Thầy giáo già bại liệt 20 năm dạy tiếng Anh cho trẻ bằng môn văn, toán
Suốt 20 năm qua, thầy Quang đã dạy tiếng Anh cho những học trò nghèo trên chiếc giường của mình |
LTS: Hãy chia sẻ với Infonet.vn những điều đẹp đẽ, những tấm gương bình thường mà cao quý bạn vô tình hay thường xuyên bắt gặp đâu đó thường ngày, để cùng chúng tôi tiếp tục "bền bỉ đánh thức chuyện tử tế" trong mỗi giây cuộc sống.
Câu chuyện được chọn đăng sẽ được hưởng nhuận bút theo quy định của TS.
Bài viết xin gửi về:toasoan@infonet.vn
Về ấp Bình Hạ Đông, xã Thái Mỹ, huyện Củ Chi, TP.HCM, chúng tôi dễ dàng tìm được nhà thầy Nguyễn Minh Quang, bởi ai ai nơi đây cũng đã quá quen với hình ảnh một ông giáo già dạy môn tiếng Anh ở trên giường.
Khi chúng tôi tới, thầy đang dạy ca đầu tiên trong ngày. Thấy người lạ vào lớp, tất cả học sinh đều đồng thanh chào. Trước mắt chúng tôi là một người thầy giáo già bạc trắng mái đầu, đôi mắt mờ đục nhưng vẫn chăm chú vào từng con chữ trên chiếc giường cũ kĩ để giảng bài cho học sinh. Đó cũng là hình ảnh đã ăn sâu vào tâm trí của nhiều thế hệ học sinh nơi đây suốt hơn hai chục năm qua.
Thầy kể, thời trẻ thầy từng rất khỏe mạnh và tham gia chiến đấu trong những giai đoạn ác liệt của chiến tranh. Rồi tai hoại ập đến bất ngờ, năm 1971 khi thầy Quang đang công tác tại phi trường Đà Nẵng thì bị trọng thương nên đơn vị cho về giải ngũ. Trong thời gian này, thầy Quang quyết định quay trở lại Sài Gòn công tác và được bổ nhiệm dạy môn tiếng Anh tại trường THCS Nguyễn Văn Sơn tại huyện Củ Chi.
Những tưởng cuộc sống sẽ êm đềm trôi qua như thế, nhưng đến năm 1990, vết thương thời chiến trở chứng khiến thầy Quang bị tai biến và nằm liệt nửa giường suốt 18 tháng rồi dần dần dẫn đến liệt toàn thân. “Từ đó, thế giới bên ngoài đối với tôi chỉ còn là khoảng sáng, khoảng tối qua ô cửa sổ bên chiếc giường nhỏ. Mọi sinh hoạt hàng ngày trở nên khó khăn và vướng víu gấp trăm lần, khiến tôi như rơi xuống vực thẳm. Đã có hơn 2 năm tôi sống không mục đích, không quan tâm tới ngày tháng và tuổi xuân của mình…”, thầy Quang rùng mình nhớ lại những quãng ngày đen tối của cuộc đời mình.
Thế nhưng, khi nhìn thấy lũ học trò nghèo trong vùng phải “đánh vật” với môn Anh văn, những cảm xúc làm thầy lại ùa về và khát khao cống hiến tri thức lại bùng lên trong thầy. Năm 1992, thầy Quang quyết định mở lớp học Anh văn miễn phí cho những học trò nghèo với quyết tâm sống những ngày tháng không hề vô nghĩa. Lớp học cũng chính là căn nhà nhỏ với một chiếc bàn lớn được kê giữa nhà, ngay sát chiếc giường nơi thầy Quang nằm nghỉ. Và cũng từ đây, tiếng “thầy Quang” lại một lần nữa được lũ học trò gọi một cách trìu mến và kính trọng.
Lũ học trò nghèo nói tiếng Anh như gió
Để thanh thản nói 'tôi là người tử tế!'
Song, công việc của một người thầy bị liệt ban đầu gặp rất nhiều khó khăn, trở ngại. Bởi, mọi sinh hoạt thường ngày thôi đã khó huống chi nói đến chuyện dạy học. “Nằm một chỗ trên giường nên việc giảng dạy gặp vô vàn khó khăn. Có những lúc tôi phải nhờ các em khênh ra chỗ bàn học để có thể chỉ tường tận cho lũ trẻ các bài giảng của mình”, thầy Quang tâm sự.
Cách dạy của thầy cũng không giống với bất kì một lớp học nào, thầy cho học trò học những môn khác như toán, văn, hóa… bằng tiếng Anh. Thầy cho rằng đó là cách tốt nhất khiến các em học giỏi Anh văn. Em Nguyễn Bích Ngọc học sinh trường THCS Nguyễn Văn Sơn chia sẻ: “Thầy thường cho chúng em học Toán bằng tiếng Anh. Nhờ vậy mà em vừa giỏi môn Toán, vừa khá môn tiếng Anh”.
Tiếng lành đồn xa nên từ 2 học sinh ban đầu đã có lũ lượt những học sinh khác kéo đến đây để mong được thầy Quang dạy. Chị Mai Thị Thẩm Mỹ, ngụ xã Trung Hòa, phụ huynh một học sinh ở đây cho biết, nghe đồn thầy dạy rất giỏi nên dù ở xa chị Mỹ cũng ráng đưa con lên đây học. Con chị Mỹ đã học được 4 tháng rồi và thấy hiệu quả. Thầy dạy rất cẩn thận, dạy xong ngữ pháp mới qua đàm thoại chứ không dạy lộn xộn như ở trường. Chẳng thế mà mấy đứa nhỏ nói và viết tiếng Anh rất chuẩn xác.
Thỉnh thoảng thầy Quang vẫn phải kê ghế ra ngồi với lũ học trò để tiện giảng bài |
Chẳng mấy chốc mà đến nay, lớp học đã có hơn 100 học sinh, phải chia thành 5 ca dạy. Mỗi ngày, thầy Quang bắt đầu công việc của mình lúc 7h sáng và kết thúc lúc 9h tối. Thấy vậy, nhiều người ái ngại cho sức khỏe và tuổi cao sức yếu của thầy thì thầy Quang chỉ cười hiền từ nói: “Mình còn khỏe, vẫn dạy các em được, đến khi nào nhắm mắt xuôi tay thì thôi. Bởi tiếng Anh sẽ giúp các em có một tương lai tươi sáng hơn và xã nghèo này có thể thay đổi trong nay mai”.
Nhiều thế hệ học trò cũ của thầy nay đã trưởng thành từ chính lớp học này. Đặc biệt có người học trò Lê Hữu Thịnh có gia cảnh khó khăn nhưng thông minh, chăm chỉ. Buổi sáng, anh thường làm các công việc giúp đỡ gia đình, hễ tối đến, Thịnh lại tranh thủ sang đèn sách tại lớp học người thầy giáo già, bại liệt ấy. Bây giờ, Thịnh có thể nói tiếng Anh như gió và được mời sang Pháp làm việc sau khi tốt nghiệp đại học. Mỗi khi có dịp về Việt Nam, Thịnh vẫn không quên ghé thăm người thầy năm xưa.
Câu chuyện đang dang dở, thầy Quang xin ngừng cuộc nói chuyện trong chốc lát và gọi một cậu học trò lại nói: “Con phải giữ bình tĩnh trước mọi việc, nóng giận làm con mất đi sự khôn ngoan và đôi khi còn đánh mất tình bạn”. Thì ra là hai cậu học trò đang to tiếng, tranh giành nhau quyển truyện tranh. Thầy nhẹ nhàng giải thích với chúng tôi: “Nghề giáo không chỉ dạy các em còn chữ mà còn dạy đạo đức nữa. Có thế sau này các em mới trở thành người có ích cho xã hội được”.
Cứ như thế, việc dạy anh văn cho trẻ em nghèo đã trở thành niềm vui, mục đích sống của thầy Quang trong suốt 22 năm qua. 70 tuổi, mái tóc thầy Quang đã bạc trắng, nhưng thầy vẫn tiếp tục “gieo” tri thức cho những người học trò nghèo với hi vọng những “mầm xanh” ấy thành tài và làm vùng quê nghèo này thay đổi vào một ngày không xa.