Phía Nam: Gần 2000 vụ khiếu nại tiêu dùng năm 2011
Phía Nam: Gần 2000 vụ khiếu nại tiêu dùng năm 2011
Gần 90% đơn khiếu nại được giải quyết thành công.
Chỉ riêng Văn phòng phía Nam của Vinastas đã có tới 178 vụ, tăng hơn 20 vụ so với năm 2010 và hơn 1.000 vụ phản ánh qua điện thoại.
Giải quyết khiếu nại ở VPPN Vinasta
Trong đó, khiếu nại chất lượng hàng hóa, sản phẩm ô tô, xe gắn máy vẫn là “điểm đen” khi có đến hơn 30 đơn phản ánh, với các lỗi tự bốc cháy, trục trặc kỹ thuật. Kế đến là các loại máy móc, thiết bị, đặc biệt các sản phẩm điện tử gia dụng với 27 trường hợp.
Riêng về phần dịch vụ, năm 2011 có thêm mảng mới đang “làm mưa làm gió” bị người tiêu dùng “soi” là hình thức mua hàng theo nhóm qua mạng internet, và Vinastas đã nhận hơn chục đơn thư phản ánh.
Cụ thể, anh Nguyễn Duy ở đường Tân Kỳ Tân Quý, P.Tân Sơn Nhì, Q. Tân Phú mua điện thoại Nokia E72 giá 3,8 triệu đồng trên diễn đàn 5giay.vn. Do tin tưởng, anh chỉ kiểm tra qua loa để rồi khi người bán vừa đi khỏi, kiểm tra lại thì thấy phần đèn flash của bô phận chụp hình không lên, jack cắm tai nghe lỏng không hoạt động… Lên mạng kiểm tra bảo hành thì hàng đã hết hạn bảo hành. Chưa hết, đem máy lên Nokia Care kiểm tra thì được biết thẻ bảo hành là thẻ giả, máy có dấu hiệu bị cạy sửa.
Quảng cáo bán hàng qua internet ngày càng phức tạp
Chị Lê Thị Mỹ ở tận Gia Lai mua điện thoại “xách tay” qua mạng. Sau khi đã chuyển tiền cả chục triệu đến địa chỉ thì nhận được một chiếc điện thoại “dỏm” của Trung Quốc. Tìm người bán thì chỉ gặp địa chỉ và cả số điện thoại “ma”.
Bà Đào Thị Cúc, Phụ trách Văn phòng Khiếu nại phía Nam Vinastas cho biết: “Hiện nay, những website mua bán theo hình thức này đang quảng cáo rất mạnh và thu hút được nhiều khách hàng tham gia. Tuy nhiên, theo đơn thư của khách hàng, một số đơn vị kinh doanh đã sử dụng nhiều chiêu bài, ngụy tạo qua những con số quảng cáo “khủng” để “giăng bẫy” NTD”. Hình thức mua hàng theo nhóm khá phổ biến và được ưa chuộng trên thế giới, nhưng khi du nhập vào Việt Nam đã phần nào bị biến tướng.
Thông tin đăng tải trên nhiều website thiếu chính xác, kèm theo khoản thời gian đăng ký có hạn khiến khách hàng nháo nhào tham gia mà chưa kịp tìm hiểu kỹ thông tin. Để tránh bị thiệt thòi, NTD nên dành thời gian tìm hiểu kỹ hàng hóa, từ xuất xứ, tính năng, chất lượng đến thông tin khuyến mãi… Đặc biệt, việc mua bán nên xuất phát từ nhu cầu cá nhân thay vì “chạy theo đám đông”, ham giá rẻ...
Ngoài ra, tình trạng xâm phạm diễn ra phổ biến tại các doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa. Mỗi khi có khiếu nại thì DN thường chây ì, thậm chí có những trường hợp Văn phòng phải chuyển 2 đến 3 lần đơn, DN vẫn không “nhúc nhích”.
Đáng lo ngại là các hành vi vi phạm đang rất phổ biến, đa dạng và ngày càng tinh vi, phức tạp. Nhiều hành vi vi phạm mà NTD rất khó nhận biết được. Những hành vi này không những vi phạm nghiêm trọng đến quyền lợi NTD mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động kinh doanh của các DN chân chính.
Kiểm tra xuất xứ, nhãn hiệu hàng hóa trước khi mua
Theo ông Trần Hiệp Thương, Phó Trưởng đại diện Cục Quản lý Cạnh tranh tại TP.HCM, sau gần 5 tháng Luật Bảo vệ quyền lợi NTD chính thức có hiệu lực, tình hình khiếu nại của NTD vẫn chưa có chuyển biến đáng kể. Tuy nhiên, Luật mới vẫn được kỳ vọng sẽ là bước ngoặt mới. Hiện các cơ quan hữu quan đang tổ chức tuyên truyền, phổ biến sâu rộng luật này đến người dân với rất nhiều hình thức.
trần nhã