Nợ xấu của ngân hàng được quy định như thế nào?
Việc phân loại nợ cho các khoản tiền gửi và cho vay các tổ chức tín dụng khác (trừ tiền gửi thanh toán), mua và ủy thác mua trái phiếu doanh nghiệp chưa niêm yết, cho vay khách hàng và ủy thác cấp tín dụng, các khoản nợ đã bán nhưng chưa thu được tiền được thực hiện theo phương pháp dựa trên yếu tố định lượng được quy định tại Điều 10 của Thông tư 02.
Theo Thông tư 02/2013/TT-NHNH (Thông tư 02), các khoản cho vay khách hàng được phân loại theo các mức rủi ro như sau: Nợ đủ tiêu chuẩn (nợ nhóm 1), Nợ cần chú ý (nợ nhóm 2), Nợ dưới tiêu chuẩn (nợ nhóm 3), Nợ nghi ngờ (nợ nhóm 4), và Nợ có khả năng mất vốn dựa vào tình trạng quá hạn (nợ nhóm 5).
Các khoản cho vay sẽ được thực hiện phân loại nợ vào thời điểm cuối mỗi quý cho 3 quý đầu năm và ngày 30 tháng 11 cho quý 4 trong năm tài chính.
Đối với dự phòng cụ thể, theo Thông tư 02, dự phòng cụ thể tại ngày 31 tháng 12 được xác định bằng dư nợ sau khi trừ đi giá trị tài sản bảo đảm đã được khấu trừ nhân với tỷ lệ dự phòng theo phân loại nhóm nợ tại ngày 30 tháng 11. Tỷ lệ dự phòng đối với từng nhóm nợ cụ thể như sau:
Nợ đủ tiêu chuẩn: 0%; Nợ cần chú ý: 5%; Nợ dưới tiêu chuẩn: 20%; Nợ nghi ngờ: 50%; Nợ có khả năng mất vốn: 100%.
Đối với dự phòng chung, Thông tư 02 quy định dự phòng chung được trích lập để dự phòng cho những tổn thất chưa xác định được trong quá trình phân loại nợ và trích lập dự phòng cụ thể và trong các trường hợp khó khăn về tài chính của các tổ chức tín dụng khi chất lượng các khoản nợ suy giảm.
Theo đó, ngân hàng phải thực hiện trích lập và duy trì dự phòng chung bằng 0,75% tổng giá trị các khoản nợ được phân loại vào từ nhóm 1 đến nhóm 4 ngoại trừ các khoản sau đây: Tiền gửi liên ngân hàng, khoản vay, mua có kỳ hạn giấy tờ có giá đối với TCTD khác, cam kết ngoại bảng.
Thông thư 02 cũng quy định về xử lý rủi ro tín dụng, dự phòng được ghi nhận như một khoản chi phí trên báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh và được sử dụng để xử lý các khoản nợ. Ngân hàng thành lập Hội đồng xử lý rủi ro để xử lý các khoản nợ nếu chúng được phân loại vào nhóm Nợ có khả năng mất vốn, hoặc nếu khách hàng vay là pháp nhân bị giải thể, phá sản, hoặc cá nhân bị chết hoặc mất tích.
Đối với quy định dự phòng cho các cam kết ngoại bảng, theo Thông tư 02, tổ chức tín dụng phải thực hiện phân loại đối với các khoản bảo lãnh, chấp nhận thanh toán và cam kết cho vay không hủy ngang vô điều kiện và có thời điểm thực hiện cụ thể (gọi chung là các khoản cam kết ngoại bảng) vào các nhóm quy định tại Điều 10, Điều 11 của Thông tư 02 để quản lý, giám sát chất lượng tín dụng.
Theo đó, các khoản cam kết ngoại bảng được phân loại theo các mức độ rủi ro như sau: Nợ đủ tiêu chuẩn, Nợ cần chú ý, và Nợ dưới tiêu chuẩn.