Thật khó thuyết phục người tiêu dùng Việt Nam
Ở đâu và thời nào cũng vậy, đối với những hàng hóa và dịch vụ thông thường, thì người tiêu dùng quan trọng nhất, trước hết phải là người tiêu dùng địa phương, trong nước. Để cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" thực sự đi vào cuộc sống, cần chú ý giải quyết tốt một số vấn đề sau:
Tăng khả năng thanh toán và nhận thức về hàng Việt
Người Việt sẽ tăng dùng hàng Việt khi bản thân họ có nhu cầu, có khả năng thanh toán trên thực tế do tăng thu nhập từ lương và các nguồn thu nhập khác; khi họ có thông tin về nguồn hàng, chất lượng và giá cả hàng hoá, cũng như khi họ được tiếp cận hệ thống dịch vụ phân phối hàng thuận tiện và tốt nhất có thể trong so sánh với các hàng hoá ngoại nhập tương đương; khi người dân được tuyên truyền, giáo dục và tổ chức tốt để trở thành cộng đồng những người tiêu dùng thông minh, tự trọng; đặc biệt là biết rõ công năng, lợi ích và tác động xấu của hàng ngoại phẩm cấp thấp, dù giá rẻ.

Một số thương hiệu Việt đã tạo được uy tín với người tiêu dùng. Ảnh: CHÍ CƯỜNG
Vì vậy, chính quyền các cấp và các doanh nghiệp từ Trung ương đến địa phương cần tạo điều kiện cải thiện thu nhập thực tế của người dân; cũng như quan tâm thực hiện quảng cáo và quảng bá các thông tin hàng Việt với giá rẻ hoặc miễn phí trên tất cả các chương trình và phương tiện thông tin đại chúng ở địa phương, cũng như quốc gia, nhất là trên hệ thông truyền hình và đài phát thanh.
Nâng cao chất lượng và sự hấp dẫn của hàng Việt
Ngược lại, cũng không nên lạm dụng lòng yêu nước trong sáng và sức chịu đựng có hạn của người dân, khi nhân danh những giá trị tốt đẹp, cứ nhắm mắt làm ngơ trước thực tiễn người tiêu dùng Việt Nam buộc phải trả giá đắt đầy ấm ức cho những "hàng nội giả hiệu" được bảo hộ kéo dài. Chúng không chỉ móc "cháy túi" người dân, mà còn làm nghèo thêm ngân khố và tài sản Nhà nước, làm suy giảm nhanh chóng tiềm năng và sức mạnh quốc gia nói chung, làm tổn thương hình ảnh và giá trị thương hiệu hàng Việt Nam nói riêng...
Như vậy, hàng Việt Nam sẽ thuyết phục được người tiêu dùng Việt Nam khi những người lao động và quản lý doanh nghiệp Việt Nam "trên dưới một lòng" tận tâm hiệp lực sản xuất ra hàng hoá một cách trân trọng, giá cả cạnh tranh với hàng ngoại nhập và với chất lượng cao chứ không chạy theo lợi nhuận thuần tuý và lợi ích ngắn hạn... Hàng Việt Nam sẽ chinh phục người tiêu dùng Việt Nam và cả trên thị trường nước ngoài tốt hơn khi chúng ngày càng tiếp cận gần hơn các tiêu chuẩn quốc tế, đáp ứng ngày càng tốt hơn các yêu cầu nghiêm ngặt nhất về vệ sinh, an toàn thực phẩm và các yêu cầu bảo vệ môi trường, dịch vụ hậu mãi vì lợi ích người tiêu dùng và cộng đồng v.v...
Xây dựng, quảng bá và bảo vệ thương hiệu hàng Việt
Vấn đề thương hiệu nhiều khi được nhắc đến như một "mốt thời thượng" của người sính chữ, làm sang trong giao tiếp, phát biểu, kiểu như "hội nhập" và "phát triển bền vững". Từ thái cực dửng dưng coi thường hoặc đơn giản hoá, nhiều doanh nghiệp lại chuyển sang thái cực quá đề cao, khi cho rằng chỉ cần một thương hiệu là có thể kinh doanh và lao vào đầu tư cho việc xây dựng thương hiệu trong một thời gian nhất thời. Thực tế trong nước và thế giới ngày càng khẳng định, trong điều kiện cạnh tranh quyết liệt, thương hiệu là tài sản vô hình rất có giá của doanh nghiệp, tạo uy tín, danh dự, lợi thế cạnh tranh và quyết định thành công của doanh nghiệp trong kinh doanh.
Xây dựng thương hiệu phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của các Công ước, Thoả ước quốc tế và Luật quốc gia về nhãn hiệu hàng hoá, tên thương mại, tên gọi xuất xứ và chỉ dẫn địa lý. Khi lựa chọn tạo biểu trưng với tên gọi riêng, những dấu hiệu phân biệt cần đặc biệt lưu ý đến tính pháp lý, không trùng với tên, logo, dấu hiệu đã được người khác đăng ký bảo hộ hoặc vi phạm những trường hợp mà pháp luật quy định.
Chúng ta cần có một tư duy mới về cách làm thương hiệu. Thương hiệu Việt Nam được định hình qua một chiếc ô tô hay máy bay là không thực tế và đắt đỏ. Sản phẩm cần và có thể đa dạng hóa, đổi mới mẫu mã không ngừng theo nhu cầu, thị hiếu người tiêu dùng và thị trường, nhưng thương hiệu nên có sự ổn định và tĩnh lặng cần thiết để khắc sâu vào tâm trí và lòng người, như tên một người thân thiết trong gia đình, người quen vậy...
Kiểm soát cạnh tranh và gian lận thương mại
"Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" là một khẩu hiệu đúng, thông minh, mềm dẻo và cần thiết, nhất là trong bối cảnh có sự suy giảm tổng cầu và thắt chặt hầu bao... Khẩu hiệu này sẽ ngày càng trở thành thực tiễn kinh tế - xã hội sinh động, mang lại hiệu quả to lớn toàn diện cả cấp vĩ mô, lẫn vi mô, trong nước và ở nước ngoài, trước mắt, cũng như lâu dài, khi có sự hỗ trợ có tổ chức, thông minh và thực chất của Nhà nước.
Nhà nước cũng cần phát động và duy trì những cuộc vận động cấp quốc gia, trong khuôn khổ các cam kết hội nhập đã ký, nhằm tăng cường nhận thức, thói quen và thông tin về quy mô, chất lượng, giá cả và tính năng, cùng hệ thống phân phối bán buôn và bán lẻ rộng khắp, hiện đại và thuân lợi, cùng các điều kiện cung ứng và chăm sóc khách hàng khác từ phía các doanh nghiệp Việt Nam phù hợp với đặc điểm mỗi địa phương, khu vực dân cư và chủng loại hàng hóa...
Việc kiểm soát hải quan và thị trường nhằm giảm thiểu tình trạng cạnh tranh không bình đẳng và các gian lận thương mại khác từ các hàng ngoại nhập chất ượng thấp, giá rẻ và trốn thuế là cần thiết để hàng Việt đứng vững và mở rộng tiêu thụ trên thị trường trong nước.
Nếu những điều trên được thực hiện tốt, thì nhất định người tiêu dùng Việt Nam sẽ ngày càng coi hàng Việt Nam là sự lựa chọn đầu tiên và ổn định dài lâu của mình trong cuộc sống. Khi đó cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" nên được mở rộng và nâng lên thành "Người Việt Nam ưu tiên tiêu thụ hàng Việt Nam" ở cả trong nước và nước ngoài...