1 năm sau sự cố tai biến chạy thận: Phiên tòa vẫn dang dở, nỗi đau người ở lại

“Bây giờ các bị cáo có đi tù bao nhiêu năm đi chăng nữa, bệnh viện có bù đắp bao nhiêu tiền đi chăng nữa cũng không mang người thân chúng tôi trở về. Chúng tôi mất người, mất của, và mất hết. Chúng tôi suy sụp về tinh thần và sức khỏe”.

Đó là trải lòng của ông Đinh Văn Tính, bố đẻ của nạn nhân Đinh Thị Thu Hằng (SN 1981, trú tại xã Sủi Ngòi, TP Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình).

Chị Hằng là nạn nhân trẻ tuổi nhất trong số 9 nạn nhân tử vong sau sự cố y khoa ngày 29/5/2017 tại đơn nguyên Thận nhân tạo, Bệnh viện đa khoa (BVĐK) tỉnh Hòa Bình (sau đây gọi tắt là "Bệnh viện").

Ai bù đắp được nỗi đau cho gia đình tôi đây

Ngày hôm nay, 29/5/2018, tròn 1 năm kể từ ngày xảy ra sự cố hi hữu trong lịch sử ngành y. Cái chết của 9 nạn nhân và 9 người vẫn đang phải điều trị đã để lại bài học đau xót cho ngành y. Trong khi đó, phiên tòa xét xử 3 bị cáo liên quan đến sự cố này vẫn còn dang dở.

Kể về cô con gái duy nhất đã qua đời vì sự cố này, ông Đinh Văn Tính nói: “Buổi sáng hôm ấy, cháu vẫn còn kể cho mẹ nghe về chuyến đi du lịch nước ngoài. 2h sáng cháu đi du lịch nước ngoài về đến nhà, 7h sáng cháu tranh thủ đi chạy thận và còn hẹn mẹ “trưa về con kể tiếp”. Nhưng cháu đi mãi, không thấy về. Ai bù đắp được nỗi đau cho gia đình tôi đây?”

Ông Đinh Văn Tính, bố đẻ của nạn nhân Đinh Thị Thu Hằng.

Câu hỏi của ông Tính cũng chính là câu hỏi lớn nhất trong phiên tòa này. Với các gia đình nạn nhân, sự bù đắp về vật chất dù to lớn đến đâu cũng không thể làm họ nguôi ngoai. Có lẽ điều khiến họ nguôi ngoai phần nào chính là một phiên tòa công minh, xét xử đúng người, đúng tội và không bỏ lọt tội phạm.

Câu nói của người nhà các nạn nhân hẳn sẽ mãi ám ảnh những ai chứng kiến phiên tòa: “9 nạn nhân đã qua đời được 1 năm, nhưng họ chưa thể siêu thoát đâu vì hương hồn họ còn đang hiện diện tại phiên tòa này để nghe HĐXX phán xử như thế nào”.

Đã có tới 2 lần người nhà nạn nhân nói câu này với HĐXX.

Với các nạn nhân, họ chết một cách oan ức, họ bị bệnh nhưng không chết vì bệnh. Họ chết dưới mũi kim truyền lọc máu của BVĐK tỉnh Hòa Bình.

Ông Đinh Văn Tính tiếp tục kể về ký ức kinh hoàng của ngày này cách đây đúng 1 năm: “Chúng tôi đã nén nỗi đau, kìm chế nỗi bức xúc để không gây mất trật tự an ninh trong bệnh viện, để các bác sỹ tiếp tục cứu các bệnh nhân khác. Đó là tình người giữa những con người với nhau, và cũng là đảm bảo nghĩa vụ của công dân sống theo hiến pháp và pháp luật. Các gia đình chúng tôi bảo nhau không gây hấn, không đe dọa hay xúc phạm các y, bác sỹ. Đấy là nghĩa vụ của một người công dân Việt Nam”.

Người đứng đầu mà vô trách nhiệm thì không thể chấp nhận được!

Người nhà của 9 người ra đi - họ đã nén nỗi đau thương để hành xử một cách đúng đắn nhất có thể. Nhưng họ nhận lại được gì từ Ban lãnh đạo Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình?

“Điều khiến cho chúng tôi nhân bức xúc là suốt 3 tháng sau khi xảy ra sự cố y khoa, Ban lãnh đạo Bệnh viện, đứng đầu là ông Trương Quý Dương (nguyên Giám đốc BVĐK tỉnh Hòa Bình - PV) không hề có một lời chia sẻ, không một lời động viên, không một lời xin lỗi”, ông Đinh Văn Tính nói.

“Họ im lặng suốt 3 tháng liền. Đến bây giờ tôi còn chưa biết ông Dương mặt ngang mũi dọc như thế nào. Người đứng đầu mà vô trách nhiệm như thế thì không thể chấp nhận được”.

Người nhà các nạn nhân theo dõi phiên tòa trong phòng báo chí.

Nói về cách hành xử của người đứng đầu Bệnh viện, luật sư Trần Hồng Phúc (bào chữa cho bị cáo Hoàng Công Lương) đã kiến nghị HĐXX phải yêu cầu Bộ Y tế ban hành "bộ quy tắc ứng xử”, để mỗi khi có sự việc xảy ra, người đứng đầu phải biết tự trọng mà nhận trách nhiệm, không đổ tội lên đầu cấp dưới.

Đến ngày 15/9/2017, hơn 3 tháng sau khi xảy ra sự cố, BVĐK tỉnh Hòa Bình mới chính thức mời các gia đình đến để bàn về vấn đề bồi thường.

Các gia đình nạn nhân cho rằng Ban lãnh đạo Bệnh viện đã thờ ơ, xem nhẹ, coi thường gia đình họ, coi thường các nạn nhân bị tử vong. Thời điểm đó có 8 nạn nhân tử vong. Sau này có thêm nạn nhân thứ 9.

“8 nạn nhân tử vong, chúng tôi cảm giác họ bị coi như là 8 con gà, con vịt. Không thể chấp nhận được!”, ông Đinh Văn Tính chua xót nói.

Ông Tính khẳng định các gia đình nạn nhân đều có thiện chí thảo luận để đi đến thống nhất chung. Bởi với họ, Bệnh viện được xem như ngôi nhà thứ hai của các bệnh nhân chạy thận. Thực tế các bệnh nhân xem y, bác sỹ tại đơn nguyên Thận nhân tạo như người một nhà.

“Bệnh nhân coi các y, bác sỹ như anh em ruột thịt, bây giờ bao hình ảnh còn để lại rất nhiều, không thể quên được. Có những cuộc giao lưu, những buổi đi dã ngoại với nhau rất tình cảm. Chúng tôi rất biết ơn đơn nguyên Thận nhân tạo – khoa Hồi sức tích cực đã chăm sóc người nhà chúng tôi đến nơi đến chốn”.

Thế nhưng, Ban lãnh đạo Bệnh viện lại biến buổi gặp gỡ đó thành một cuộc mặc cả với các gia đình nạn nhân, điều này hẳn càng cọ sát sâu hơn vào nỗi đau của những người ở lại.

Cần phải thừa nhận, khi chưa có phán quyết của Tòa án nhưng Bệnh viện đã chủ động đề cập đến việc bồi thường là một động thái tích cực. Nhưng, diễn biến thực tế khiến người ta phải đặt câu hỏi về lòng trắc ẩn, sự thấu cảm của họ.

“Chúng tôi đã giải trình tất cả những việc chúng tôi đi mua bán, nhưng cuối cùng họ lại đòi chúng tôi xuất trình hóa đơn đỏ. Thử hỏi từ cổ chí kim có chỗ nào có hóa đơn đỏ cho đám ma không?”, ông Tính bức xúc khi nói về việc hỗ trợ tiền mai táng phí.

“Họ không đồng cảm, không thông cảm. Đau thương đó của gia đình chúng tôi không thể nào nguôi ngoai được. Nếu có động viên kịp thời, kể cả lời nói thôi, nỗi đau xót của chúng tôi phần nào nguôi ngoai. Nhưng thực tế chỉ càng đầy ắp thêm những bức xúc trong các gia đình chúng tôi vì cách đối xử của Bệnh viện”.

Người nhà nạn nhân chăm chú theo dõi diễn biến phiên tòa qua màn hình trong phòng báo chí.

Về phần bồi thường tổn thất tinh thần, theo quy định tại Điều 591 Bộ luật Dân sự, mức bồi thường tối thiểu là 60 tháng lương cơ bản và tối đa là 100 tháng lương cơ bản. Nhưng phía Bệnh viện đưa ra đề nghị các mức không đồng nhất, từ 70-85 tháng lương.

“Chúng tôi đề nghị mãi thì họ thêm cho mỗi người được 5 tháng lương nữa”,  ông Tính cho hay. “Tổn thất của chúng tôi là không thể bù đắp được. Bây giờ các bị cáo có đi tù bao nhiêu năm đi chăng nữa, bệnh viện có bù đắp bao nhiêu tiền đi chăng nữa thì cũng không mang người thân của chúng tôi trở về. Chúng tôi mất người, mất của và mất hết, suy sụp về tinh thần và sức khỏe”.

Mong muốn bác sỹ Lương được tuyên vô tội

Trong phần trình bày của đại diện các gia đình nạn nhân, họ đều mong muốn HĐXX xem xét trách nhiệm của nguyên Giám đốc Bẹnh viện - ông Trương Quý Dương, Trưởng phòng Vật tư Thiết bị - Trần Văn Thắng, và Giám đốc Công ty Thiên Sơn - Đỗ Anh Tuấn.

Họ cũng mong muốn HĐXX tuyên bác sỹ Hoàng Công Lương vô tội và tuyên mức án nhẹ nhất có thể cho hai bị cáo còn lại là Bùi Mạnh Quốc và Trần Văn Sơn.

Người nhà nạn nhân nói: Chúng tôi không xin giảm án cho bác sỹ Lương, vì bác sỹ Lương làm gì có tội mà phải xin...

Một người nhà nạn nhân nói: “Chúng tôi không xin giảm án cho bác sỹ Lương, vì bác sỹ Lương làm gì có tội mà phải xin. Chúng tôi đề nghị tuyên bác sỹ Lương vô tội, không phải vì chúng tôi a dua. Chúng tôi có bằng chứng về việc bác sỹ Lương đã hết lòng cứu chữa người nhà chúng tôi khi xảy ra sự cố. Các luật sư cũng đã phân tích cụ thể để chứng minh bác sỹ Lương vô tội.

Riêng ông Đinh Văn Tính còn đề nghị HĐXX xem xét trách nhiệm của Phó Giám đốc bệnh viện Hoàng Đình Khiếu, người chỉ đạo Điều dưỡng trưởng Đinh Tiến Công ghi thêm nhiệm vụ quản lý đơn nguyên Thận nhân tạo cho bác sỹ Lương ngay sau khi xảy ra sự cố.

“Các nhân chứng đã khai là viết thêm sau sự cố, thử hỏi ông Khiếu lương tâm ở đâu mà trốn tránh trách nhiệm, đổ tội cho bác sỹ Lương?”.

Ông Tính cũng đề nghị HĐXX làm rõ trách nhiệm của Bộ Y tế, cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực chuyên ngành nhưng lại không có quy trình, quy chuẩn trong việc quản lý việc chạy thận. Phải đến tháng 4/2018, Bộ Y tế mới ra quy trình, như vậy là sai sót từ Bộ Y tế nên Bộ Y tế cũng cần phải có trách nhiệm trước cái chết của người thân gia đình ông.

Cùng với đó, Sở Y tế tỉnh Hòa Bình cũng bị đặt dấu hỏi về trách nhiệm khi công tác thanh tra, kiểm tra theo báo cáo định kỳ 6 tháng/lần, nhưng lại để bệnh viện thành lập đơn nguyên Thận nhân tạo trái phép suốt 6 năm trời mà không có ý kiến gì.

"Bài học cay đắng" với ngành Y, ai phải chịu trách nhiệm?

Chiều 28/5, luật sư Nguyễn Danh Huế (bảo vệ cho quyền và lợi ích hợp pháp của BVĐK tỉnh Hòa Bình) khẳng định Bệnh viện không có ý định bao che cho bất cứ cá nhân nào vi phạm pháp luật.

Tuy nhiên, căn cứ vào những lời bào chữa của các luật sư, luật sư Huế cho rằng BVĐK tỉnh Hòa Bình tin tưởng rằng bác sỹ Lương hoàn toàn vô tội.

Thay mặt BVĐK tỉnh Hoà Bình, luật sư Nguyễn Danh Huế đề nghị HĐXX xem xét buộc ông Trương Quý Dương phải bồi thường cho gia đình các nạn nhân thay cho bệnh viện nếu bệnh viện bị xác định có lỗi. 

"Chúng tôi biết rằng theo quy định của pháp luật thì pháp nhân phải bồi thường. Tuy nhiên để đáp ứng lòng mong mỏi của người nhà nạn nhân được nhanh chóng bồi thường, tránh thời gian, công sức của bệnh viện phải khởi kiện ở một vụ án khác, chúng tôi kính đề nghị HĐXX nếu bệnh viện buộc phải bồi thường kẻ một phần nào đó thì buộc ông Trương Quý Dương phải bồi thường thay cho bệnh viện. Chúng tôi xác định lỗi này hoàn toàn thuộc về lỗi của người đứng đầu".

Đối với bị cáo Sơn, bị cáo Quốc, hai bị cáo này chỉ là những nạn nhân của những người có chức vụ nhưng không thực thi hết trách nhiệm của mình nên đã vô tình đẩy họ vào vòng lao lý.

“Chúng tôi kính đề nghị HĐXX xem xét các tình tiết giảm nhẹ để làm sao bị cáo Sơn và bị cáo Quốc nếu có lỗi thì cũng sớm được trở lại cộng đồng, đóng góp cho xã hội”, luật sư Huế nói.

Theo luật sư Huế, qua những gì đã xảy ra, hoàn toàn có thể đặt câu hỏi về những “nhóm lợi ích” đang hoành hành trên nỗi đau của các nạn nhân.

Cụ thể, tỉnh Hòa Bình là tỉnh nghèo, đời sống của hầu hết nhân dân trong tỉnh còn khó khăn, nhưng giá mỗi ca chạy thận lại cao gấp đôi so với mức giá tại Bệnh viện Bạch Mai. Mức giá trung bình trong chạy thận hiện nay chỉ 3,5-4 USD/1 ca chạy thận, nhưng ở BVĐK tỉnh Hòa Bình là 7,7 USD.

Trong khi đó, báo cáo tài chính của bệnh viện luôn luôn lỗ ở đơn nguyên Thận nhân tạo, trong khi công ty Thiên Sơn thu 90% doanh thu chạy thận với giá cao.

Trước khi kết thúc phần bào chữa của mình, luật sư Huế nhắn nhủ với HĐXX: “Lịch sử đã vô tình trao cho quý vị ngồi đây quyền và cơ hội thực thi công lý. Tôi mong rằng quý vị ngồi đây với lương tâm, trách nhiệm cao nhất, không những vì cán cân công lý được thực thi mà vì sức khỏe của mình, của gia đình mình, của toàn xã hội, mong HĐXX có những phán quyết công tâm, khách quan, thượng tôn pháp luật, không để oan sai người vô tội và không bỏ lọt tội phạm”.

Ông Đỗ Đình Vận, Phó Giám đốc BVĐK tỉnh Hòa Bình, cho rằng sự cố y khoa xảy ra tại bệnh viện là “bài học cay đắng” cho các y bác sỹ của Bệnh viện hiện tại và cả thế hệ sau này.

Việc thành lập đơn nguyên Thận nhân tạo là chủ trương đúng đắn nhưng còn nhiều vấn đề phát sinh do quy trình có nhiều kẽ hở. Chính vì lẽ đó mới xảy ra sự cố đau lòng này.

Ông Vận cho biết, sau sự cố này, Bệnh viện cũng chủ động bồi dưỡng kiến thức chuyên môn cho các y, bác sỹ, rèn luyện nhiều hơn về kỹ năng giao tiếp và những hiểu biết về pháp luật.

Phó Giám đốc BVĐK tỉnh Hòa Bình cũng đề nghị HĐXX kiến nghị với Bộ Y tế để Bệnh viện có được hành lang pháp lý tốt hơn, đội ngũ y bác sỹ cũng bớt đi áp lực, trong đó có áp lực về mặt pháp lý.

Nguyễn Tuân

Ông chủ lĩnh án tội hiếp dâm, cô gái giúp việc tật nguyền lầm lũi rời tòa

Trong thời gian ở lại giúp việc nhà cho bị cáo Thủy, chị Q. đã bị ông chủ nhiều lần thực hiện hành vi hiếp dâm.

Huế: Bị CSGT truy đuổi, tài xế bỏ lại ô tô cùng gỗ lậu trốn vào rừng

Chở 26 phách gỗ đi tiêu thụ, khi bị lực lượng CSGT Công an tỉnh Thừa Thiên – Huế phát hiện, tài xế tăng ga bỏ chạy, đến đoạn đường vắng lập tức dừng và xuống xe chạy trốn vào rừng sâu.

Nghi án vợ sát hại chồng lúc nửa đêm ở Bà Rịa-Vũng Tàu

Sáng nay (6/3), Công an huyện Châu Đức đang phối hợp các đơn vị nghiệp vụ Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu khám nghiệm hiện trường, điều tra vụ án mạng xảy ra lúc nửa đêm.

Thanh Hóa: Điều tra cái chết thương tâm của một phụ nữ độc thân tại chòi canh rẫy

Khi không thấy người thân trở về, gia đình nạn nhân đi tìm thì phát hiện người này đã tử vong trên chòi canh rẫy với nhiều vết thương trên cơ thể.

Mang súng bút lên máy bay, 2 thanh niên bị khởi tố

Ngày 5/3, Công an TP Hải Phòng cho biết cơ quan điều tra vừa khởi tố 2 đối tượng vì liên quan đến việc mang súng dạng bút lên máy bay.

Người đàn ông đốt pháo dài hơn 50m trong đám cưới ở Hà Nội khai gì?

Sau bị cơ quan công an tạm giữ hình sự, đối tượng Trần Văn Khang, người đốt pháo trong đám cưới ở xã Phù Lỗ (Sóc Sơn, Hà Nội) khai nhận đã lên mạng xã hội đặt mua pháo của một người lạ mặt, được người bán chuyển về nơi tổ chức đám cưới.

Đồng Nai: Nam thanh niên nổ súng khi chuyển đồ giúp bạn gái, 1 người trúng đạn

Được nhờ tới chuyển đồ giúp một cô gái, Khải mang theo súng và xảy ra ẩu đả với người đàn ông thuê phòng trọ. Khi nạn nhân bỏ chạy, Khải nổ súng, viên đạn trúng một người khác gây thương tích.

Khởi tố vụ án, tạm giữ hình sự đối tượng đốt pháo trong đám cưới ở Hà Nội

Cơ quan Công an huyện Sóc Sơn (Hà Nội) vừa cho biết đã khởi tố vụ án và tạm giữ hình sự đối với Trần Văn Khang (40 tuổi, ở khối 12, xã Phù Lỗ, huyện Sóc Sơn, Hà Nội) để điều tra về hành vi gây rối trật tự công cộng.

Xử phạt thanh niên tung tin "lái xe đeo khẩu trang bị phạt 10 triệu đồng"

Ngày 4/3, Công an TP Hải Phòng cho biết vừa xử phạt 5 triệu đồng với thanh niên lên mạng xã hội tung tin "Từ ngày hôm nay, lái xe đeo khẩu trang bị phạt từ 10 triệu đồng".

Vụ con đánh chết cha ở Quảng Nam: Mâu thuẫn nhỏ, hậu quả lớn

Chiều 4/2, Công an tỉnh Quảng Nam cho hay đơn vị đang củng cố hồ sơ để khởi tố bị can đối tượng đánh cha ruột tử vong ở phường Hòa Hương, TP Tam Kỳ.

Đang cập nhật dữ liệu !