Từ vụ án oan ông Nén: Còn báo cáo án, án bỏ túi, họp 3 ngành… vẫn oan sai?

Nhiều luật sư cho rằng, từ vụ án oan ông Chấn, ông Nén, ngoài nguyên nhân từ con người, có những nguyên nhân từ cách tiến hành tố tụng. Cần loại bỏ những vấn đề tồn tại như báo cáo án, án chuẩn bị sẵn, họp 3 ngành thì mới giảm được những vụ án oan.

Trong bài trước, Cựu thẩm phán, luật sư Phạm Công Út, Trưởng Vp Luật sư Phạm Nghiêm (Đoàn luật sư Tp HCM) đã chỉ ra một trong những nguyên nhân dẫn đến những vụ án oan sai. Đó là không áp dụng nghiêm túc, đầy đủ nguyên tắc suy đoán vô tội. Có người tiến hành tố tụng lại có tư duy “suy đoán có tội” mà loại bỏ những chứng cứ gỡ tội cho người bị tình nghi kiểu "chỉ có mi, không có ai khác".

Để chỉ ra tất cả các nguyên nhân oan sai thì có khá nhiều, nhưng có thể nói đóng một phần không nhỏ cùng với “tư duy suy đoán có tội”, việc "thiếu tính độc lập" giữa người tiến hành tố tụng, cơ quan tiến hành tố tụng với nhau khá rõ. Vì không độc lập nên “khi đã suy đoán có tội” sai lầm thì hệ quả sẽ sai lầm từ đầu đến cuối.

Từ vụ án oan ông Nén: Còn báo cáo án, án bỏ túi, họp 3 ngành… vẫn oan sai? - ảnh 1

Luật sư Phạm Công Út và ông Huỳnh Văn Nén (Ảnh Vnexpress)

Phần tiếp theo trong bài trả lời phỏng vấn của Infonet, cựu thẩm phán, Luật sư Phạm Công Út sẽ tiếp tục lý giải và chỉ rõ hiện tượng họp 3 ngành, báo cáo án... án chuẩn bị trước. Dưới đây là phần trao đổi với ông.

Thưa luật sư, trong bài trước, luật sư đã chỉ ra nguyên nhân gây oan sai là nhận thức "suy đoán có tội" khiến cho một số người tiến hành tố tụng "chủ quan" quá tự tin vào chứng cứ thu thập được. Ngoài nguyên nhân đó ra, nhiều người cho rằng sự "thiếu độc lập tiến hành tố tụng" cũng là ""thủ phạm" gây oan sai, ý kiến của luật sư như thế nào?

Điều 130 Hiến Pháp quy định “Khi xét xử, Thẩm phán và Hội thẩm độc lập và chỉ tuân theo pháp luật”. Cũng tại điều 16 Bộ luật tố tụng hình sự cũng nhắc lại quy định nguyên tắc: “Khi xét xử, Thẩm phán và Hội thẩm độc lập và chỉ tuân theo pháp luật”.

Thực tiễn xét xử cho thấy, nguyên tắc Hiến định và luật định này trước đây và hiện nay vẫn còn nhiều biểu hiện vi phạm. Đâu đó có hiện tượng xâm phạm vào hoạt động tư pháp xét xử của Hội đồng xét xử bằng nhiều cách thức tác động vào kết quả diễn biến tại phiên tòa, áp đặt lên phần phán quyết của Hội đồng xét xử. Điều này khiến cho lời kêu oan của bị cáo không được tòa chú tâm đến, vì những lời kêu oan đó khác với các bản cung của bị cáo trước đây và các tình tiết chứng cứ khác mà cơ quan điều tra đã thu thập được trong quá trình điều tra có trong hồ sơ vụ án.

Hội đồng xét xử cũng có thể bất chấp những chứng lý và luận cứ gỡ tội của luật sư trong phần tranh luận tại phiên tòa, cho dù các lập luận ấy có chỉ ra hàng chục, hoặc vài chục điểm mơ hồ trong các chứng cứ buộc tội bị cáo để chứng minh rằng bị cáo bị truy tố oan, sai. Hội đồng xét xử không phải chỉ vì chủ quan, mà có thể do những tác động “ngoại lực” mang tính chỉ đạo, không chỉ riêng về nghiệp vụ, kinh nghiệm xét xử trong vai trò quản lý của cấp trên, hoặc của đồng nghiệp trong cùng cơ quan tòa án hoặc cơ quan tòa án trên một cấp, ở đó còn có những chỉ đạo về đường lối xét xử, nghĩa là đã được ấn định trước là có tội hay không có tội, thậm chí xử án treo hay án giam, xử tù với thời gian bao lâu, thậm chí xử tù có thời hạn hay không thời hạn, tử hình hay không tử hình…

Điều đó giống như phương pháp “cầm tay chỉ việc” cho thẩm phán chủ tọa phiên tòa, nhưng các thành viên khác trong hội đồng xét xử dù không phụ thuộc trực tiếp vào sự chỉ đạo mang tính “bí mật công tác” này cũng thường tin tưởng vào chủ tọa phiên tòa mà không sử dụng quyền độc lập xét xử của mình, từ đó dẫn đến oan sai. Nhưng thường thì oan, sai là gánh nặng hậu quả đối với thẩm phán chủ tọa phiên tòa chứ ít khi có biện pháp chế tài hoặc trừng phạt đối với các thành viên trong hội đồng xét xử còn lại.

Chính điều đó cho thấy, quy định“Khi xét xử, Thẩm phán và Hội thẩm độc lập và chỉ tuân theo pháp luật” phản ánh sự không độc lập và nhằm ngăn chặn sự không độc lập trong xét xử. Bởi vì, họ không hoàn toàn độc lập, không hoàn toàn tuân theo pháp luật, mà phải tuyệt đối phục tùng sự chỉ đạo của lãnh đạo hoặc tòa chuyên trách trên một cấp nếu không muốn gặp rắc rối trong quá trình tái bổ nhiệm thẩm phán theo định kỳ.

Luật sư có lý giải gì về mối quan hệ nhân quả giữa "sự độc lập” của các cơ quan tố tụng, người tiến hành tố tụng với tính khách quan của vụ án?

Đây là câu hỏi khó mà tôi cho rằng, để lý giải về điều này thì không thể tóm gọn trong một bài phỏng vấn. Tôi chỉ có thể phát biểu rằng, việc thu thập chứng cứ theo quy định hiện hành mang tính “độc quyền” của cơ quan điều tra. Những chứng cứ buộc tội thì rõ ràng, những chứng cứ chứng minh vô tội có thể bị… loại ra khỏi hồ sơ vụ án, các cơ quan còn lại của quy trình tố tụng này chỉ có nhiệm vụ chuyển đơn khiếu nại hoặc các chứng cứ khác của người khiếu nại cung cấp (người bị tố cáo, bị can, bị cáo, luật sư…) về một đầu mối là cơ quan điều tra. Từ đó, hiện tượng “tin tưởng” vào cơ quan điều tra cũng hình thành. 

Do đó, cơ quan điều tra làm oan thì Viện kiểm sát cũng có thể truy tố oan, và tòa án xét xử oan, tất cả có thể theo sự chủ quan theo suy đoán có tội hình thành từ khâu điều tra. Khó có thể phá rào để tòa án chủ động tuyên bố một người vô tội ngay tại phiên tòa, mà hội đồng xét xử phải trả hồ sơ để điều tra bổ sung nhằm thu thập củng cố lại các chứng cứ buộc tội. Nếu không đủ chứng cứ buộc tội thì cơ quan điều tra hoặc Viện kiểm sát phải đình chỉ vụ án, đình chỉ bị can.

Có thông tin cho rằng, hiện tượng báo cáo án, chuẩn bị sẵn bản án trước ngày xét xử hay còn gọi là "án bỏ túi" đã và đang tồn tại. Luật sư nhận định gì về thông tin này?

Không khó gì để tìm ra những bằng chứng về việc có hiện tượng báo cáo án, ngay trong các bài báo, văn bản quy phạm pháp luật. Như, ở Hà Nội, Chánh án TAND thành phố Hà Nội – ông Nguyễn Đức Bình cũng từng ra quyết định số 13/QĐ-CA ngày 23/1/2013 ban hành quy định “Báo cáo nghiệp vụ xét xử, giải quyết các vụ án hình sự, vụ việc dân sự và các khiếu kiện hành chính…” một số tỉnh khác cũng có quy chế làm việc, trong đó có cả danh mục quy định hầu hết các loại án mà thẩm phán chủ tọa phiên tòa phải báo cáo án trước khi xét xử.

Thậm chí, năm 2010, thẩm phán N.C.C (TAND tỉnh Khánh Hòa) đã bị phê bình vì qua kiểm tra tất cả hồ sơ vụ án mà thẩm phán C. đã xét xử trong sáu tháng cuối năm 2010 thì có sáu vụ vi phạm nội dung không thực hiện đúng “Quy chế hoạt động nghiệp vụ” của TAND tỉnh Khánh Hòa về việc phải báo cáo cho chánh án trước khi xét xử.

Đó là những sự việc được biết đến, còn những đơn vị tòa án khác thì cũng không tránh khỏi trường hợp thẩm phán chủ tọa phiên tòa phải báo án từ cấp tỉnh, thành phố đến cấp quận, huyện. Vì quy chế cấp quận, huyện được ban hành dựa theo mẫu quy chế của tòa án cấp tỉnh, thành trên một cấp của mình.

Từ vấn đề báo án đó, kết quả xử lý bản án đã có thì hiện tượng án viết sẵn, còn được giới báo chí gọi là “án bỏ túi” cũng xuất hiện.

Không ít người thấy rằng, phần nghị án của Hội đồng xét xử chỉ nhoáng 15 phút là ra tuyên một bản án dài hàng giờ đồng hồ. Nghiệt nhất là, trong phần nhận định của bản án chẳng hề thấy một dòng chữ nào về lời bào chữa của các luật sư hoặc tự bào chữa của bị cáo tại phiên tòa.

Cụ thể, vụ án oan ông Huỳnh Văn Nén có một dấu hiệu bất thường khi vi phạm tố tụng đó là "bản án dẫn cáo trạng cũ, không có trong hồ sơ". Có người cho rằng đó là dấu hiệu của án chuẩn bị trước. Luật sư nhận định gì về chi tiết này?

Về hình thức thì đây là dấu hiệu vi phạm thủ tục tố tụng, vì nếu bản Cáo trạng sau khác về nội dung với bản cáo trạng trước thì hội đồng xét xử phải căn cứ bản Cáo trạng sau để xét xử. Nếu bản Cáo trạng sau không khác với bản cáo trạng trước về nội dung thì không ảnh hưởng nghiêm trọng đến kết quả xét xử thì không vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng. 

Chính vì điều đó, vụ án Huỳnh Văn Nén bị oan cũng do một phần tòa án thiếu cẩn trọng trong việc xét xử của mình, xét xử theo bản cáo trạng cũ không có trong hồ sơ vụ án.

Vậy còn hiện tượng họp 3 ngành trước khi ra quyết định truy tố, xét xử. Có hiện tượng này không thưa luật sư?

Theo tôi, điều này là sự nhức nhối của hoạt động tư pháp tồn tại vốn có từ thời kỳ cách mạng “Cải cách ruộng đất” và hiện vẫn duy trì đến ngày nay. Đó là việc lãnh đạo ba cơ quan Công an, VKS và Tòa án thường có sự phối hợp liên ngành để họp bàn đưa ra các vụ án điểm, nhất là việc phải bàn bạc thống nhất về các vụ án cần phải “xét xử lưu động” hay xét xử tại trụ sở tòa án.

Trong đó, từ hồ sơ của những vụ án trọng tâm tại địa phương được đưa ra để thống nhất về tội danh, khung hình phạt. Nhưng dù các cơ quan này có thống nhất gì đi nữa thì không thể tránh được việc xử oan đối với những vụ án mang tính trọng điểm đó. Do đó, cá nhân tôi mong muốn, tương lai sau này hoạt động xét xử ở nước ta sẽ không còn những cuộc họp liên ngành, chỉ đạo án.

Để nói khái quát nhất điểm ra các nguyên nhân dẫn đến oan sai về mặt nhận thức và pháp luật, luật sư sẽ đưa ra những nguyên nhân nào?

Nguyên nhân đầu tiên là con người, thứ hai là cơ chế. Về con người, theo tôi, đầu vào trong khâu tuyển dụng cán bộ thực thi trong ba ngành điều tra, kiểm sát, xét xử phải có quy chế tuyển chọn gắt gao người có tài, có đức.

Hiện nay, tôi thấy rằng các cơ quan công an, viện kiểm sát và tòa án đã mở ra và thoáng hơn rất nhiều so với trước đây về việc thay mới nhân sự thế hệ trẻ vào bằng các cuộc thi tuyển gắt gao. Đó là điều đáng mừng. Nhưng về cơ chế thì cần tuyệt đối chấm dứt tình trạng bắt buộc phải báo án, phải họp liên ngành, phải xét xử lưu động…

Đó là những mặc định, định kiến có sẵn dẫn đến án bỏ túi, vô hiệu hóa hoạt động bào chữa của luật sư tại tòa, giẫm đạp lên Hiến pháp và pháp luật. 

Vừa rồi Phó Chánh án TAND tối cao Nguyễn Sơn cũng có phát biểu: “Chúng tôi đã cố gắng xây dựng tòa án sơ thẩm đặt tại tòa án cấp huyện, tòa án cấp tỉnh, tòa cấp cao và TAND tối cao để độc lập trong xét xử. Hiện nay, ngành cũng đang xây dựng quy chế nghiêm cấm trong một tòa án, lãnh đạo tác động đến hoạt động xét xử; không đề cập đến vấn đề quản lý lãnh đạo liên quan đến nội dung vụ án, mà chỉ quy định về thời hạn, chấp hành pháp luật của thẩm phán trong quá trình giải quyết vụ án”. 

Không chỉ riêng tôi, tôi nghĩ rằng đa số người dân trong nước có quan tâm đến hoạt động xét xử đều mong muốn bản quy chế này sớm thành hiện thực.

Xin cảm ơn luật sư!

Luật sư Trương Anh Tú (Đoàn luật sư Tp Hà Nội): hiện tượng họp ba ngành (CQĐT, VKS, TA) là rất đáng quan ngại.

 Một số người cho rằng họp ba ngành là điều rất tốt, nó giúp cho việc thống nhất quan điểm giữa các cơ quan tiến hành tố tụng (THTT), trao đổi, phản biện về nội dung vụ án nhất là vấn đề có tội hay không có tội. Tuy nhiên, điều này dẫn đến tình trạng chủ quan, thậm chí vô hình trung đã áp đặt quan điểm tập thể lên cá nhân người THTT, dẫn đến hậu quả khôn lường như các vụ án vườn điều, Nguyễn Thanh Chấn, Huỳnh Văn Nén (các vụ án này thường đã họp ba ngành). Cần xóa bỏ hiện tượng họp 3 ngành để tuyệt đối tuân thủ nguyên tắc: độc lập và chỉ tuân theo pháp luật.

 Luật sư Trần Minh Hùng (Đoàn Luật sư Tp HCM): Tư duy "suy đoán có tội" của người tiến hành tố tụng và sự "thiếu độc lập giữa các cơ quan tiến hành tố tụng" là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến oan sai.

Luật sư Hùng lý giải, Bộ luật Tố tụng hình sự đã có quy định nguyên tắc suy đoán vô tội. Tuy nhiên, các cơ quan tố tụng và người tiến hành tố tụng không mạnh dạn hoặc chưa có thói quen, tập quán áp dụng nguyên tắc này mà ngược lại những cơ quan tố tụng và người tiến hành tố tụng luôn áp đặt nghi can là người có tội dù mới bị tạm giữ, tạm giam...

Tương tự như vậy, với vấn đề độc lập xét xử, Luật sư Hùng cho rằng, các cơ quan tiến hành tố tụng là Cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát và Tòa án đều độc lập trong điều tra, truy tố và xét xử. Mục đích của nguyên tắc này là bảo đảm sự khách quan, minh bạch, bảo đảm pháp chế, tránh oan, sai sót trong điều tra, truy tố, xét xử...  Tuy nhiên, trong thực tế có nhiều vụ án tính độc lập này chưa được thể hiện nghiêm túc và chặt chẽ, thậm chí các cơ quan này giải quyết theo hướng rập khuôn của cơ quan trước đó mà không đưa ra được luận điểm, chứng cứ, quan điểm pháp lý riêng của mình trong vụ án cho nên dẫn đến tình trạng sai chồng sai cứ theo hồ sơ để điều tra, truy tố và xét xử.

Hồng Chuyên (thực hiện)

Ông chủ lĩnh án tội hiếp dâm, cô gái giúp việc tật nguyền lầm lũi rời tòa

Trong thời gian ở lại giúp việc nhà cho bị cáo Thủy, chị Q. đã bị ông chủ nhiều lần thực hiện hành vi hiếp dâm.

Huế: Bị CSGT truy đuổi, tài xế bỏ lại ô tô cùng gỗ lậu trốn vào rừng

Chở 26 phách gỗ đi tiêu thụ, khi bị lực lượng CSGT Công an tỉnh Thừa Thiên – Huế phát hiện, tài xế tăng ga bỏ chạy, đến đoạn đường vắng lập tức dừng và xuống xe chạy trốn vào rừng sâu.

Nghi án vợ sát hại chồng lúc nửa đêm ở Bà Rịa-Vũng Tàu

Sáng nay (6/3), Công an huyện Châu Đức đang phối hợp các đơn vị nghiệp vụ Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu khám nghiệm hiện trường, điều tra vụ án mạng xảy ra lúc nửa đêm.

Thanh Hóa: Điều tra cái chết thương tâm của một phụ nữ độc thân tại chòi canh rẫy

Khi không thấy người thân trở về, gia đình nạn nhân đi tìm thì phát hiện người này đã tử vong trên chòi canh rẫy với nhiều vết thương trên cơ thể.

Mang súng bút lên máy bay, 2 thanh niên bị khởi tố

Ngày 5/3, Công an TP Hải Phòng cho biết cơ quan điều tra vừa khởi tố 2 đối tượng vì liên quan đến việc mang súng dạng bút lên máy bay.

Người đàn ông đốt pháo dài hơn 50m trong đám cưới ở Hà Nội khai gì?

Sau bị cơ quan công an tạm giữ hình sự, đối tượng Trần Văn Khang, người đốt pháo trong đám cưới ở xã Phù Lỗ (Sóc Sơn, Hà Nội) khai nhận đã lên mạng xã hội đặt mua pháo của một người lạ mặt, được người bán chuyển về nơi tổ chức đám cưới.

Đồng Nai: Nam thanh niên nổ súng khi chuyển đồ giúp bạn gái, 1 người trúng đạn

Được nhờ tới chuyển đồ giúp một cô gái, Khải mang theo súng và xảy ra ẩu đả với người đàn ông thuê phòng trọ. Khi nạn nhân bỏ chạy, Khải nổ súng, viên đạn trúng một người khác gây thương tích.

Khởi tố vụ án, tạm giữ hình sự đối tượng đốt pháo trong đám cưới ở Hà Nội

Cơ quan Công an huyện Sóc Sơn (Hà Nội) vừa cho biết đã khởi tố vụ án và tạm giữ hình sự đối với Trần Văn Khang (40 tuổi, ở khối 12, xã Phù Lỗ, huyện Sóc Sơn, Hà Nội) để điều tra về hành vi gây rối trật tự công cộng.

Xử phạt thanh niên tung tin "lái xe đeo khẩu trang bị phạt 10 triệu đồng"

Ngày 4/3, Công an TP Hải Phòng cho biết vừa xử phạt 5 triệu đồng với thanh niên lên mạng xã hội tung tin "Từ ngày hôm nay, lái xe đeo khẩu trang bị phạt từ 10 triệu đồng".

Vụ con đánh chết cha ở Quảng Nam: Mâu thuẫn nhỏ, hậu quả lớn

Chiều 4/2, Công an tỉnh Quảng Nam cho hay đơn vị đang củng cố hồ sơ để khởi tố bị can đối tượng đánh cha ruột tử vong ở phường Hòa Hương, TP Tam Kỳ.

Đang cập nhật dữ liệu !