Những sự kiện quốc tế nổi bật nhất tuần qua

Quan hệ Nga – Ukraine tiếp tục căng thẳng; Mỹ và Trung Quốc đạt “thỏa thuận đình chiến thương mại”; Pháp hoãn tăng thuế nhiên liệu trước làn sóng biểu tình; Nga - Mỹ tiếp tục căng thẳng vì INF… là những sự kiện quốc tế nổi bật tuần qua.

Tổng thống Nga Putin, Tổng thống Ukraine Poroshenko.

Quan hệ Nga – Ukraine tiếp tục căng thẳng

Ngày 3/12, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko đã trình lên Quốc hội một dự luật khẩn về việc chấm dứt Hiệp ước Hữu nghị, Hợp tác và Đối tác giữa Kiev và Moscow.

Trước đó, Tổng thống Poroshenko đã ký sắc lệnh ban hành quyết định của Hội đồng An ninh và Quốc phòng Ukraine về việc chấm dứt Hiệp ước Hữu nghị với Nga. Sau đó, nội các Ukraine ra chỉ thị Bộ Ngoại giao thông báo cho Nga và các tổ chức quốc tế về mong muốn của Kiev chấm dứt Hiệp ước trước ngày 27/9 vừa qua.

Với 277 phiếu thuận (trong khi tối thiểu chỉ cần 226), Quốc hội Ukraine ngày 6/12 đã ủng hộ dự luật này. Theo dự luật, Hiệp ước Hữu nghị, Hợp tác và Đối tác giữa Ukraine và Nga sẽ chấm dứt từ ngày 1/4/2019.

Trước đó, ngày 4/12, Ukraine đã kêu gọi Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đưa ra "câu trả lời toàn diện" đối với hành động gây hấn của Nga tại Biển Đen, khi mà NATO đang có bước đi thận trọng do lo ngại leo thang căng thẳng hơn nữa.

Ngoại trưởng Ukraine Pavlo Klimkin đã bóng gió rằng có ít nhất một thành viên NATO luôn sẵn sàng tăng cường hiện diện tại Biển Đen nhằm đáp lại lời kêu gọi của Kiev sau khi Nga bắt giữ các tàu và thủy thủ Ukraine tại Eo biển Kerch, song không đưa ra chi tiết rõ ràng.

Trong khi đó, các ngoại trưởng NATO nhóm họp tại Brussels đã thảo luận về sự đối đầu tại Biển Azov giữa Nga và Ukraine song không nhất trí bất kỳ biện pháp mới nào để trợ giúp cho Ukraine. Ngoại trưởng Klimkin cho biết ông sẽ thảo luận với các quan chức EU vào tuần tới để xem xét liệu hành động đáp trả quốc tế có thể bao gồm việc cấm Nga hoạt động vận chuyển thương mại tại các cảng quốc tế.

Tổng thống Mỹ Trump và Tổng thống Nga Putin.

Nga - Mỹ tiếp tục căng thẳng vì INF

Ngày 4/12, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã ra một “tối hậu thư” với Nga rằng Washington sẽ rút khỏi Hiệp ước lực lượng hạt nhân tầm trung (INF), một hiệp ước thời Chiến tranh Lạnh nhằm hạn chế vũ khí hạt nhân tầm trung, nếu Moscow không tuân thủ thỏa thuận này trở lại trong vòng 60 ngày. Theo Ngoại trưởng Mỹ Pompeo, Nga đã phát triển "nhiều tiểu đoàn tên lửa SSC-8", hay còn được biết đến là tên lửa hành trình tầm trung với tên gọi Novator 9M729. Ông khẳng định, "tầm bắn của tên lửa khiến chúng trở thành một mối đe dọa trực tiếp với châu Âu".

Đáp lại, ngày 5/12, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova đã bác bỏ tối hậu thư của Mỹ và tuyên bố rằng Moscow vẫn đang tuân thủ nghiêm ngặt các điều khoản trong hiệp ước INF. Còn Tổng thống Nga Putin thì tuyên bố rằng Nga sẽ phát triển các thiết bị tên lửa và xây dựng hệ thống vũ khí riêng nếu kịch bản Mỹ rút khỏi Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) trở thành sự thật.

Việc Mỹ ra tối hậu thư cho Nga về INF được xem là động thái khiến quan hệ giữa Nga và Mỹ tiếp tục leo thang căng thẳng. Các nhà phân tích cho rằng, nếu việc Mỹ rút khỏi thỏa thuận INF xảy ra thì sẽ có thể gây nguy hiểm cho toàn bộ hệ thống ổn định chiến lược toàn cầu, đồng thời có thể đẩy các bên quay trở lại một cuộc chạy đua vũ trang và thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Trong bối cảnh toàn thế giới đang nỗ lực hướng tới một môi trường ổn định, an ninh và an toàn trên cơ sở hợp tác và đối thoại, việc Mỹ tiếp tục rút khỏi một văn kiện kiểm soát vũ khí quan trọng như INF được xem là bước thụt lùi đối với hệ thống ổn định chiến lược toàn cầu.

Tổng thống Pháp Macron.

Pháp hoãn tăng thuế nhiên liệu trước làn sóng biểu tình của người dân

Trước sức ép từ làn sóng biểu tình bạo lực của phong trào “Áo vàng” trên toàn quốc, ngày 4/12, chính phủ của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã quyết định hủy kế hoạch tăng thuế nhiên liệu trong vòng 6 tháng với mong muốn có thể dập tắt làn sóng biểu tình đang dâng cao tại Pháp. Một số nhượng bộ khác của Chính phủ Pháp còn bao gồm hoãn tăng giá khí gas và điện, dự kiến có hiệu lực từ tháng 1/2019 và kéo dài trong vòng 3 tháng của mùa đông.

Những nhượng bộ của Chính phủ Pháp được đưa ra trong bối cảnh các cuộc biểu tình đã diễn ra tại nước này trong suốt 3 tuần qua, do lực lượng “Áo vàng” phát động, với mục đích phản đối việc Chính phủ tăng giá xăng dầu. Không những vậy, người dân còn phản đối nhiều chính sách kinh tế-xã hội khiến chất lượng cuộc sống suy giảm, gây khó khăn cho đời sống người dân Pháp trong nhiều năm qua.

Các nhà phân tích cho rằng, nguyên nhân sâu xa của làn sóng biểu tình không chỉ là do chính sách tăng thuế của Chính phủ mà yếu tố tiềm ẩn nguy cơ gây bất ổn xã hội Pháp hiện nay chính là vì khoảng cách giàu-nghèo đang ngày càng xa. Theo thống kê sơ bộ, hiện nay những người giàu nhất ở Pháp tuy chỉ chiếm 1% dân số song lại nắm trong tay tới 20% của cải của nền kinh tế. Trong khi hiện nay mức thu nhập trung bình tại Pháp là 1.700 euro (tương đương 1.900 USD) thì có đến một nửa số người lao động hiện có mức lương thấp hơn con số này.

Tổng thống Mỹ Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Mỹ và Trung Quốc đạt “thỏa thuận đình chiến thương mại”

Bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 diễn ra tại Argentina ngày 1/12/2018, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có cuộc gặp nhằm giải quyết những bất đồng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới này. Tại đây, hai nhà lãnh đạo đã đạt được “thỏa thuận đình chiến thương mại” khi hai nước nhất trí không áp đặt các biện pháp thuế quan mới sau ngày 1/1/2019, vốn là thời điểm mà Mỹ dự định tăng thuế từ mức 10% hiện nay lên 25% đối với gói hàng hóa nhập khẩu trị giá 200 tỷ USD. Ngược lại, Trung Quốc cũng đồng ý mua một lượng lớn hàng nông sản, năng lượng và các sản phẩm khác của Mỹ nhằm giảm thâm hụt thương mại song phương, đồng thời giảm và dỡ bỏ thuế đánh vào mặt hàng ô tô nhập từ Mỹ xuống dưới mức 40% hiện nay…

Việc Mỹ và Trung Quốc đạt thỏa thuận ngừng tăng thuế, tiếp tục đàm phán nhằm giải quyết căng thẳng thương mại được coi là bước hòa hoãn cần thiết, tạo không gian cho các cuộc đàm phán và thương lượng sắp tới.

Tuy nhiên, theo nhận định của các chuyên gia, khả năng Mỹ và Trung Quốc có thể tìm ra những giải pháp cần thiết trong vòng 90 ngày, mà thực chất là có thể chấp nhận những điều kiện được đưa ra mặc cả trên bàn đàm phán và nhượng bộ những yêu sách của nhau hay không, vẫn là câu hỏi bỏ ngỏ.

Qatar quyết định rời OPEC kể từ tháng 1/2019.

Qatar quyết định rời OPEC kể từ tháng 1/2019

Ngày 3/12, Tân Bộ trưởng Năng lượng Qatar Saad al-Kaabi đã tuyên bố, quốc gia vùng Vịnh này sẽ rút khỏi Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) vào tháng tới. Đồng thời khẳng định, quốc gia vùng Vịnh này vẫn tiếp tục sản xuất dầu mỏ, nhưng sẽ tập trung chủ yếu vào sản xuất khí đốt, lĩnh vực mà nước này đang là nhà xuất khẩu lớn nhất thế giới.

Việc Qatar bất ngờ quyết định rút khỏi OPEC sau 57 năm tham gia cũng đã đặt ra nhiều nghi vấn về sự rạn nứt trong OPEC lâu nay. Mặc dù khẳng định rằng quyết định rút khỏi OPEC không xuất phát từ động cơ chính trị hay bất kỳ bất đồng nào với các nước thành viên OPEC khác, song thực tế, việc Qatar rút khỏi OPEC vẫn cho thấy sự chia rẽ trong khu vực ngày càng gia tăng kể từ khi Saudi Arabia cùng 3 nước vùng Vịnh khác là Bahrain, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và Ai Cập cắt đứt quan hệ ngoại giao và đóng cửa các tuyến vận tải với Qatar từ tháng 6/2017 do cáo buộc chính quyền Doha hỗ trợ khủng bố. Kể từ đó, các biện pháp trả đũa về kinh tế đã được các bên áp dụng, gây ra cuộc khủng hoảng vùng Vịnh kéo dài. Nền kinh tế Qatar cũng không tránh khỏi những ảnh hưởng do các lệnh trừng phạt.

Hội nghị COP 24 của Liên hợp quốc hy vọng có bước đột phá

Ngày 3/12, hội nghị lần thứ 24 của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP 24) đã chính thức khai mạc tại thành phố Katowice (Ba Lan). COP 24 lần này được xem là cơ hội để các quốc gia, vốn đang đối mặt với nhiều nguy cơ từ biến đổi khí hậu nhất đưa ra minh chứng của sự tác động từ biến đổi khí hậu, qua đó hối thúc các cường quốc công nghiệp phải có những cam kết và hành động mạnh mẽ hơn nữa nhằm chống lại biến đổi khí hậu.

Theo kế hoạch tại hội nghị COP 24 lần này, gần 200 quốc gia đã tham gia ký kết Hiệp định Paris 2015 về chống biến đổi khí hậu sẽ có thời gian là hai tuần làm việc tại Katowice để hoàn tất một bộ quy chuẩn nhằm kìm hãm sự tăng nhiệt của Trái đất ở dưới mức 2 độ C so thời kỳ tiền công nghiệp, và tiếp tục nỗ lực để hạn chế sự gia tăng nhiệt đến 1,5 độ C.

Trí Đức (Tổng hợp)

Chiến thuật 'màn khói' giúp Nga vượt mặt UAV trinh sát của Ukraine

Quân đội Nga đã sử dụng chiến thuật "màn khói" để bảo vệ binh sĩ và khí tài của nước này trước các cuộc tập kích bằng máy bay không người lái (UAV) của Ukraine.

Video xe chiến đấu bộ binh Bradley của Ukraine tập kích cứ điểm Nga

Quân đội Ukraine đã sử dụng xe chiến đấu bộ binh (IDF) Bradley để tập kích các cứ điểm phòng thủ của Nga xung quanh thành phố Avdiivka.

Cách Iran trả đũa Israel sẽ quyết định chiều hướng xung đột ở Trung Đông?

Việc Iran tấn công trả đũa Israel sau vụ không kích đại sứ quán Iran tại Damascus, Syria đang làm dấy lên lo ngại về xung đột lan rộng ở Trung Đông.

Nga phản ứng 'gắt' trước tuyên bố của Mỹ về thủ phạm khủng bố ở Moscow

Bộ Ngoại giao Nga cho rằng bất kỳ tuyên bố nào từ Mỹ nhằm biện hộ cho Ukraine trước khi cuộc điều tra về vụ khủng bố Moscow chưa kết thúc đều được coi là "bằng chứng".

Khoảnh khắc trục hạm Pháp bắn rơi tên lửa đạn đạo của Houthi

Hải quân Pháp ngày 21/3 đã đánh chặn 3 tên lửa đạn đạo của Houthi trên Biển Đỏ, đánh dấu cuộc đụng độ mới nhất giữa phương Tây và lực lượng vũ trang đến từ Yemen.

Video lính dù Nga bắn hạ UAV 'Ma cà rồng' của Ukraine gần Bakhmut

Bộ Quốc phòng Nga vừa công bố video quay cảnh lính dù nước này bắn cháy một máy bay không người lái (UAV) hạng nặng "Baba Yaga" (Ma cà rồng) của Kiev ở gần Bakhmut, miền đông Ukraine.

Ông Putin công du nước nào đầu tiên sau khi tái đắc cử?

Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết, ông sẽ xem xét việc đến Trung Quốc để thực hiện chuyến công du nước ngoài đầu tiên sau khi tái đắc cử.

Ông Putin tái đắc cử tổng thống, nước Nga sẽ thế nào trong 6 năm tới?

Chiến thắng của ông Putin sẽ đảm bảo sự trỗi dậy kinh tế và phát triển kỹ thuật - quân sự của Nga, giữa lúc sự thay đổi địa chính trị toàn cầu đang diễn ra.

Tỉ lệ dân Nga đi bầu tổng thống cao kỷ lục, ông Putin thắng cử vang dội

Ủy ban bầu cử trung ương Nga (CEC) cho biết, tỉ lệ cử tri nước này tham gia cuộc bầu cử năm nay cao kỷ lục và Tổng thống đương nhiệm Vladimir Putin dự kiến sẽ thắng vang dội với gần 90% phiếu ủng hộ.

Video quân đội Nga bắn nổ 2 trực thăng của Ukraine ở Donetsk

Quân đội Nga đã sử dụng bom dẫn đường để bắn nổ 2 trực thăng quân sự của Ukraine tại một sân bay dã chiến ở vùng Donetsk.

Đang cập nhật dữ liệu !