Sử dụng chó nghiệp vụ ở Kho 858. Cục Kỹ thuật hải quân
Đại tá Trịnh Văn Thiện cho biết: Ý tưởng đưa chó nghiệp vụ vào tuần tra xuất phát từ thực tiễn đơn vị. Đó là Kho 858 đảm trách một nhiệm vụ quan trọng, lại đóng quân trên địa bàn rộng nên việc tuần tra, canh gác, phòng gian, giữ bí mật gặp không ít khó khăn. Để hỗ trợ cho bộ đội trong quá trình tuần tra, đơn vị tìm đến các cơ quan chức năng như công an, biên phòng để tìm hiểu về khả năng của chó nghiệp vụ. Sau khi tham quan, nghiên cứu, thấy chó nghiệp vụ rất phù hợp với điều kiện của kho nên chỉ huy đơn vị đã mạnh dạn đề xuất với Bộ Tư lệnh Hải quân và được chấp nhận. Kho đã cử 5 đồng chí ra Trường 24 Biên Phòng-nơi đào tạo, huấn luyện chó nghiệp vụ chiến đấu để học tập. Qua 9 tháng huấn luyện và làm quen với chó nghiệp vụ, 6 chú khuyển đã trở về đơn vị.
Một buổi huấn luyện chó nghiệp vụ ở Kho 858. |
Những ngày đầu về môi trường mới, những chú khuyển tỏ ra nhanh nhạy, hoạt bát. Tuy nhiên, để củng cố và rèn luyện thêm khả năng “tác chiến” cho chúng, hằng ngày, đơn vị vẫn dành khoảng 3 tiếng để huấn luyện bổ sung.
Chứng kiến một buổi huấn luyện chó nghiệp vụ, chúng tôi thấy đây là nhiệm vụ không hề đơn giản, đòi hỏi người huấn luyện ngoài kỹ năng, trình độ chuyên môn còn cần phải có lòng dũng cảm.
Buổi huấn luyện chó bao giờ cũng bắt đầu từ những bài tập kỷ luật. 5 chú chó xếp thành đội hình răm rắp dàn hàng bò cao, bò thấp, lăn phải, lăn trái và đứng thẳng trên 2 chân theo tiếng tiếng hô dứt khoát của huấn luyện viên.
Đến động tác huấn luyện chiến đấu cơ bản, Thiếu úy Trịnh Văn Vinh, huấn luyện viên nhắc tôi: Đề nghị đồng chí đứng về phía kia. Chó cởi rọ mõm thực hành trong tình huống thật sẽ nguy hiểm lắm đấy.
5 chú chó “chiến đấu” lúc này đã được cởi rọ mõm, thè lưỡi, đầu cúi gằm dưới bàn tay kiên quyết của huấn luyện viên. Tốp chiến sĩ phục vụ đứng khom người. Còi rít lên lanh lảnh, các huấn luyện viên nói vừa đủ nghe vào tai “học trò” của mình và buông tay. Chú khuyển hồng hộc lao tới, co người nhảy gọn qua đầu quân xanh rồi ép bụng bò thấp qua hơn 10m rào sắt, sau đó chạy về vị trí ban đầu.
Ở bài huấn luyện chó phát hiện kẻ xấu đột nhập vào kho, chiến sĩ quân xanh sau khi làm những động tác khiêu khích như trèo tường, hò hét, đập phá… rồi đột ngột xuất hiện. Lúc này, huấn luyện viên cùng chó nghiệp vụ đang “mai phục” tại một vị trí kín đáo. Huấn luyện viên chỉ tay về phía mục tiêu và quát khẽ. Chú chó lao về phía mục tiêu. Trong tích tắc nó đã quật ngã và phập cả hàm răng nhọn hoắt vào cánh tay quân xanh (đã được bảo hiểm cẩn thận). Tình huống này chỉ chấm dứt khi huấn luyện viên ra lệnh dừng, kéo chó ra và quân xanh nằm im phục tùng.
Có thể thấy bài tập này rất nguy hiểm bởi với những chú chó hung dữ thì cánh tay bảo hộ gồm 2 lớp bông, 2 lớp vải bạt chẳng ăn thua gì. Vì vậy khi huấn luyện, để bảo đảm độ an toàn cao, các chiến sĩ phục vụ đã quấn thêm một lớp đệm bên trong sau đó mới đeo bao tay chuyên dụng.
Theo Thiếu úy Nguyễn Văn Hồ thì người huấn luyện phải nắm bắt được diễn biến tâm lý của chó. Nếu chúng ốm đau, mệt mỏi phải động viên bằng cách vuốt ve âu yếm và chăm sóc tận tình chu đáo; khi chúng hoàn thành nhiệm vụ phải kịp thời khen thưởng; còn khi chó có biểu hiện bướng bỉnh, không tuân lệnh phải xử lý kỷ luật nghiêm khắc.
Từ khi đưa chó nghiệp vụ vào tuần tra, canh gác, các kho, trạm của Kho 858 đã bảo đảm an toàn hơn. Thiếu úy Nguyễn Mạnh Thắng cho biết: Khi cho những chú chó đi tuần, nếu đi tuần vòng trong, chúng tôi sẽ thả cương để chó tự tìm kiếm, lùng sục, phát hiện mục tiêu trong phạm vi cho phép; nếu đi tuần vòng ngoài, chúng tôi luôn giữ dây cương, khi nào phát hiện kẻ xấu đột nhập vào kho, chúng tôi mới thả chó. Làm như vậy để bảo đảm an toàn cho người dân xung quanh.
Rõ ràng, nuôi chó nghiệp vụ phục vụ cho nhiệm vụ tuần tra đối với những đơn vị đặc thù là rất cần thiết. Những chú khuyển này đã hỗ trợ rất nhiều cho cán bộ, chiến sĩ trong truy kích mục tiêu và góp phần bảo đảm an toàn đơn vị.
Nguồn: TRỊNH DŨNG (QĐND)