Pakistan ngoảnh mặt với Trung Quốc, dự án hơn 60 tỷ USD nguy cơ "đi tong"
Tờ Quartz đưa tin, chính phủ mới Pakistan của Tổng thống Imran Khan được cho đang xem xét lại hoặc thương lượng lại các thỏa thuận nằm trong Hành lang Kinh tế Trung Quốc - Pakistan (CPEC). Đây vốn là siêu dự án trị giá hơn 60 tỷ USD phục vụ phát triển cơ sở hạ tầng thuộc sáng kiến “Vành đai, Con đường” (BRI) do Bắc Kinh đầu tư.
Tân Tổng thống Pakistan Imran Khan. |
Trong bài phỏng vấn với tờ Financial Times, ông Abdul Razak Dawood, cố vấn thương mại và đầu tư của Tổng thống Khan cho hay, chính quyền tiền nhiệm đã “làm không tốt” công tác thỏa thuận với Trung Quốc về CPEC.
“Họ đã không tính toán cẩn thận và cũng không thương lượng tốt, để rồi Pakistan phải cho đi quá nhiều. Các công ty Trung Quốc được hưởng chính sách miễn thuế cũng như nhiều lợi ích khác để giành ưu thế kinh doanh ở Pakistan. Điều này gây bất lợi lớn cho các công ty Pakistan”, ông Dawood nói.
CPEC được xem là đầu tàu trong sáng kiến cơ sở hạ tầng toàn cầu “Vành đai, Con đường” do Bắc Kinh sáng lập. Pakistan đã ký kết một siêu dự án có giá trị lên tới hơn 60 tỷ USD với Trung Quốc. Trong năm 2016, Pakistan cũng đã ký một thỏa thuận thương mại với Trung Quốc.
Tuy nhiên, ông Khan đã cho thành lập một ủy ban gồm 9 thành viên đảm nhận đánh giá lại các dự án nằm trong CPEC.
Tân Bộ trưởng Tài chính Pakistan Asad Umar thì khẳng định, động thái của Pakistan không nhằm "tấn công" Trung Quốc.
Về phần mình, cuối tuần trước trong chuyến thăm tới Islamabad, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị cho hay, Bắc Kinh sẽ cởi mở trong việc thương lượng lại các thỏa thuận với Pakistan cũng như không để CPEC trở thành gánh nặng nợ nần cho Pakistan.
Trước đó, Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad cũng đã yêu cầu đàm phán lại một số đề án xây dựng hạ tầng cơ sở trị giá cả chục tỷ đô la, mà chính quyền Malaysia tiền nhiệm đã ký với Trung Quốc.
Ngay cả Sri Lanka cũng đang cân nhắc lại việc Trung Quốc cho quốc gia này nợ quá nhiều, tạo nên sự nghi ngờ về tính minh bạch. Nhất là trong bối cảnh chính quyền của cựu Tổng thống Mahinda Rajapaksa đã cho Trung Quốc thuê khu cảng Hambantoto với thời hạn là 99 năm. Trong khi, Trung Quốc cũng đang nắm giữ tới 70% cổ phần của khu cảng này.