev ở gần Bakhmut, miền đông Ukraine.

Ông Putin công du nước nào đầu tiên sau khi tái đắc cử?

Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết, ông sẽ xem xét việc đến Trung Quốc để thực hiện chuyến công du nước ngoài đầu tiên sau khi tái đắc cử.

Ông Putin tái đắc cử tổng thống, nước Nga sẽ thế nào trong 6 năm tới?

Chiến thắng của ông Putin sẽ đảm bảo sự trỗi dậy kinh tế và phát triển kỹ thuật - quân sự của Nga, giữa lúc sự thay đổi địa chính trị toàn cầu đang diễn ra.

Tỉ lệ dân Nga đi bầu tổng thống cao kỷ lục, ông Putin thắng cử vang dội

Ủy ban bầu cử trung ương Nga (CEC) cho biết, tỉ lệ cử tri nước này tham gia cuộc bầu cử năm nay cao kỷ lục và Tổng thống đương nhiệm Vladimir Putin dự kiến sẽ thắng vang dội với gần 90% phiếu ủng hộ.

Video quân đội Nga bắn nổ 2 trực thăng của Ukraine ở Donetsk

Quân đội Nga đã sử dụng bom dẫn đường để bắn nổ 2 trực thăng quân sự của Ukraine tại một sân bay dã chiến ở vùng Donetsk.

Tổng thống Putin nói Nga sẵn sàng cho cuộc chiến hạt nhân

Tổng thống Vladimir Putin cảnh báo phương Tây về việc Nga đã sẵn sàng về mặt kỹ thuật cho cuộc chiến hạt nhân.

Đang cập nhật dữ liệu !