Pháp, Đức tức giận vì bị Mỹ theo dõi
Trước đó, hôm 30/6, tạp chí Der Spiegel của Đức đã đưa tin, nhiều văn phòng của Liên minh châu Âu tại Mỹ và châu Âu đã bị Mỹ nghe trộm.
Theo các tài liệu được cho là do cựu chuyên viên Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA), Edward Snowden tiết lộ, những "Mục tiêu" khác bao gồm các đại sứ quán Pháp, Ý và Hy Lạp ở Mỹ.
Ngay lập tức, Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius cho biết nếu những cáo buộc mà Der Spiegel đưa tin là đúng thì những hành động này của Mỹ "hoàn toàn không thể chấp nhận được".
Bộ trưởng Tư pháp Đức Sabine Leutheusser-Schnarrenberger cho biết hành vi bị cáo buộc này của Mỹ có thể gợi đến cuộc Chiến tranh Lạnh.
Phát biểu với hãng tin AP, "Nếu báo cáo này chính xác, thì đều này sẽ gợi nhớ lại những phương pháp đã được những kẻ thù sử dụng trong Chiến tranh Lạnh”. Ông cũng cho rằng thật khó có thể hiểu được là “bạn bè của chúng tôi ở Mỹ coi người châu Âu như kẻ thù".
Chủ tịch Nghị viện châu Âu, Martin Schulz: "Tôi bị sốc nặng vì tôi nghĩ rằng Hoa Kỳ cần phải đối xử với Liên minh châu Âu không giống như một kẻ thù". |
Trong khi đó, Chủ tịch Nghị viện châu Âu, Martin Schulz nói, ông "lo ngại sâu sắc và bị sốc" với những lời cáo buộc này.
Ông cho biết bất kỳ hành động gián điệp nào kiểu như vậy cũng có thể "ảnh hưởng nghiêm trọng" đến mối quan hệ giữa EU và Mỹ.
Theo tài liệu mà Der Spiegel cho biết xuất phát từ NSA, Mỹ đã thực hiện các chương trình gián đệp nhằm vào mạng máy tính nội bộ của EU tại Washington, New York, Brussels.
Tài liệu này cũng xác định EU là một "mục tiêu".
Trong khi đó, hãng tin Guardian của Anh đưa tin theo một báo cáo bị rò rỉ rằng, 38 đại sứ quán và cơ quan đại diện của các nước khác ở Mỹ cũng đã bị tấn công, bao gồm cả đại sứ quán Pháp, Ý và Hy Lạp, cũng như một số đồng minh khác của Mỹ, bao gồm cả Nhật Bản, Mexico, Hàn Quốc, Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ.
Hãng tin BBC cho biết, chưa rõ chương trình gián điệp này thu thập những loại thông tin gì, nhưng chi tiết về vị trí của Châu Âu về những vấn đề quân sự và thương nại có thể hữu ích trong các cuộc đàm phán giữa Washington và chính phủ châu Âu.
Ủy ban châu Âu (EC) yêu cầu Washington có câu trả lời rõ ràng về thông tin đã được Der Spiegel đăng tải.
Trong một tuyên bố, EC nói: "Chúng tôi đã ngay lập tức liên lạc với các nhà chức trách Mỹ ở Washington DC và Brussels và đã yêu cầu họ trả lời về những thông tin này. Họ cho biết đang kiểm tra về tính chính xác của các thông tin đó và sẽ trả lời lại".
Chính phủ Mỹ cho đến nay vẫn chưa có lời bình luận công khai nào về những cáo buộc trên.