Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng: Cần phải điều chỉnh quy hoạch nông nghiệp
Nông nghiệp là lĩnh vực được chọn để các ĐBQH chất vấn trong phiên chất vấn khai mạc sáng 13/06. Phát biểu sau phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng cho rằng, bên cạnh sự phát triển của ngành nông nghiệp thời gian qua, rõ ràng chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp còn hạn chế ở nhiều sản phẩm. Trong đó, tình trạng được mùa, mất giá diễn ra chưa có giải pháp hữu hiệu, ảnh hưởng lớn đến đời sống của người dân.
Nguyên nhân tình trang trên là do chất lượng quy hoạch của chúng ta chưa cao, chưa phù hợp với năng lực sản xuất, chưa gắn với nhu cầu thị trường. Thực tế, một số sản phẩm nông nghiệp hiện nay sản xuất vượt xa so với các chỉ tiêu quy hoạch đề ra, cà phê vượt 21,9%, cao su vượt 2%. Những dự báo trong quy hoạch còn thiếu chính xác, có quy hoạch cao hơn nhu cầu thị trường như chăn nuôi. Quy hoạch nhưng không đúng với thực tế, sản xuất chưa đạt yêu cầu quy hoạch nhưng vẫn không tiêu thụ được sản phẩm.
“Chúng ta cần phải điều chỉnh quy hoạch”, Phó Thủ tướng khẳng định. “Công tác tổ chức thực hiện quy hoạch còn nhiều hạn chế, tình trạng đầu tư vượt quy hoạch, đầu tư theo phong trào rất phổ biến. Hệ thống hạ tầng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp như nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi, trồng trọt, hạ tầng phục vụ cho công nghiệp dịch vụ ở nông thôn đầu tư chưa đạt yêu cầu đề ra”.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng trả lời chất vấn làm rõ những vấn đề các ĐBQH quan tâm. |
Phó Thủ tướng cũng chỉ ra những nguyên nhân gây nên tình trạng trên gồm: “Vốn đầu tư khó khăn; tổ chức sản xuất nông nghiệp còn nhiều bất cập; diện tích đất canh tác bình quân theo đầu người rất thấp; quy mô sản xuất vừa nhỏ, vừa manh mún, chủ yếu là kinh tế hộ gia đình”.
Những nguyên nhân trên gây cản trở việc đưa công nghiệp, KHCN vào trong nông nghiệp . Công nghiệp chế biến phát triển chậm, ứng dựng KHCN vào sản xuất chưa được chú trọng, phát triển thị trường, xây dựng nông sản cho thị trường VN còn hạn chế.
Cũng theo Phó Thủ tướng, một số thị trường chính của nông sản VN thiếu ổn định; quản lý nhà nước trong đó có cơ chế chính sách chậm được điều chỉnh. Do đó, cần có dự báo tổng thể nâng cao sức cạnh tranh của nền nông nghiệp VN, trong đó có sự cạnh tranh của các sản phẩm nông nghiệp.
Trước đó, trong phần chất vấn Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP.HCM) đã “truy” trách nhiệm của cá nhân Bộ trưởng và ngành nông nghiệp đối với đời sống của người nông dân.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng trách nhiệm không chỉ thuộc về cá nhân Bộ trưởng hay ngành nông nghiệp, trách nhiệm thuộc về “cả hệ thống chính trị”.
Tuy nhiên, ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm không đồng tình với câu trả lời trên khi cho rằng đây là phiên chất vấn Bộ trưởng, nên Bộ trưởng phải trả lời về trách nhiệm của Bộ trưởng. Vai trò của cả hệ thống chính trị là đương nhiên. Đảng và nhà nước đã có nhiều chính sách chăm lo cho nông nghiệp, nông dân. Cử tri muốn Bộ trưởng trả lời về trách nhiệm của Bộ trưởng.
“Tôi gặp nhiều bà con nông dân và tôi có cảm nhận chúng ta ứng xử với vấn đề nông nghiệp, nông dân và nông thôn còn lúng túng. Cái gì dễ chúng ta làm, còn cái gì khó thì Bộ NN&PTNT chưa có giải pháp tập trung và chưa có đột phá,” ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm thẳng thắn.
“Vấn đề khó nhất hiện nay là khâu tổ chức sản xuất” ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm nói tiếp, “tôi đã nghe một đồng chí Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp trả lời trên truyền hình rằng việc sản xuất mà không tiêu thụ được dẫn đến dư thừa là do bà con nông dân chạy theo phong trào, thấy cái gì có lợi thì làm. Tôi nghĩ rằng mình phải thấy đó là điều trăn trở và tôn trọng người nông dân. Người nông dân cần cù, lo làm để lo cuộc sống cho mình chứ không đợi nhà nước lo. Trong khi đó, mình không làm đầy đủ trách nhiệm của mình lại cho rằng dư thừa là tại nông dân thấy cái gì có lợi thì làm. Phát biểu đó là thiếu trách nhiệm”.