Tàu chiến Ấn Độ có thể khiến Trung Quốc “mất ăn mất ngủ”
Tờ Thời báo Luân Đôn vừa nhận định tàu INS Arihant, tàu ngầm tên lửa đạn đạo chạy bằng năng lượng hạt nhân đầu tiên do Ấn Độ tự sản xuất, có khả năng nhắm bắn các mục tiêu quan trọng ở Trung Quốc trong đó có thủ đô Bắc Kinh và thành phố Thượng Hải.
Tàu ngầm tên lửa đạn đạo INS Arihant. |
Theo Sau khi lò phản ứng hạt nhân được kích hoạt hôm 10/8, con tàu INS Arihant đã được thử nghiệm bắn tên lửa đạn đạo 12 K-15 Sagarika. Với tầm bắn 700km, tên lửa có khả năng vươn tới các thành phố cảng chính của Trung Quốc và Pakistan. Tên lửa này cũng có khả năng mang đầu đạn hạt nhân.
Để bảo vệ bờ biển Ấn Độ và lợi ích của nước này trên Ấn Độ Dương, New Delhi đã quyết định chế tạo tổng cộng 4 tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo chạy bằng năng lượng hạt nhân lớp Arihant. Sau chuyến chạy thử đầu tiên, con tàu này sẽ bắt đầu phục vụ Hải quân Ấn Độ vào năm sau.
Hôm 12/8, Ấn Độ ra mắt tàu INS Vikrant, tàu sân bay đầu tiên sản xuất trong nước trị giá 5 tỷ USD. Khi tàu INS Vikrant phục vụ đầy đủ cho Hải quân Ấn Độ vào năm 2018, Ấn Độ sẽ trở thành quốc gia thứ năm trên thế giới tự thiết kế và chế tạo tàu sân bay, đi trước Trung Quốc để gia nhập vào câu lạc bộ các quốc gia tự chế tàu sân bay như Anh, Pháp, Nga và Mỹ.
“Đây là cột môc quan trọng. Nó chỉ đánh dấu bước đi đầu tiên của một hành trình dài tuy nhiên bước đi này rất quan trọng”, Hãng tin AFP dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ A.K. Antony phát biểu trong lễ khai trương con tàu ở thành phố Kochi.
Tờ Thời báo Ấn Độ (Times of India) cho hay Hải quân nước này cần ít nhất 3 đội tàu sân bay tấn công để đối phó với những kẻ thù tiềm tàng như Trung Quốc và Pakistan, và cho rằng Ấn Độ nên tự chế tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân để thể hiện vị thế một cường quốc trên toàn cầu.
Các nhà phân tích cho biết trong vòng 4 năm nữa, con tàu này sẽ được trang bị thêm thiết bị và vũ khí sau đó trải qua các cuộc thử nghiệm và sẽ trở thành bước đột phá quan trọng về năng lực quân sự của Ấn Độ trong cuộc chạy đua giành ảnh hưởng ở châu Á.
“Con tàu này sẽ được điều động tới Ấn Độ Dương, nơi qui tụ các tuyến đường vận tải biển quan trọng của thương mại toàn cầu. Năng lực của Ấn Độ sẽ khiến Trung Quốc “mất ăn mất ngủ”, chuyên gia quốc phòng Rahul Bedi của Tuần báo Quốc phòng thuộc Tập đoàn IHS Jane (Mỹ), nhận định.
Tàu sân bay INS Vikrant. |
Hiện New Delhi đang chi hàng chục tỷ USD để nâng cấp hệ thống vũ khí chủ yếu được mua từ thời Liên Xô của nước này nhằm củng cố năng lực quốc phòng.
Những thành công về tên lửa tầm xa và các chương trình hải quân khác của Ấn Độ từ trước đến nay vẫn bị hạn chế do nước này thất bại trong việc chế tạo tàu sân bay và các vũ khí khác và khiến Ấn Độ lệ thuộc nặng nề vào nguồn nhập khẩu.
Tàu được hạ thủy chậm hơn so với kế hoạch 2 năm sau khi gặp khó khăn về nguyên liệu thép đặc chủng nhập từ Nga, các thiết bị quan trọng bị trì hoãn và thậm chí cả tai nạn giao thông khiến máy phát điện chính bị hỏng.
Theo các nhà phân tích, nhìn chung năng lực quốc phòng của Ấn Độ vẫn đứng sau Trung Quốc nên sự kiện New Delhi hạ thủy con tàu sân bay đầu tiên sản xuất trong nước có vị trí rất quan trọng.
Tàu Liêu Ninh, tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc được nước này mua lại từ Ukraina và đã được đưa vào phục vụ cho Hải quân Trung Quốc từ tháng 9 năm ngoái. Được biết Bắc Kinh có kế hoạch chế tạo hoặc mua một con tàu sân bay lớn hơn trong tương lai.
Hồi đầu tháng Tám, Tập đoàn Jane cho hay có các bằng chứng cho thấy Trung Quốc có lẽ đang chế tạo tàu sân bay đầu tiên của mình tại xưởng đóng tàu gần thành phố Thượng Hải.
Trước tàu INS Vikrant, Ấn Độ đã sử dụng một tàu sân bay 60 năm tuổi mua từ Anh vào năm 1987 và được đặt lại tên là INS Viraat. Tuy nhiên con tàu này sẽ dừng hoạt động trong những năm tới.
Ngoài ra, Nga cũng sẽ chuyển giao cho Ấn Độ con tàu sân bay INS Vikramaditya vào cuối năm nay.
C. Uday Bhaskar, một sĩ quan hải quân đã nghỉ hưu và là cựu giám đốc Quĩ hàng hải quốc gia ở New Delhi, cho rằng con tàu này sẽ “nâng cao uy tín của Ấn Độ” tuy nhiên sẽ “không thay đổi cán cân năng lực với Trung Quốc.”
“Năng lực hạt nhân và đóng tàu của Trung Quốc vẫn cao hơn Ấn Độ”, ông nhận xét.