Rượu, máu và những giọt nước mắt ngày Tết
10 giờ đêm mồng 1 tết Bính Thân 2016, bệnh viện huyện Triệu Sơn (Thanh Hóa) vắng vẻ hơn ngày thường. Cả bệnh viện còn lại 30 bệnh nhân chỉ bằng 1/10 so với những ngày thường. Dẫu vậy, các bác sĩ, nhân viên y tế ở đây không vì thế mà đỡ vất vả hơn trong công việc.
Chúng tôi cảm nhận cái không khí “căng như dây đàn” thể hiện rõ trên nét mặt của các bác sĩ trực ở phòng cấp cứu. Bệnh nhân nhập viện liên tục, gần như 100% các ca nhập viện là tai nạn do say rượu, liên quan đến rượu. Tình trạng này cũng là phổ biến ở hầu khắp các bệnh viện khác.
Trực Tết đêm giao thừa, ông Nguyễn Ngọc Hân - Giám đốc bệnh viện đi kiểm tra từng khoa. Trời rét căm căm, thương bệnh nhân ông Hân cho lắp điều hòa giữ ấm ở một số phòng hậu phẫu dù theo quy định bệnh viện chưa được cấp kinh phí cho hệ thống điều hòa nhiệt độ.
Máu dự trữ là điều khiến vị giám đốc này lo lắng nhất trong những ngày Tết. Máu dự trũ thường không đủ để phục vụ công tác cứu bệnh nhân nặng trong những ngày tết. Ông tâm sự: “Với bác sĩ, làm việc trong những ngày bình thường đã áp lực, làm việc trong những ngày Tết lại càng áp lực hơn khi số ca nhập viện chủ yếu là bệnh nhân bị tai nạn giao thông, nhập viện trong tình trạng say xỉn, gây khó khăn trong công tác khám, điều trị”.
Máu dự trữ - nỗi lo của các bệnh viện trong dịp Tết - Ảnh: Thanh Hoàng |
11 giờ đêm mùng 1 Tết, người nhà hối hả đưa bệnh nhân Vũ Đức T. nhập viện. Anh T. nhập viện trong tình trạng bất tỉnh, đa chấn thương, chân phải gãy dập xương vì tai nạn giao thông. Người nhà cho biết do đi chơi Tết, uống nhiều rượu, anh T. mất kiểm soát trong lúc đi xe máy nên tự đâm vào cột mốc ven đường.
Bên ngoài phòng cấp cứu, vợ bệnh nhân T. thất thần ngồi xụp xuống nền gạch lạnh lẽo. Tết, thời điểm gia đình xum họp vui vầy thì gia đình chị lại đang sống trong tâm trạng lo lắng trước nguy cơ mất mạng vì rượu của anh T. Giọt nước mắt cứ lăn dài trên khuôn mặt khắc khổ của người vợ.
Ngày cuối cùng trong năm 2015, trước thềm giao thừa, bệnh viện Đa khoa huyện Triệu Sơn liên tiếp đón nhận những bệnh nhân nặng. Bốn ca liên tiếp được người nhà chuyển đến viện đều đã tử vong trên đường. Người thân bệnh nhân khóc thét, các bác sĩ thì chỉ biết lắc đầu bất lực vì những ca bệnh quá nặng, đến viện thì đã tử vong.
Trong phòng cấp cứu của khoa Ngoại, một bệnh nhân trong tình trạng say xỉn la hét, văng tục chửi bới om xòm. Người nhà bệnh nhân được huy động để giữ bệnh nhân nằm im cho các y bác sĩ thực hiện chuyên môn. Bệnh nhân gào thét chửi bới bác sĩ, người nhà.
Những bác sĩ vẫn cần mẫn làm việc, không quan tâm đến những lời chửi bới của bệnh nhân “ngộ rượu” đang xoáy vào mình. Chiếc áo blouse trắng đã nhuốm màu máu của bệnh nhân vương vào. Ngoài cửa phòng, mẹ của bệnh nhân vừa khóc vừa thốt ra những câu uất hận “nếu có thể, tôi sẽ cho nổ bom hết những nhà nấu rượu”.
bệnh nhân say xỉn trong phòng cấp cứu với những hành vi không kiểm soát được. - Ảnh: Thanh Hoàng |
Rời khỏi phòng cấp cứu, các bác sĩ vội vã thay chiếc áo blouse trắng dính máu bệnh nhân. Khoác lên mình bộ áo khác và sẵn sàng cứu chữa cho những bệnh nhân sẽ nhập viện trong những ngày Tết này. Tết với những bác sĩ ở bệnh viện luôn thường trực là những hình ảnh về máu, nước mắt, tiếng la hét của bệnh nhân say xỉn…
Sau mỗi ca bệnh, vị giám đốc Bệnh viện đa Khoa huyện Triệu Sơn lại kiểm tra lại một lần nữa danh sách những cán bộ, nhân viên đăng ký tình nguyện hiến máu trong dịp Tết. “Ngân hàng máu sống” của các y bác sĩ được huy động để cứu sống bệnh nhân nếu cần.
Tết, trong phòng hậu phẫu, những bé con vừa chào đời cuộn tròn yên giấc trong vòng tay ấm áp của bố mẹ. Cuộc sống vẫn vững vàng sinh sôi nảy nở nơi đây dù cách đó không xa, ở phòng cấp cứu vẫn có những tiếng khóc xé lòng của người nhà khi bệnh nhân không thể qua khỏi vì tai nạn quá nặng.
Ngoài đường, người dân vẫn hồ hởi du xuân, đón tết yên bình, đầm ấm. Dẫu vậy, mỗi khi có tiếng nẹt pô xe máy rền vang ngoài đường các bác sĩ ở phòng cấp cứu lại ngao ngán lắc đầu trước nguy cơ mất đi mạng sống vì tai nạn giao thông của người dân.
Một bác sĩ ở phòng cấp cứu tâm sự với tôi: “Chỉ khi gặp nạn, phải nhập viện bệnh nhân mới thấy sợ khi điều khiển xe trong tình trạng say xỉn. Tuy nhiên rất nhiều người không còn cơ hội để thay đổi hành vi của mình”.
Theo Thanh Hoàng/Người Lao Động