Quảng Bình: Nghề biển "nở rộ", hậu cần nghề cá "đuổi hụt hơi"
Số lượng tàu cá công suất cao tăng nhanh
Kể từ khi triển khai thực hiện Quyết định số 48/2010/QĐ-TTg ngày 13/7/2010 về một số chính sách khuyến khích, hỗ trợ khai thác, nuôi trồng hải sản và dịch vụ khai thác hải sản trên các vùng biển xa và Nghị định 67/2014/NĐ-CP ngày 07/7/2014 về một số chính sách phát triển thủy sản thì số lượng tàu thuyền và lượng hàng hóa thủy sản khai thác qua các cảng cá tăng mạnh.
Cửa sông Nhật Lệ bị bồi lấp, khó khăn cho tàu ra vào. |
Nhiều ngư dân ở Quảng Bình đã mạnh dạn vay vốn để đóng mới, hoán cải các tàu công suất nhỏ để vươn khơi. Nhất là sau sự cố ô nhiễm môi trường biển do Fomosa Hà Tĩnh gây ra vào tháng 4-5/2016, số lượng tàu cá được hoán cải nâng công suất để đánh bắt xa bờ càng nhiều hơn.
Ông Hoàng Mại ở xã Bảo Ninh (TP Đồng Hới) cho biết: “Ngày trước, gia đình tôi có tàu công suất 167CV hoạt động đánh bắt cá, nhưng vì máy công suất nhỏ khi ra khơi gặp gió to, sóng dữ thì bất lợi.
Vỏ tàu mình mới đóng năm 2013, nên chỉ thay máy thôi. Máy mới này, tàu có thể chạy được trong gió cấp 7-8. Việc tàu có công suất lớn thuận lợi trong đánh bắt trên biển, nhưng khi vào bờ thì rất bất tiện, bởi các luồng lạch bị bồi lấp.
Tàu tôi và các gia đình ở đây thường neo đậu ở cảng Nhật Lệ, nhưng nhiều khi ra vào rất khó khăn vì cửa quá cạn phải chạy ra đậu ngoài cảng Gianh, cách nhà hơn 30km”.
Anh Hoàng Tình, một chủ tàu khác ở Bảo Ninh nói rằng “tàu công suất lớn đánh bắt được dài ngày trên biển, và vùng biển Nam Vịnh Bắc Bộ là nơi tập trung nhiều nguồn hải sản phong phú. Nhưng khi vào bờ, chúng tôi phải cập vào cảng Cửa Việt (Quảng Trị) hay có khi phải vào cảng Đà Nẵng. Cập cảng xa nhà, giá bán hải sản cho thương lái xa cũng bị ép giá hơn.
Còn nếu mình vào cảng Gianh, hay Nhật Lệ (Quảng Bình) thì sợ bị mắc cạn. Có lần vào Cảng cá Gianh để bốc hàng hải sản, nhưng số lượng tàu quá nhiều, tàu tôi phải neo ngoài xa, rồi thuê xuồng máy bốc xếp để tăng bo đưa hàng vào bờ rất phức tạp, thêm tốn kém”.
Cảnh cá Sông Gianh quá tải khi tiếp nhận tàu vào bốc xếp hàng hóa. |
Nhiều tàu vào Cảng Gianh phải neo đậu ngoài xa, dùng xuồng nhỏ để trung chuyển đưa hàng hải sản vào bờ. |
Hiện nay toàn tỉnh có đội tàu hơn 2.200 tàu với 12.078 lao động tham gia, trong đó có 1210 tàu có công suất trên 90CV với 8.081 lao động. Số lượng tàu công suất trên 300CV hơn 140 chiếc, nhiều tàu từ 500-1000CV. Thế nhưng nghịc lý là trong tỉnh chưa có khu neo đậu tránh trú bão hay cảng cá tiết kế để tiếp nhận được những tàu có công suất lớn trên 300CV.
Hạ tầng bến bãi chưa theo kịp
Trước đây tỉnh Quảng Bình có 4 cửa sông tàu trên 90CV có thể ra vào được nhưng nay cửa sông Lý Hòa đã bị bồi cạn nên tàu 90CV không thể ra vào. Trong khí đó các cửa sông còn lại cũng đang bị bồi lắng rất nghiêm trọng như cửa Ròn, cửa Nhật Lệ, cửa Gianh.
Ngoài luồng lạch bị bồi cạn thì các khu neo đậu tránh trú bão (KNĐ TTB) cũng bị bồi lắng, làm cho các tàu thuyền khó quay trở khi vào trong âu.
Hoạt động mua bán cá tấp nập ở Cảng cá Sông Gianh |
“KNĐ TTB cho tàu cá ở cửa Gianh là khu neo đậu lớn nhất, được đưa vào sử dụng 6 năm nay, với thiết kế âu thuyền 19ha, bến cập tàu 150m có thể neo đậu cho 432 chiếc tàu có công suất từ 300CV trở xuống.
Tuy thiết kế là như vậy, nhưng trong thực tế thì quá tải nhiều lắm, như năm 2013, bão số 10, 11 vào, số lượng tàu vào tránh trú gần 800 chiếc, trong khi thiết kế chỉ có 432 chiếc. Giờ âu thuyền cạn khó khăn cho tàu ra vào, quay đầu khi thủy triều xuống, khi có lụt bão thì tàu có công suất trên 300CV di chuyển rất khó khăn, có khi bị thiệt hại do mắc cạn. Hiện nay tàu cá trên 300CV chưa có KNĐ TTB”, ông Trần Đăng Thảo - Giám đốc BQL Cảng cá Sông Gianh cho biết.
Ngoài KNĐ TTB cửa Gianh thì KNĐ TTB cửa Ròon thiết kế chứa 282 tàu có công suất từ 200CV trở xuống. Đến nay, nhiều hạng mục xây dựng ở KNĐ TTB cửa Ròon chưa được hoàn thiện như hàng rào, phòng trực, nhà vệ sinh công cộng, nước sạch...
Ngoài các KNĐ TTB chưa đáp ứng với các tàu có công suất lớn, thì thực trạng các Cảng cá cũng quá tải, chưa đáp ứng kịp thời cho công việc bốc dỡ hàng hóa hải sản trên các tàu khi cập bến. Bởi vậy nhiều chủ tàu đã làm bến tạm, bến cóc hai bên sông Gianh và sông Nhật Lệ vừa để neo đậu tàu và kết hợp bốc dỡ, vận chuyển hàng hóa lên-xuống tàu.
“Cảng cá Sông Gianh được đầu tư 19 tỉ đồng và đưa vào sử dụng từ tháng 2/2001 đến nay. Cảng có 2 cầu cảng hình chữ T, một cầu dài 60m rộng 6m, một cầu dài 40m rộng 5m. Năng lực cập bến thiết kế 30 lượt/chiếc/ngày đêm cho tàu có công suất từ 150 CV trở xuống. Bởi vậy khi tàu trên 150 CV vào thì số lượng cập tàu sẽ giảm còn 4-6 chiếc/lượt. Chính vì thế các tàu khác phải xếp hàng để lần lượt vào cảng bốc dỡ là rất lâu, ảnh hưởng chất lượng hải sản.
Các hạng mục đưa vào sử dụng 16 năm nên đã xuống cấp như cầu cảng bị bung sắt sàn và trụ cọc, bị bồi lấp nhưng chưa một lần được nạo vét. Hệ thống đường sá sụt lún, gãy. Hệ thống điện thì mất an toàn, trong khi cấp nước sạch có nhưng quá yếu, cơ quan phải đi mua nước về dùng là chủ yếu” ông Thảo cung cấp.
Báo cáo tình hình khó khăn tại Cảng cá Sông Gianh và Cảng cá Nhật Lệ của Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Bình trong năm 2016. |
Báo cáo tình hình khó khăn tại Cảng cá Sông Gianh và Cảng cá Nhật Lệ của Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Bình trong năm 2016. |
Theo Quyết định số 1976/QQĐ-TTg ngày 12/11/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc quy hoạch hệ thống cảng cá và KNĐ TTB cho tàu cá đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 thì Cảng cá Sông Gianh được xếp vào cảng cá loại 1 thiết kế cho tàu 600CV với 130 lượt cập bến/ngày-đêm, và cảng cá Nhật Lệ được xếp loại 2 thiết kế 80 tàu công suất 600CV cập bến /ngày đêm.
Thế nhưng, việc đầu tư nâng cấp, mở rộng Cảng cá chưa thấy đâu, còn những ngư dân Quảng Bình đang ngày đêm trăn trở “tàu to thì lạch cạn” khó khăn trong việc cập bến và neo đậu tàu thuyền.