Táo quân 2014: Nhiều lời khen chê khác nhau
Năm nay, ngay khi chương trình kết thúc, nhiều ý kiến khen-chê cũng đã được bình luận trên facebook cá nhân.
Nghệ sĩ Chí Trung chia sẻ trên facebook sau khi chương trình hoàn thành: “Táo quân năm nay dưới góc độ người xem, tôi thấy cực kỳ sâu sắc bởi đã động đến Ngọc Hoàng một cách khéo léo dưới dạng một anh giữ xe. Rất nhiều suy nghĩ được cài cắm nếu chúng ta muốn xem lại chính mình. Một vài bạn trông đợi một bản diễn với nhiều tình huống gây cười dễ dãi chắc không đồng ý với quan điểm này”.
So với các chương trình "Gặp nhau cuối năm" trước đó, chương trình năm nay không có nhiều màn gây cười sảng khoái, điều mà phần lớn khán giả đều chờ đợi và kỳ vọng. Chính vì vậy mà nó ít nhiều cũng làm khán giả thấy hụt hẫng. Những lời chia sẻ trên facebook cho rằng nó quá nhạt, kịch bản dàn trải, nghệ sĩ thiếu đất diễn vì năm nào cũng nói đi nói lại những chuyện “khổ lắm biết rồi nói mãi”.
Thêm nữa, những vấn đề được đề cập đến trong Táo quân cũng đều là những chuyện mọi người đã biết, nếu không được nhìn qua lăng kính hài hước thì nó cũng không còn gì là thú vị và hấp dẫn nữa.
![]() |
Chi tiết nhận được nhiều lời khen ngợi nhất của khán giả chính là màn hoán đổi của nhân vật Ngọc Hoàng. Đây được coi là điểm nhấn thú vị cho "Gặp nhau cuối năm" có một sự khác biệt sau nhiều năm để Ngọc Hoàng “yên vị” trên ngài vàng, thỉnh thoảng nói chen vào hoặc đe nẹt, phê phán các Táo... Ý tưởng hoán đổi này quả thật thông minh, sâu sắc mà vẫn đảm bảo được yếu tố gây cười cho nhân vật Ngọc Hoàng. Nhờ đó mà những nhược điểm của người đứng đầu triều đình đã được tự thân bộc lộ, và cũng nhờ đó mà NSƯT Quốc Khánh có nhiều đất diễn hơn so với các năm trước.
Là người nắm vai trò “tổng chỉ huy” nhưng khi Táo Kinh tế hỏi làm thế nào để giúp các doanh nghiệp hết lâm vào tình trạng phá sản, giảm lạm phát... thì chỉ trả lời loanh quanh. Với việc để người dân đóng vai Ngọc Hoàng có thể thấy, ê kíp chương trình muốn cài cắm một thông điệp, vai trò của người dân cần phải được đặt lên cao hơn. Cần có một “tư lệnh” hiểu và nếm trải những nỗi khổ của người dân như anh Tèo thì mới đối chất, bắt bệnh được với sự đùn đẩy, trốn tránh của người đứng đầu ngành là các Táo để xử lý chứ không chỉ dừng lại ở việc “tôi rất bức xúc”, “tôi xin nhận lỗi”...
Điều khá khó hiểu là năm nay, vấn đề văn hóa-giáo dục được coi là khá nóng với nhiều vấn đề nổi cộm. Đặc biệt gây bức xúc dư luận là vụ bạo hành trẻ mầm non mà nguyên nhân sâu sa là chất lượng đầu tư cho lĩnh vực này chưa được quan tâm, dẫn đến cầu nhiều hơn cung, cha mẹ không có lựa chọn nào khác ngoài việc phải “gửi trứng cho ác”... Nhưng sự xuất hiện của hai vấn đề nhức nhối này lại chỉ được vớt vát ở cuối chương trình, khiến cho sự xuất hiện của Táo Văn hóa và Táo Giáo dục có cũng như không. Màn múa hát trong chương trình cũng bị đạo diễn quá lạm dụng. Táo nào vào chầu cũng phải có màn ca múa. Riêng Tự Long độc diễn cả một liveshow hát khiến cho khả năng đặc biệt của anh cũng không còn đắt giá.
![]() |
Năm nay, các Táo cũng ít bị quy kết hơn, trừ táo Y tế. Việc công kích quá kịch liệt vào việc nhận phong bì của ngành y tế, hay chi tiết chỉ vì một chiếc phong bì mà “cởi phăng” chiếc áo (ý nói đến y đức)... có thể khiến nhiều y bác sĩ chân chính thấy bị tổn thương, xót xa. Nhưng như nghệ sĩ Chí Trung từng chia sẻ trong "Gặp nhau cuối năm", mục đích là để phê phán, lấy tiếng cười giải trí, tiếng cười sâu cay làm trọng nên không có chỗ cho sự ngợi ca. Nếu khen sẽ không cười được. Việc đó nên để cho các lĩnh vực khác như sân khấu, phim ảnh phản ánh... Vì vậy, với Táo quân, xem là để suy ngẫm hay đơn giản hơn là chỉ để cười chứ không thể xem với tâm thế “vin vào mình”.
Nguồn: Gia đình & Xã hội