Nông dân Quảng Ninh thoát nghèo nhờ học nghề gốm
Nhiều lao động ở nông thôn sau khi được tham gia các lớp dạy nghề đã tìm kiếm được việc làm cho thu nhập ổn định. Ảnh: Sản xuất gốm tại nhà máy gốm sứ Quang Vinh (Đông Triều). |
Theo thống kê của Sở LĐ-TB&XH tỉnh, từ năm 2010 đến nay, trên toàn tỉnh đã mở được 316 lớp đào tạo nghề cho LĐNT. Theo đó, có 10.654 lao động tại 14 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn được đào tạo nghề gồm nông nghiệp và phi nông nghiệp như: Nuôi lợn rừng, chế biến món ăn, kỹ thuật lâm sinh, trồng nấm rơm, vận hành lái xe ô tô, trồng rau và hoa, chăn nuôi gia súc và gia cầm, nuôi trồng thuỷ sản, làm gốm thô… Nhiều hộ gia đình sau khi được trang bị kiến thức từ các lớp học nghề cho LĐNT đã vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng.
Có thể kể đến trường hợp của gia đình ông Nguyễn Tân Giới, tổ 3, khu 8, thị trấn Trới (Hoành Bồ). Từ một hộ chăn nuôi nhỏ lẻ do không có kỹ thuật, sau khi được tham gia lớp học kỹ thuật nuôi lợn rừng sinh sản trong chương trình thực hiện Đề án 1956 của huyện, ông đã mạnh dạn đầu tư con giống, mở rộng trang trại, vươn lên làm giàu. Hiện nay, gia đình ông Giới đã thu được hàng trăm triệu đồng từ việc chăn nuôi. Ông Giới cho biết: “Nhờ được học lớp đào tạo nghề nông thôn ở huyện mà tôi đã biết thêm những kiến thức mới để phát triển chăn nuôi. Dù sao, khi có kỹ thuật trong tay, việc áp dụng ngoài thực tế cũng tự tin hơn”. Cũng tương tự trường hợp của ông Giới, gia đình chị Đặng Thị Toan, thôn Khe Lương, xã Kỳ Thượng (Hoành Bồ), khi được tham gia học lớp kỹ thuật lâm sinh, chị đã vận dụng những kiến thức được trang bị để phát triển kinh tế đồi rừng.
Nhờ cán bộ giảng dạy giới thiệu địa chỉ mua hạt giống, chị đã tự ươm thành công cây giống để trồng rừng và bán cho bà con trong vùng… Bên cạnh những trường hợp như ông Giới, chị Toan biết vận dụng kiến thức được đào tạo từ các lớp nghề cho LĐNT để đầu tư phát triển sản xuất tại gia đình còn có không ít người đã tìm kiếm được việc làm thu nhập ổn định tại các nhà máy xí nghiệp. Chẳng hạn như: Chị Nguyễn Thị Hải, thị trấn Mạo Khê (Đông Triều), sau khi được tham gia lớp đào tạo nghề sản xuất gốm thô, chị đã được nhận vào làm việc tại nhà máy sản xuất gốm Quang Vinh. Chị Hải cho biết: “Trước kia tôi chỉ biết làm nông nghiệp, thu nhập vừa thấp lại không ổn định. Nhờ có chương trình dạy nghề cho LĐNT tôi đã được học nghề và tìm được việc làm”.
Từ những trường hợp thực tế kể trên cho thấy, các lớp đào tạo nghề đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của các cấp, các ngành, các tổ chức hội, đoàn thể nhân dân từ tỉnh đến các xã, thị trấn, của người lao động và của các cơ sở dạy nghề. Sau khi được đào tạo người lao động không chỉ được trang bị kiến thức nghề mà còn có khả năng tìm tòi những kiến thức mới thông qua các kênh thông tin khác.