Sau tranh cãi cà phê trộn đậu nành, Masan sắp thâu tóm toàn bộ Vinacafé Biên Hòa
Masan Beverage, Công ty con của CTCP Tập đoàn Masan (MSN) cho biết sẽ mua 2,6 triệu cổ phiếu Vinacafé Biên Hòa (VCF) với giá 170.000đồng/cổ phiếu theo phương thức chào mua công khai.
Cụ thể, số lượng cổ phiếu VCF được Masan Beverage chào mua là 2.614.484 cổ phiếu, tương đương 9,84% tổng số cổ phiếu đang lưu hành. Nếu giao dịch hoàn tất, Masan Beverage sẽ tăng tỷ lệ sở hữu tại VCF từ 60,16% lên 70%.
Thời gian thực hiện là trong vòng 30 ngày kể từ ngày Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước phê duyệt hồ sơ chào mua công khai. Đây là một phần trong chiến lược dài hạn của Masan nhằm tăng cổ phần tại các công ty con chuyên về hàng tiêu dùng của mình.
Trước đó, vào tháng 2/2016, Masan Beverage đã mua 1.850.000 cổ phiếu VCF trên thị trường để tăng tỷ lệ sở hữu tại VCF từ 53,2% lên 60,16%. Trong lần chào mua này, mức giá chào mua của Masan Beverage cao hơn nhiều so với giá giao dịch của VCF ở thời điểm hiện tại. VCF đã có phiên tăng trần khi đạt mức giá 158.300 đồng/cổ phiếu trong phiên giao dịch ngày 18/10. Với giá chào mua là 170.000 đồng/cổ phiếu, P/E dự phóng là 19,1 lần.
![]() |
Vinacafé Biên Hòa từng gây sốc cho thị trường với việc công bố dừng sản xuất và bán các sản phẩm cà phê trộn đậu nành kể từ ngày 01/08/2016.
Trao đổi với PV Infonet, ông Nguyễn Tân Kỷ, Tổng Giám đốc CTCP Vinacafé Biên Hòa, cho biết khoảng năm 2012, trước sức ép của thị trường, công ty đã cho ra đời 2 dòng sản phẩm hoà tan mang thương hiệu Wake-Up và Phinn có bổ sung đậu nành trong thành phần. Tuy nhiên, trước thực trạng rối ren, thiếu minh bạch của thị trường cà phê nên đã quyết định dừng bổ sung đậu nành trong hai sản phẩm trên, đồng thời doanh số bán hàng vẫn đảm bảo đúng kế hoạch sau hơn 2 tháng triển khai.
Theo kết quả điều tra hồi tháng 5/2016 của Hội tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng, trong 250 mẫu khảo sát lấy từ các quán cà phê sang trọng đến bình dân, có cả căng tin bệnh viện, trường học, khu vui chơi… có hơn 30% mẫu có hàm lượng cafein dưới tiêu chuẩn, đặc biệt có 5 mẫu hoàn toàn không có cafein. Điều này có nghĩa là rất nhiều quán cà phê đang bán những thứ không phải là cà phê.
Cũng theo CEO Viancafe Biên Hòa, Việt Nam là một cường quốc về xuất khẩu cà phê trên thế giới, nhưng đa phần người Việt Nam chưa được uống một ly cà phê đúng nghĩa cà phê.
“Do một thời gian dài khó khăn, chúng ta không được thưởng thức cà phê nguyên chất nên số đông người tiêu dùng đã quen với vị đắng, sánh, đen của thứ cà phê pha độn và lầm tưởng đó là vị của cà phê,” ông Nguyễn Tân Kỷ nói. “Cà phê ngon không có vị đắng gắt đến mức tê lưỡi, không đen kịt, không sánh quẹo. Cà phê nguyên chất có vị đắng nhẹ, có màu nâu hay đen nhạt tuỳ vào cách rang và hoàn toàn không sánh quẹo”.