Syria: Đàm phán vòng hai vẫn ‘giậm chân tại chỗ’
Các cuộc đàm phán này được nối lại hôm 10/2 sau khi kết thúc thất bại sau một tuần đàm phán hồi tháng trước. Tuy nhiên, vẫn chưa có tiến triển gì đáng kể để có thể dấy lên hy vọng chấm dứt cuộc xung đột đã kéo dài tới 3 năm ở Syria.
![]() |
Ông Lakhdar Brahimi, đặc phái viên Liên Hiệp Quốc – Liên đoàn Ả Rập về vấn đề Syria, phát biểu trong cuộc họp báo tại Geneva hôm 11/2. |
Ông Lakhdar Brahimi, đặc phái viên Liên Hiệp Quốc – Liên đoàn Ả Rập về vấn đề Syria, cho biết: “Chúng tôi vẫn chưa thể đạt được một tiến bộ nào đáng kể”.
Trong khi đó, Thứ trưởng Ngoại giao Syria Faisal Mekdad nói rằng đây là một ngày thất bại, còn Phát ngôn viên của phe đối lập Louay Safi khẳng định vẫn chưa có tiến triển nào trong các cuộc đàm phán.
Ngay cả nội dung nào cần được đàm phán trước cũng trở thành vấn đề tranh cãi. Phe đối lập muốn thảo luận trước về kế hoạch chuyển tiếp chính phủ, trong khi chính phủ lại muốn vấn đề nên được thảo luận đầu tiên là đấu tranh chống khủng bố (mang hàm ý là các lực lượng nổi dậy).
Nhằm phá vỡ bế tắc này, ông Brahimi đã đề xuất sẽ thảo luận về việc kết thúc bạo lực ở Syria vào ngày 11/2 và kế hoạch thiết lập một cơ quan quản lý chuyển tiếp vào ngày 12/2.
Nhưng cả hai bên vẫn chưa chấp nhận đề xuất này.
Ông Mekdad nói: "Hôm nay là một ngày thất bại vì đại diện của Liên minh (đối lập) vẫn khăng khăng cho rằng không có khủng bố ở Syria".
Trong khi đó, Safi cho rằng: "Rõ ràng là chế độ đang cố trì hoãn và vẫn tin tưởng vào một giải pháp quân sự".
Anas Abdah, một chiến lược gia đối lập, còn cáo buộc rằng: "Chế độ luôn tìm cách phớt lờ việc thành lập một cơ quan quản lý chuyển tiếp. Cơ bản là đã từ chối thảo luận về vấn đề này".
Phe đối lập yêu cầu Tổng thống Assad sẽ không được nắm giữ bất cứ vai trò gì trong chính phủ chuyển tiếp. Trong khi chính phủ không đề cập gì đến việc ông Assad phải rời đi.