Phát triển kinh tế hộ gia đình ở Đại Lịch
Lúa nếp - một trong những đặc sản của Yên Bái (Ảnh: enbac) |
Năm 2011, huyện Văn Chấn bắt đầu khởi động chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới và nhanh chóng triển khai trên tất cả 28 xã trong đó ưu tiên làm thí điểm ở 6 xã Phù Nham, Thanh Lương, Sơn A, Thượng Bằng La, Tân Thịnh và Đại Lịch. Sau gần 5 năm thực hiện, chương trình đã đem lại một diện mạo mới khá toàn diện, góp phần thúc đẩy nhanh quá trình phát triển kinh tế xã hội tại địa phương trong đó phát triển kinh tế hộ gia đình hướng đi chính trong xây dựng nông thôn mới là một điển hình.
Những năm trước đây, mọi điều kiện về kinh tế, văn hóa xã hội của Đại Lịch còn gặp nhiều hạn chế, đặc biệt do giao thông đi lại khó khăn nên việc giao thương hàng hóa, tiêu thụ các sản phẩm nông lâm thủy sản của người dân cũng vì thế mà chưa có sự phát triển. Tuy nhiên, từ khi thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, xã đã xây dựng đề án, vận động nhân dân hiến đất làm đường, tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nâng cao năng xuất cây trồng, vật nuôi tạo hướng phát triển kinh tế nhất là phát triển theo mô hình kinh tế tổng hợp hộ gia đình.
Anh Trần Văn Phùng ở thôn 10 xã Đại Lịch cho biết: Trước đây đời sống của gia đình anh gặp rất nhiều khó khăn do chưa tìm được hướng đi phù hợp trong phát triển kinh tế. Từ năm 2006, qua tìm hiểu những mô hình có cách làm hay và đem lại hiệu quả anh nhận thấy cây cam sành là cây trồng đem lại hiệu quả kinh tế cao. Sau khi học hỏi, tìm hiểu kỹ lưỡng về quy trình chăm sóc cây cam, anh đã dành 1,5 ha vườn đồi của gia đình để trồng cam gồm các loại cam sen, cam sành, cam Vinh. Nhờ áp dụng đúng các biện pháp kỹ thuật nên mỗi năm gia đình anh cũng có thu nhập hơn 100 triệu đồng từ cây cam. Ngoài ra, tận dụng diện tích rừng của gia đình, anh chị cải tạo lại và dành 2 ha để trồng keo và bồ đề, mỗi năm cũng đem lại nguồn thu nhập trên 30 triệu đồng.
Sau khi phát triển kinh tế đồi rừng mang lại hiệu quả kinh tế, có vốn anh chị bàn nhau đầu tư nuôi thêm gà. Với cách nuôi chủ yếu dùng ngô, sắn và thóc làm thức ăn nên đàn gà của anh chị có chất lượng cao vì thế mà thương lái thường đến tận nơi thu mua.
Cũng giống như gia đình anh Trần Văn Phùng, gia đình chị Hà Thị Thủy thôn 6, xã Đại Lịch chọn hướng phát triển kinh tế theo mô hình tổng hợp để nâng cao thu nhập cho gia đình.
Xuất thân từ gia đình thuần nông, tuy nhiên, do không nắm vững được kỹ thuật lại chưa có nhiều kinh nghiệm nên thu nhập bấp bênh. Năm 1995, anh chị quyết định phá bỏ diện tích cà phê được trồng trước đó để đầu tư vào trồng các giống cây lâm nghiệp cho hiệu quả kinh tế như keo, bồ đề và cây mỡ. Đến nay, với 5 ha cây rừng khai thác luân phiên mỗi năm cũng đem về cho anh chị thu nhập 40–50 triệu đồng.
Kết hợp với trồng rừng chị dành 1 ha, mua giống cam sành về trồng thử. Để cây cam phát triển, chị Thủy cùng chồng thường xuyên tìm hiểu thông tin trên sách báo, truyền hình về cách trồng cũng như chăm sóc cây cam sao cho hiệu quả, nhờ đó mà vườn cây của gia đình anh chị luôn phát triển xanh tốt. Thêm vào đó, năm 2005 anh chị mua 200 con gà giống Ri lai chọi về nuôi. Sau gần 5 tháng nuôi mỗi lứa gà từ 400 – 600 con của anh chị đều phát triển khỏe mạnh, tỷ lệ sống đạt hơn 95% mỗi năm cũng đem lại cho gia đình anh chị nguồn thu 70 – 80 triệu đồng. Ngoài ra, tận dụng lợi thế đất đai của gia đình, anh chị đầu tư vào đào ao thả cá. Với 2000m2 diện tích ao nuôi, anh chị nuôi ghép cá chép, cá trắm cỏ , rô phi và cá mè. Do chủ động được nguồn nước lại có sự đầu tư chăm sóc nên cá lớn nhanh mỗi năm cho thu lãi trên 40 triệu đồng.
Thông qua cách phát triển kinh tế tổng hợp theo hộ gia đình người dân trên địa bàn xã từng bước được thay đổi về tư duy, bỏ đi các tập tục canh tác lạc hậu, mở rộng các mô hình phát triển sản xuất, chăn nuôi trồng trọt theo hướng hàng hóa, mang lại hiệu quả kinh tế ngày một cao. Từ đó góp phần vào việc hoàn thiện dần tiêu chí thu nhập, là một trong những tiêu chí khó thực hiện tại xã Đại Lịch.
Nhìn lại chặng đường xây dựng nông thôn mới của xã Đại Lịch có thể thấy tinh thần đoàn kết, nỗ lực vượt khó vươn lên của cấp ủy, chính quyền và nhân dân. Đến nay xã Đại Lịch đã hoàn thiện được 11/19 tiêu chí, đối với những tiêu chí chưa thực hiện được ngoài việc nỗ lực của chính quyền địa phương, sự đóng góp của nhân dân rất cần có sự hỗ trợ, đầu tư của nhà nước như giao thông, cơ sở vật chất văn hóa, chợ nông thôn. Trong thời gian tiếp theo, xã Đại Lịch sẽ tiếp tục tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức của nhân dân trong bảo vệ môi trường, huy động mọi nguồn lực để hoàn thiện về cơ sở vật chất, chuyển đổi mô hình sản xuất sao cho hiệu quả, đào tạo nghề cho lao động nông thôn và có những giải pháp phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Mục tiêu đặt ra hết năm 2015 xã Đại Lịch sẽ hoàn thiện thêm 3 tiêu chí là tiêu chí về trường học, tiêu chí chợ nông thôn và tiêu chí về thu nhập.