Quan hệ Việt - Mỹ: Ngày đẹp nhất của hai quốc gia
Chuyến thăm không chỉ cho thấy mối quan hệ đã được nâng lên một tầm cao mới mà còn khẳng định vị thế vô cùng quan trọng của Việt Nam trên trường quốc tế mà Hoa Kỳ không thể bỏ qua.
Giới chuyên gia Mỹ phấn khích
Đã 12 năm kể từ khi Hiệp định thương mại song phương Việt Nam – Hoa Kỳ (BTA) được ký kết, mối quan hệ giữa hai nước đã có những biến đổi đáng kể nhưng cùng với đó, tình hình thế giới cũng có những sự “xoay chiều” rất mạnh mẽ. Điển hình nhất là sự trỗi dậy của Trung Quốc và chính sách “xoay trục về châu Á” của Mỹ. Bối cảnh này đòi hỏi Việt – Mỹ cần có những điều chỉnh quan trọng. Chính vì thế, chuyến thăm của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang được cả hai nước và cộng đồng quốc tế đặc biệt quan tâm.
![]() |
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang hội đàm với Tổng thống Mỹ Barack Obama tại Nhà Trắng. |
Học giả Murray Hiebert, cố vấn cao cấp, Phó Giám đốc Chương trình Đông Nam Á tại Trung tâm nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) nhận định, chuyến thăm của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang có tầm quan trọng “lớn hơn tổng các thành tố của nó cộng lại”, với hàm ý rằng kết quả của chuyến thăm còn vượt cao hơn những kết quả, thỏa thuận cụ thể đạt được.
Ngay sau khi tuyên bố chung giữa Tổng thống Barack Obama và Chủ tịch Trương Tấn Sang được công bố, trong đó khẳng định hai nhà lãnh đạo đã nhất trí đưa quan hệ hai nước lên tầm “Đối tác toàn diện”.
Chuyên gia Enrnest Bower, cố vấn cấp cao, đồng thời là chuyên gia nghiên cứu về Đông Nam Á của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), đã nhận định đây là ngày đẹp nhất của mối quan hệ giữa hai quốc gia. Ông Bower nêu rõ chuyến thăm và những phát biểu của nguyên thủ hai nước cho thấy Việt Nam và Hoa Kỳ đã có lòng tin để xây dựng hợp tác, đưa quan hệ song phương lên một tầm cao mới với những tiến bộ trên nhiều mặt từ kinh tế tới an ninh, là bước đi đưa hai nước trở thành đối tác chiến lược toàn diện trong tương lai.
Với cùng quan điểm này, cựu Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Michael Michalak nhận xét mối quan hệ giữa hai nước trong những năm qua phát triển tốt đẹp và sắp tới sẽ còn tốt đẹp hơn. Theo ông Michalak, đối tác toàn diện là tầm hợp tác cần phải có giữa Việt Nam và Hoa Kỳ.
Về tác động của khuôn khổ hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, các chuyên gia có cùng nhận định đây sẽ là bước tiến lớn mang lại những kết quả tích cực cho hai nước nói riêng và cả khu vực nói chung.
Truyền thông hồ hởi
Sau buổi hội đàm giữa Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Tổng thống Obama, New York Times, một trong những tờ báo uy tín và lâu đời bậc nhất nước Mỹ đã có bài “Lãnh đạo Việt Mỹ cam kết quan hệ sâu sắc hơn”. Bài báo thậm chí còn nhấn mạnh hành động Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tặng Tổng thống Obama một bản sao bức thư Chủ tịch Hồ Chí Minh từng viết cho Tổng thống Harry S. Truman trong đó thể hiện mong muốn được thiết lập quan hệ thân thiết giữa hai nước.
“Đây là chuyến thăm đầu tiên của một nhà lãnh đạo Việt Nam tới Nhà Trắng dưới thời ông Obama, nó cũng tạo ra sự cộng hưởng chiến lược khá lớn với quyết tâm của Tổng thống nhằm tăng cường sự hiện diện của Mỹ ở khu vực châu Á trong thời gian tới”, New York Times viết.
![]() |
Đại diện Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đón Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tại sân bay quân sự Andrew. |
Cũng trong bài viết của mình, New York Times nói: “Nhà Trắng đang tìm cách tái khẳng định vai trò của Mỹ ở khu vực này, đàm phán cho một hiệp định thương mại tự do, thiết lập các đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) với Việt Nam và 8 quốc gia khác, trong đó không có Trung Quốc”.
Trong khi đó, trên tờ Washington Post trích lời Tổng thống Obama nói cuộc hội đàm với Chủ tịch nước Trương Tấn Sang là dấu hiệu của “sự tiến triển ổn định và tăng cường các mối quan hệ” giữa 2 nước sau một giai đoạn lịch sử phức tạp, bao gồm cả Chiến tranh Việt Nam.
Tổng thống Mỹ nói 2 nước đang trở thành “đối tác toàn diện” để theo đuổi những hợp tác sâu hơn trong nhiều lĩnh bực bao gồm thương mại, an ninh và nhiều vấn đề khác. Tờ Washington Post cũng trích lời Tổng thống Obama nói về bản sao bức thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói chuyện về mối quan tâm hợp tác với Mỹ. Và hôm nay, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang chỉ ra rằng, ngay cả sau khi bức thư được gửi 67 năm, chúng tôi vẫn đang hợp tác tốt và cùng nhau phát triển”.
Báo này nhấn mạnh, Tổng thống Obama đã nhận lời mời sang thăm Việt Nam của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và người đứng đầu nước Mỹ khẳng định sẽ “cố gắng hết sức” để đến Việt Nam trước khi kết thúc nhiệm kỳ tổng thống vào năm 2017.
Ngoài kinh tế, thương mại và quân sự, trong cuộc hội đàm với Tổng thống Obama, hai nhà lãnh đạo cũng đã đề cập tới vấn đề Biển Đông. Chính quyền Mỹ đã tỏ thái độ về việc Trung Quốc liên tiếp gây hấn với Việt Nam và một số nước trong khu vực đang còn tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông.
Tờ New York Times nói, chính quyền Mỹ khẳng định Bắc Kinh và các nước liên quan nên giải quyết các vấn đề chủ quyền theo luật quốc tế.
Sau BTA là TPP?
Một trong những trọng tâm của các cuộc hội đàm trong thời gian Chủ tịch nước Trương Tấn Sang ở Mỹ là tiến trình hoàn thành các cuộc đàm phán để tiến tới ký kết Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP). Theo chuyên gia Enrnest Bower, việc gia nhập TPP sẽ tạo ra “cú hích” cho kinh tế cả hai nước Việt Nam và Hoa Kỳ. Xuất khẩu và đầu tư giữa hai nước sẽ phát triển vượt bậc. TPP sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Hoa Kỳ bước vào thị trường Việt Nam cũng như giúp Việt Nam tiếp cận mạnh hơn nữa các thị trường khác nằm trong khối. Ông Enrnest Bower cũng khuyến khích các doanh nghiệp Việt Nam tăng cường khả năng cạnh tranh để sẵn sàng đón nhận cơ hội lớn này.
Đáng nói, chính Tổng thống Obama đã cam kết rằng, Hoa Kỳ sẽ trao cho Việt Nam quyền tiếp cận thị trường dệt may lớn hơn theo đàm phán TPP, một vấn đề mà trước đó giữa hai bên còn tồn tại nhiều căng thẳng.