Phát tán mail "bêu xấu" để đòi nợ có bị gọi là tống tiền?
Xin luật sư tư vấn cho em mấy vấn đề sau: Cách đây không lâu, em cho bạn cùng học vay 30 triệu, không giấy tờ, bạn hứa về sẽ nhờ người thân chuyển trả nợ. Sau đó bạn ấy bị đuổi học phải về quê. Em được biết bạn đó chuẩn bị đi nước ngoài. Em có gọi điện đòi nợ và ghi âm đoạn băng này.
Em dự định làm như sau:
Trường hợp thứ nhất, em muốn kiện người bạn này em có thể kiện được không?
Trường hợp thứ 2, em định gọi điện cho bố anh ta đòi tiền và nói rằng nếu không trả tiền cho em thì em sẽ viết mail kể lại sự tình con ông ta quỵt nợ của bạn bè, học hành không đến nơi đến chốn cho tất cả những người cùng làm cơ quan của ông ta (ông ta làm ở một cơ quan nhà nước). Vậy nếu em làm thế có bị coi là tống tiền không?
Chân thành cảm ơn luật sư!
Độc giả Nguyễn Thành Phong (Văn Yên, Yên Bái)
Ảnh minh họa |
Dưới đây là nội dung tư vấn của luật sư Nguyễn Kiều Hưng, Hãng luật Giải Phóng (Đoàn Luật sư Tp.HCM):
Chào bạn!
Đối với vướng mắc của bạn chúng tôi xin đưa ra một số ý kiến tư vấn như sau:
1. Nếu thông qua nội dung đoạn băng ghi âm chứng minh được có giao dịch vay tiền giữa bạn và người kia thì bạn có thể khởi kiện ra tòa án nhân dân quận huyện nơi người vay tiền cư trú để đòi lại tiền.
Bạn có thể làm đơn yêu cầu tòa án ngăn chặn việc xuất cảnh của người vay tiền.
2. Hành vi bạn dự định làm đối với bố của người vay tiền có dấu hiệu của tội cưỡng đoạt tài sản. Đồng thời bạn cũng cần lưu ý người vay tiền bạn ở đây không phải là ông ta, ông ta không có trách nhiệm đối với khoản vay do con trai ông ta (đã thành niên) thực hiện.
Bạn tham khảo quy định sau:
Điều 135. Tội cưỡng đoạt tài sản – Bộ luật hình sự được sửa đổi bổ sung năm 2009
1. Người nào đe doạ sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Tái phạm nguy hiểm;
d) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng;
đ) Gây hậu quả nghiêm trọng.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm:
a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng;
b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm:
a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên;
b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.