Những lần tiêm kích Su-30 gặp nạn trên thế giới
2015
Theo tờ Lenta, ngày 17/9/2015, máy bay của không quân Venezuela Su-30MK2 bị rơi gần thị trấn Elorza, miền nam nước này, trong khi cố ngăn chặn một máy bay buôn lậu ma túy. Cả hai phi công đều thiệt mạng.
Theo các chuyên gia, nguyên nhân của thảm họa này có thể là mất kiểm soát do tiêm kích bất ngờ thay đổi tốc độ khi một máy bay hạng nhẹ cố tình bay qua.
Ngày 19/5/2015, tờ Inidaexpress cho hay, chiếc tiêm kích Su-30MKI đã bị rơi xuống làng LaokhowaBoralimari ở huyện Nagaon, miền trung Assam, Ấn Độ. Rất may hai phi công đã kịp thoát ra bằng ghế phóng trước khi máy bay đâm xuống đất.
Tiêm kích Su-30 MKI của không quân Ấn Độ |
2014
Ngày 14/10/2014, một chiếc Su-30MKI của Ấn Độ (thuộc trung đoàn tiêm kích 24) đã rơi xuống một trang trại cách khu dân cư của làng Kolawadi gần Theur ở quận Pune khoảng 200m trong khi đang thực hiện nhiệm vụ huấn luyện.
Chiếc máy bay này đã bất ngờ tự phóng ghế của hai phi công ra ngoài trong khi máy bay đang hạ cánh. May mắn, cả hai phi công đều an toàn.
Vào thời điểm đó, một số nguồn tin cho biết ghế phóng của máy bay đã không thể điều khiển được. Một số khác thì cho rằng, vụ tai nạn do lỗi của phi công. Tuy nhiên, đến đầu tháng 11/2014, một nhóm chuyên gia Nga đến Ấn Độ điều tra và xác định máy bay có lỗi trong hệ thống phóng.
Tháng 3/2015, Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ báo cáo trước Quốc hội rằng, tính từ tháng 1/2013-12/2014 đã có tổng cộng 35 sự cố liên quan đến Su-30 MKI.
2013
Máy bay Su-30MKI của Ấn Độ rơi tại trường bắn Pokaran trong một buổi diễn tập ngày 19/2/2013. Ngay sau khi hoàn thành một nhiệm vụ huấn luyện, cánh phải của máy bay phát nổ, cả hai phi công đều thoát ra an toàn.
Ngày 18/9/2013, động cơ bên phải của chiếc Su-30MK2 của không quân Indonesia đã bị chim va vào. Trong khi tiến hành thay thế động cơ bị hỏng, Indonesia phát hiện vết nứt trên các mối hàn của khung thân.
Đến ngày 9/10/2013, lỗi tương tự xảy ra với một chiếc Su-30MK2 khác cùng một vài sự cố khác.
Phía Indonesia đã gửi trả lại nhà máy Komsomolsk-on-Amur, Nga (nơi chế tạo Su-30MK2 cho Không quân Indonesia) để thay thế khung thân. Sau khi được tháo rời, phía Nga đã phát hiện hàng loạt lỗi nghiêm trọng khác trong thiết kế của máy bay.
2011
Hiện trườngchiếc Su-30MKI rơi tạilàng Wade-Bholai, Ấn Độ hồi năm 2011. |
Ngày 13/12/2011, một chiếc Su-30MKI xuất phát từ căn cứ không quân Lohegaon của Ấn Độ đã rơi tại làng Wade-Bholai, cách Pune khoảng 20 km. Cả hai phi công đều thoát ra an toàn.
Báo cáo sơ bộ cho biết vụ tai nạn là do trục trặc trong hệ thống điều khiển điện tử.
2009
Ngày 30/4/2009, một chiếc Su-30MKI của Không quân Ấn Độ rơi ở 2009 tại khu vực Pokaran Rajasthan, làng Rajmathai, sau khi cất cánh từ Pune. Một trong hai phi công thiệt mạng. Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ A.K. Antony ban đầu tuyên bố nguyên nhân vụ tai nạn là hệ thống điều khiển điện tử của máy bay bị hỏng.
Tuy nhiên, sau đó nguyên nhân được xác định là do phi công đã ấn nhầm một nút quan trọng. Nút này được đặt ở sau phi công, ngoài tầm nhìn của họ.
Máy bay Su-30MKI của Ấn Độ rơi tại trường bắn Pokaran ngày 19/2/2013. |
Ngày 30/11/2009, một chiếc Su-30MKI khác của Ấn Độ lại rơi tại Jathegaon sau khi phát cảnh báo cháy. Cả hai phi công đều thoát ra an toàn. Nguyên nhân được cho là do vật thể bên ngoài lọt vào động cơ.
2006
Ngày 10/6/2006, tại Triển lãm hàng không Paris, một chiếc Su-30MK của Không quân Nga bị rơi. Hai phi công đều nhảy dù an toàn.
1999
Tháng 6/1999, Nga cũng đưa một chiếc Su-30MKI đến Pháp để tham gia Triển lãm hàng không ở Paris. Máy bay rơi khi đang bay huấn luyện để chuẩn bị cho buổi biểu diễn. Hai phi công thoát ra an toàn và không có thương vong dưới mặt đất.
Theo James Town, giám đốc thiết kế của Sukhoi Mikhail Siminov, sự cố là do lỗi điều khiển của phi công Vyacheslav Averianov.
Hiện máy bay tiêm kích Su-30MK2 đang hoạt động trong không quân của một số quốc gia như Việt Nam, Indonesia, Uganda, Venezuela và Trung Quốc.