Sức mạnh Mỹ - Trung "còn khuya" mới cân bằng
Năm ngoái, Hải quân Trung Quốc hạ thủy mới 17 tàu chiến, nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào trên thế giới. Chỉ trong vòng chưa tới một thập kỷ nữa, dự kiến Trung Quốc sẽ có 3 tàu sân bay giúp hải quân nước này có lợi thế vượt trội trong các cuộc tranh chấp trên biển và có thể sẽ trở thành công cụ để nước này hiện thực hóa những tham vọng về chủ quyền.
Theo hãng tin AP, những con số đó là kết quả của mức chi tiêu quốc phòng tăng với tốc độ 2 con số của Trung Quốc đưa nước này trở thành quốc gia có ngân sách quốc phòng lớn thứ hai thế giới chỉ sau Mỹ. Ngoài ra, tăng chi tiêu quốc phòng cũng giúp nền công nghiệp Trung Quốc ngày càng lớn mạnh.
Tàu sân bay Liêu Ninh, biểu tượng cho sự lớn mạnh về quân sự của Trung Quốc. |
Mặc dù Bắc Kinh còn tụt hậu nhiều so với Mỹ về cả ngân sách và công nghệ quốc phòng, việc ngân sách quốc phòng Trung Quốc bùng nổ nhận được sự chú ý của dư luận vì cùng lúc đó, chi tiêu quân sự của Mỹ giảm sút. Một số quốc gia đồng minh châu Á trong đó có các quốc gia đang tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc nghi ngờ cam kết của Mỹ đối với khu vực châu Á.
Sức mạnh quân sự ngày càng lớn mạnh của Trung Quốc là một trong nhiều vấn đề mà Tổng thống Barack Obama đối diện trong chuyến công du châu Á tuần này. Washington có nghĩa vụ phải bảo vệ các đồng minh như Nhật Bản và Philippines theo hiệp ước quốc phòng nhưng đồng thời vẫn phải duy trì mối quan hệ thân mật với Trung Quốc, đối tác kinh tế chính và cường quốc đang lên.
Năm nay, ngân sách quốc phòng Trung Quốc tăng lên 12,2% tới 132 tỷ USD, tiếp tục tốc độ tăng 2 con số được nước này duy trì trong hơn 20 qua, giúp Bắc Kinh xây dựng thế mạnh nhằm thay đổi cán cân sức mạnh ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Giới quan sát bên ngoài cho rằng chi tiêu quân sự thực tế của Trung Quốc còn cao hơn các con số chính thức rất nhiều.
Abraham Denmark, một chuyên gia về quốc phòng Trung Quốc và là phó chủ tịch về các vấn đè chính trị và an ninh tại Cơ quan nghiên cứu châu Á quốc gia (Mỹ), cho rằng việc Bắc Kinh tăng chi tiêu quân sự là nhằm thể hiện “sức mạnh và quyết tâm của Trung Quốc tới các quốc gia láng giềng”.
Trong khi đó, quân đội Mỹ đang tìm cách tái cân bằng các lực lượng tới khu vực châu Á – Thái Bình Dương sau khi rút quân khỏi Afghanistan. Tuy nhiên, các quan chức nước này cảnh báo việc cắt giảm mạnh chi tiêu quốc phòng sẽ khiến Mỹ khó đạt được mục tiêu điều động 60% lực lượng hải quân tới khu vực. Vừa qua, Đô đốc Hải quân Jonathan Greenert cảnh báo rằng năng lực của Mỹ “sẽ không thể đi trước” các đối thủ tiềm năng với tình hình thắt chặt tài chính như hiện nay.
Trong khi đó, hải quân Trung Quốc đang nhanh chóng lớn mạnh để trở thành một lực lượng đối trọng với Mỹ nhưng có vẻ sẽ còn lâu nữa Bắc Binh mới trở thành một “người chơi” thống trị bàn cờ châu Á – Thái Bình Dương.
Năm 2012, Trung Quốc điều động con tàu sân bay đầu tiên được “tân trang” từ con tàu cũ của Ukraine và dự kiến 2 tàu sân bay chế tạo nội địa sẽ đi vào hoạt động vào năm 2025, giúp tăng đáng kể năng lực của hải quân nước này.
Giới phân tích cho rằng đến năm 2020, Trung Quốc sẽ có khoảng 78 tàu ngầm chưa kể số tàu chiến “ra lò” hàng năm của nước này đều vượt qua Mỹ và Nga.
“Đó là con số khá lớn và phù hợp với lời kêu gọi của giới lãnh đạo Trung Quốc xây dựng nước này thành một cường quốc quân sự, công nghiệp lớn”, Tai Ming Cheung, giám đốc Viện hợp tác và xung đột toàn cầu thuộc Đại học California (Mỹ), nhận định.
Mỗi năm, Hải quân Mỹ có thêm mới 10 tàu chiến còn Hải quân Nga cũng bổ sung nhưng với số lượng nhỏ hơn.
Tàu chiến Trung Quốc. |
Mặc dù sở hữu lượng vũ khí khí tài rất ấn tượng, năng lực thực sự của quân đội Trung Quốc vẫn là điều chưa chắc chắn vì các lực lượng này chưa từng tham gia chiến đấu thực sự kể từ khi Chiến tranh Triều Tiên kết thúc năm 1953. Các công nghệ nội địa của Trung Quốc vẫn chưa được thử nghiệm trên chiến trường và công tác tổ chức huấn luyện bị hạn chế bởi tư tưởng không dám chịu rủi ro cũng như quá nhấn mạnh vào giáo dục chính trị cho binh sĩ.
“Muốn trở thành nhà lãnh đạo thế giới, phải có phần mềm và mạng lưới”, Denny Roy, chuyên gia về quân sự Trung Quốc tại Trung tâm Đông – Tây ở Hawaii, nhận xét, ám chỉ tới các vấn đề liên quan tới hệ thống chỉ huy và liên lạc của quân đội Trung Quốc.
Mối lo ngại về một hành động xâm lược của Trung Quốc tập trung vào 3 kịch bản: một cuộc tấn công vào hòn đảo Đài Loan mà Trung Quốc vẫn khẳng định là lãnh thổ của nước này, một nỗ lực chiếm đóng quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông mà Nhật – Trung đang tranh chấp và một hành động quân sự nhằm khẳng định chủ quyền đối với các hòn đảo nhỏ trên Biển Đông.
Tất cả các tình huống trên đều chưa đựng rủi ro đối với Bắc Kinh, từ việc thiếu năng lực vận tải và hậu cần cho tới khả năng quân đội Mỹ đáp trả nhằm bảo vệ các đồng minh. Nhật Bản và Philippines là các đồng minh hiệp ước của Mỹ trong khi luật pháp Mỹ cũng yêu cầu Washington đáp trả lại các mối đe dọa đối với Đài Loan.