Thái Lan thắt chặt an ninh trước nguy cơ nội chiến
Hôm 11/5, ông Tarit Pengdit , Tổng Giám đốc Cục Điều tra đặc biệt tuyên bố: "Chúng tôi yêu cầu mọi người hãy rời khỏi các địa điểm biểu tình, cảnh báo con em và các thành viên trong gia đình tránh xa khỏi những nơi đó để đảm bảo an toàn”.
![]() |
Hàng ngàn người phe Áo đỏ, ủng hộ chính phủ, đang tổ chức biểu tình ở ngoại ô Bangkok |
Hiện, hàng ngàn người phe Áo đỏ, ủng hộ chính phủ, đang tổ chức biểu tình ở ngoại ô Bangkok để phản đối việc cựu Thủ tướng Yingluck Shinawatra bị phế truất và bảo vệ chính phủ hiện tại. Trong khi đó, bên trong thủ đô, những người biểu tình phản đối chính phủ đang kêu gọi loại bỏ chính phủ hiện tại và thành lập một “hội đồng nhân dân” không qua bầu cử.
Ông Tarit phản đối yêu cầu trên và cho rằng việc chỉ định một thủ tướng không qua bầu cử "không chỉ vi phạm pháp luật, mà còn châm ngòi cho tình trạng bạo lực, leo thang thành xung đột và cuối cùng biến thành một cuộc nội chiến".
Trong khi đó, Phát ngôn viên của Thượng viện Thái Lan, ông Surachai Liengboonlertchai, cho rằng Thượng viện phải thật thận trọng. Ông nói: "Có một số người sẽ không chấp nhận việc chỉ định một thủ tướng mới. Chúng ta phải thận trọng trong việc đề xuất bất kì điều gì không được chấp nhận bởi một trong các bên".
Lãnh đạo các cuộc biểu tình phản đối chính phủ, ông Suthep Thaugsuban, tuyên bố ra hạn chót cho Thượng viện và tòa án chỉ định thủ tướng mới là vào ngày 12 /5, nếu không ông ta sẽ tự mình giải quyết. Ông Suthep đang phải đối mặt với tội danh xúi giục nổi loạn và phản loạn liên quan đến các cuộc biểu tình gần đây và tội danh giết người khi tiến hành một cuộc đàn áp quân sự nhằm vào những người ủng hộ cựu Thủ tướng Thaksin, giết chết hơn 90 người năm 2010 với vai trò phó thủ tướng.