Nói "NQ 21 thông qua chuyện thu phí" là sáng kiến của Bộ trưởng Thăng
Nói "NQ 21 thông qua chuyện thu phí" là sáng kiến của Bộ trưởng Thăng
Trong cuộc họp báo Chính phủ tháng 3 và mới đây nhất tại buổi họp báo chiều 3/4, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đã đưa ra những cơ sở pháp lý cho việc thực hiện đề án thu phí.
Cụ thể đối với Quỹ bảo trì đường bộ, ông Thăng cho biết Qũy này được thực hiện theo luật đường bộ từ năm 2008.
GS Nguyễn Minh Thuyết: Nghị quyết 21 của Quốc hội không đề cập đến hai loại phí mà Bộ GTVT đưa ra. Ảnh LD |
Đối với hai loại phí hạn chế xe cá nhân và phí vào trung tâm thành phố giờ cao điểm, trong cả hai lần họp báo, Bộ trưởng Đinh La Thăng đều khẳng định đã được Đảng, Chính phủ và Quốc hội thông qua.
Theo Bộ trưởng Thăng, ngay từ 2002 đã có Nghị quyết 13 về việc giảm thiểu, chống ùn tắc giao thông. Sau đó 2007 Chính phủ tiếp tục ban hành Nghị quyết 32, rồi năm 2011 có Nghị quyết 88…
Ngoài ra tại buổi họp báo chiều 3/4, Bộ trưởng Thăng còn dẫn dụ, trong Nghị quyết 21 Quốc hội đã tán thành chủ trương của Chính phủ, Bộ GTVT. Ông Thăng cho rằng, về chủ trương có thể khẳng định Quốc hội đã đồng ý các giải pháp, trong đó có hai loại phí kể trên.
Sau lời khẳng định ấy của Bộ trưởng Đinh La Thăng được đăng đàn rộng rãi trên báo chí, GS Nguyên Minh Thuyết lại lên tiếng khẳng định: Nghị quyết 21 Quốc hội là Nghị quyết chất vấn và trả lời chất vấn. Trong đó chỉ nói một cách rất chung chung là tán thành các biện pháp của Chính phủ và Bộ GTVT.
“Quốc hội thông qua cả gói giải pháp trong cuộc chất vấn về nhiều vấn đề diễn ra chỉ trong một buổi, mặc dù các đại biểu chưa có thời gian nghiên cứu kỹ, Ủy ban của Quốc hội phụ trách vấn đề này cũng chưa có báo cáo thẩm tra là một điều đáng tiếc” – GS Nguyễn Minh Thuyết nhớ lại.
Nghị quyết 21 chỉ nói chung chung chứ không đề cập cụ thể đến vấn đề phí |
Cụ thể, Nghị quyết 21 của Quốc hội đề cập đến lĩnh vực giao thông vận tải có nêu:
Tán thành các chủ trương, biện pháp của Chính phủ, Bộ GTVT nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về an toàn giao thông; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, xây dựng văn hóa giao thông; tạo chuyển biến rõ nét trong việc quản lý người và phương tiện tham gia giao thông, công tác đăng kiểm phương tiện giao thông; tăng mức xử phạt vi phạm pháp luật về ATGT, xóa các “điểm đen” TNGT đường bộ, đường sắt và đường thủy nội địa.
Nghị quyết 21 cũng giao HĐND, UBND TP Hà Nội, TP HCM, Bộ GTVT, Bộ Công an…trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình thực hiện đồng bộ các giải pháp đảm bảo chống ùn tắc giao thông đã báo cáo Quốc hội.
“Cả nghị quyết 21 của Quốc hội và Nghị quyết 13 của TW Đảng đều không đề cập đến hai khoản phí như Bộ trưởng Đinh La Thăng dẫn dụ. Như vậy theo tôi có thể hiểu đó vẫn là sáng kiến của Bộ trưởng Bộ GTVT. Tôi hi vọng sắp tới Quốc hội sẽ có dịp bàn kĩ hơn vấn đề này” – GS Nguyễn Minh Thuyết chia sẻ.
Nguyễn Dũng