Tên lửa Trung Quốc đang khiến Châu Á bị đe dọa?
Theo trang tin Business Insider, tên lửa này có thể né tránh hệ thống phòng không của Mỹ cũng như cản trở hoạt động của các đội tàu sân bay mà Mỹ đã điều động tới khu vực Tây Thái Bình Dương.
Tên lửa Trung Quốc trong một cuộc diễu binh. |
Với sự xuất hiện của loại tên lửa này, Trung Quốc có thể đang thay đổi cán cân quân sự ở châu Á và khiến ảnh hưởng của Mỹ trong khu vực trở nên yếu đi. Nếu Mỹ không đảm bảo thế dẫn đầu trong việc phát triển các loại tên lửa chính xác, họ sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc khẳng định tầm ảnh hưởng của mình ở khu vực Thái Bình Dương, đồng thời cũng khiến các căn cứ của Mỹ tại đây bị đặt vào thế nguy hiểm.
Một vấn đề khác đó là loại vũ khí này có thể châm ngòi một cuộc chạy đua vũ trang quy mô lớn. Rất có thể các nước trong khu vực sẽ phát triển hoặc mua về các loại vũ khí chính xác. Ví dụ, Nhật Bản mới đây đã bày tỏ mong muốn phát triển một loại tên lửa tầm xa tương tự tên lửa hành trình Tomahawk của Mỹ.
Loại tên lửa của Trung Quốc mà Mỹ đang lo sợ gồm có các tên lửa DF-21D, một loại vũ khí tầm trung có thể tiêu diệt các tàu sân bay, và DF-26, loại tên lửa tầm xa có thể trang bị đầu đạn hạt nhân. DF-26 là tên lửa đạn đạo đầu tiên của Trung Quốc có thể bắn đến đảo Guam, nơi có căn cứ quân sự của Mỹ.
Những loại vũ khí này cho phép Trung Quốc có thể khẳng định sức mạnh quân sự của mình mà không cần phải triển khai quân quy mô lớn cũng như điều động tàu sân bay. Việc Trung Quốc có chúng trong tay cũng cho thấy rằng nước này đang có tham vọng trở thành một thế lực lớn trên thế giới. Chúng có thể đe dọa tàu sân bay Mỹ, qua mặt hệ thống phòng không của Mỹ và đe dọa căn cứ của nước này tại Châu Á.
Không chỉ có vậy, chúng cũng có thể được dùng trong trường hợp Trung Quốc và Đài Loan xảy ra xung đột, đồng thời cũng có thể được đưa ra Biển Đông. Ngay cả khi không được sử dụng, ý nghĩa tượng trưng của các tên lửa hiện đại này cũng rất quan trọng.
Dù vậy, rất nhiều câu hỏi đã được đặt ra. Quy trình phóng tên lửa chống hạm của Trung Quốc sẽ diễn ra như thế nào? Liệu chúng sẽ được phóng đi một cách đơn lẻ hay phóng hàng loạt? Và liệu nó có cho phép Trung Quốc hành xử mạnh bạo hơn trên các vùng biển lân cận hay không?
Trong khi đó, Mỹ cũng đang đầu tư vào các loại vũ khí mới để đối phó với sự phát triển quân sự của Trung Quốc. Nếu Trung Quốc tin Mỹ có thể tiêu diệt tên lửa của họ trước khi chúng được phóng đi, Trung Quốc sẽ dè chừng hơn trong việc sử dụng tên lửa.
Quan trọng hơn cả, giữa Mỹ và Trung Quốc cần phải có một thỏa thuận kiểm soát vũ khí tương tự nhu thỏa thuận không phổ biến vũ khí hạt nhân như INF và START để hãm tốc cuộc đua vũ trang giữa Mỹ và Liên Xô trước đây. Nếu không, cuộc chạy đua vũ trang ở châu Á sẽ còn tiếp diễn, và an ninh khu vực Châu Á – Thái Bình Dương sẽ bị đe dọa.