Những “hiệp sĩ” trên biển (Kỳ cuối)
Kỳ 4: Đằng sau những chiến công
Những hy sinh thầm lặng
Trong chuyến hải trình 20 ngày trên biển, giúp tôi có dịp hiểu hơn về những chiến công trong đấu tranh phòng, chống tội phạm buôn lậu, gian lận thương mại trên biển, tìm kiếm cứu nạn... và sự hy sinh thầm lặng của những người đang ngày đêm duy trì thực thi pháp luật trên biển. Nhắc đến Đại úy Hoàng Quốc Hiệp, hiện là Trưởng ban Quân lực Vùng CSB 1 nhiều đồng đội vẫn còn nhớ như in hành động dũng cảm của anh trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền. Ngày 7-1-2005, biên đội tàu Vùng CSB1 gồm tàu CSB 3004 và CSB 1012 đang tuần tra dọc khu vực Tây Bắc đảo Bạch Long Vĩ thì phát hiện một số tàu cá nước ngoài đang khai thác trái phép hải sản trong vùng biển nước ta. Chỉ huy biên đội tàu ra lệnh cho biên đội nhanh chóng áp sát và vây bắt tàu lạ. Thiếu úy Hoàng Quốc Hiệp, Thuyền phó quân sự tàu CSB 3004 làm tổ trưởng Tổ kiểm soát số 1 được lệnh tập hợp lực lượng chuẩn bị làm nhiệm vụ. Thấy tàu CSB Việt Nam, những chiếc tàu lạ bỏ chạy. Tổ kiểm soát dùng loa tuyên truyền đặc biệt phát nhiều lần, yêu cầu tàu lạ dừng lại nhưng họ vẫn cố tình bỏ chạy. Quá trình chạy, những chiếc tàu nước ngoài phóng với tốc độ cao và lắt léo để ngăn không cho tàu của lực lượng CSB tiếp cận. Cuộc đuổi bắt diễn ra căng thẳng, gần 30 phút, nhiều cán bộ, chiến sĩ đã thấm mệt nhưng Hiệp vẫn bình tĩnh động viên anh em và chỉ huy Tổ kiểm soát quyết tâm vây bắt tàu lạ. Tàu CSB 3004 cố gắng tiếp cận tàu lạ nhưng vì sóng lớn nên công tác tiếp cận gặp rất nhiều khó khăn, nguy hiểm. Không một chút do dự, chờ lúc con sóng dềnh lên, anh Hiệp đứng làm trụ cho anh em làm cầu bật nhanh nhảy sang tàu lạ. Đến lượt Hiệp, anh tung người nhảy sang cũng là lúc sóng gió dữ dội nhất, khiến hai tàu đều dềnh cao rồi tụt xuống, hai mạn tàu đập vào nhau và hất Hiệp xuống kẽ hở giữa hai thân tàu, chân trái của anh bị nghiến dập. Sự việc diễn ra bất ngờ nhưng anh Hiệp cố kìm nén cơn đau và tiếp tục chỉ huy, lệnh cho anh em Tổ kiểm soát khống chế bằng được tàu lạ. Khi khống chế được tàu nước ngoài cũng là lúc anh lịm đi trong vòng tay đồng đội. Sau thành tích ấy, Hiệp được Chủ tịch nước tặng Huân chương Chiến công hạng ba. Tiếp đó anh được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen về thành tích trong đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại trên biển. Giờ đây, đôi chân không còn lành lặn như xưa nhưng mỗi khi trò chuyện với đồng đội Hiệp vẫn nói rằng: “Những ngày gắn bó với tàu, với biển luôn là kỷ niệm, động lực giúp tôi vượt qua mọi khó khăn, vươn lên trong cuộc sống”.
Cán bộ, chiến sĩ Tàu CSB 9002 đưa ngư dân bị nạn về tàu để cấp cứu. Ảnh: Tất Thành. |
Do đặc thù nhiệm vụ của lực lượng CSB, những cán bộ, chiến sĩ CSB hôm nay không chỉ hy sinh xương máu mà còn hy sinh cả tình cảm riêng tư của mình. Lúc những người ruột thịt lâm chung cần sự có mặt của họ để sẻ chia, gánh vác thì lại không thể. Trường hợp Trần Đức Thanh, Trưởng ngành Cơ điện tàu CSB 9002, quê phường Đông Khê, quận Ngô Quyền, TP Hải Phòng là một ví dụ. Tháng 8-2011, trong khi cả đơn vị đang chuẩn bị cho chuyến công tác bảo vệ tàu Viking 2 và tàu Voyager thì Thanh đột ngột nhận được tin bố mất vì tai nạn. Được phép của chỉ huy đơn vị anh về quê 3 ngày để lo hậu sự cho cha rồi tức tốc bay vào Vũng Tàu để nhận nhiệm vụ. Sự ra đi đường đột của chồng khiến cho mẹ Thanh hụt hẫng và đau đớn khôn xiết. Trước lúc tiễn con lên đường làm nhiệm vụ, bà thắp nén hương, lầm rầm khấn chồng, cầu mong cho con trai lên đường bình an. Hơn ai hết, bà hiểu đặc điểm nhiệm vụ của con trai mình nên chỉ biết nuốt nước mắt vào trong, động viên con yên tâm lên đường hoàn thành nhiệm vụ.
Thượng úy QNCN Trương Quang Hùng, nhân viên Hàng hải tàu CSB 9002, quê TP Hà Tĩnh là một trong những thủy thủ lớn tuổi, có nhiều thâm niên gắn bó với Trường Sa nhất và anh cũng có nhiều giai thoại đáng nể. Tháng 8-1998, khi đó anh Hùng là thủy thủ của tàu Trường Sa 14 thuộc Hải đội 411 (Vùng 4 Hải quân), trước khi nhận nhiệm vụ trực ở đảo Đá Tây 4 ngày anh nhận được tin mẹ nhập viện. Dù biết mẹ bệnh trọng do ung thư vòm họng từ trước có thể ra đi bất cứ lúc nào, nhưng vì nhiệm vụ anh Hùng vẫn lên đường. Và rồi đúng như những gì anh dự cảm, khi tàu ra đến Trường Sa cũng là lúc anh nhận được tin mẹ qua đời. Không thể về được, anh Hùng cùng đồng đội trên tàu chỉ biết làm mâm cơm, thắp hương bái vọng linh hồn mẹ giữa trùng khơi.
Lễ ăn hỏi vắng chú rể
Mẹ mất không được nhìn mặt lần cuối và lo hậu sự cho tròn chữ hiếu, nhưng chuyện trăm năm của anh Hùng cũng không ít phần trắc trở. Năm 2000, khi anh đang trực tại đảo Sinh Tồn Đông, ở nhà gia đình hai bên đã thống nhất ngày, giờ lễ ăn hỏi và anh định sẽ về phép đúng vào dịp đó. Nhưng vì nhiệm vụ, tàu trực tại đảo Sinh Tồn Đông về đất liền không như dự kiến nên anh không thể có mặt trong buổi lễ ăn hỏi. Dù rất khó giải thích cho họ hàng nội tộc và bè bạn, khi vắng mặt “nhân vật chính” nhưng cô giáo mầm non Lê Thị Việt Hà vẫn vui và cảm thấy hạnh phúc vì biết “một nửa” của mình vì nhiệm vụ nên không thể ra mắt trong lễ ăn hỏi. Sau một tháng, kể từ buổi lễ ăn hỏi không có sự hiện diện của anh, đám cưới đôi vợ chồng trẻ diễn ra trong không khí đầm ấm, hạnh phúc. Một năm sau họ có con gái đầu lòng, đặt tên là Trương Thị Hà Trang, hàm chứa ý nghĩa của hai địa danh (Hà Tĩnh và Nha Trang là nơi quê nhà và nơi anh Hùng công tác). Sau này, anh Hùng “đầu quân” cho lực lượng CSB, khoảng cách gần hơn một chút còn thời gian xa gia đình vẫn không có gì thay đổi, một năm được về hơn 20 ngày phép gần vợ con, rồi lại biền biệt. “Cuộc sống tuy xa cách, vất vả nhưng được cái vợ luôn hiểu và thông cảm cho nhiệm vụ của người lính. Các con chăm, ngoan, học giỏi, đó là điều hạnh phúc nhất đối với mình” - anh Hùng tâm sự.
“Tuyển quân” ngược
Qua trò chuyện với các thành viên trên tàu CSB 9002 và CSB 4032, tôi được biết đa số anh em quê ở xa, hoàn cảnh khó khăn, nhiều đồng chí “cứng tuổi” nhưng vẫn chưa có gia đình. Một số anh em lấy vợ đã mấy năm nhưng do đặc điểm nhiệm vụ, vợ chồng ít được gần nhau nên chưa có con. Tuy khó khăn, vất vả nhưng anh em vẫn luôn đồng lòng, đoàn kết, khắc phục khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ. Nếu như Thuyền trưởng Ngô Thái Cảnh, tuổi “băm” nhưng vẫn chăn đơn gối chiếc, thì Trung úy Nguyễn Đức Ngọ, Chính trị viên tàu CSB 9002, quê Can Lộc (Hà Tĩnh), lấy vợ giữa năm 2011 đến nay vẫn chưa có con. Ngọ tiết lộ: “Vợ em vẫn ở nhà với bố mẹ chồng, chưa có công ăn việc làm. Sau chuyến công tác lần này, em dự tính xin đơn vị về phép để đón vợ vào thuê nhà ở gần đơn vị, trước mắt là kiếm một công việc phù hợp, quan trọng hơn là phấn đấu có con”. Cùng cảnh như Chính trị viên Nguyễn Đức Ngọ, Thiếu úy QNCN Đoàn Huy Đại, nhân viên Thông tin tàu CSB 9002, mặc dù đã 3 năm xây dựng gia đình và không dưới 3 lần vợ lên thăm chồng để “tuyển quân” nhưng đến nay họ vẫn chưa có con. Hiện vợ Đại là giáo viên THPT đang dạy ở huyện nhà. Nhìn đứa con dâu hằng ngày đi dạy về mà lòng cha mẹ Đại nặng trĩu ưu tư. Hai bên gia đình chỉ mong sao cho vợ chồng Đại sớm có con để căn nhà nhỏ bớt quạnh hưu. Đại tâm sự: "Nhiều lúc nghĩ cũng thương vợ, nhưng nhiệm vụ, thời gian và khoảng cách, hiện tại vợ chồng chỉ biết thường xuyên điện thoại để động viên nhau...". May mắn hơn một số đồng đội, Thiếu úy QNCN Trần Kim Ba, nhân viên hàng hải tàu CSB 4032 quê Thanh Hóa, sau gần 3 năm xây dựng gia đình, khi tàu vừa cập cảng lần này anh được vợ báo tin vui ngay.
Đồng đội cùng sẻ chia buồn vui
Khi tàu chúng tôi ra đến đảo Sinh Tồn Đông, thì nhận được điện từ cơ quan Chính trị Vùng CSB 2 thông báo, về trường hợp vợ của Trung úy Trịnh Thúc Việt, nguyên là Thuyền phó tàu 2012, hiện là Trợ lý Tác chiến Phòng Tham mưu, vợ bị bệnh nằm viện dài ngày chuẩn bị mổ. Ngay sau khi nhận được tin, các thành viên trên 2 tàu đã tự nguyện đóng góp một phần lương ít ỏi của mình để giúp đồng đội vượt qua thời khắc khó khăn. Cảm thông với hoàn cảnh của đồng đội, cán bộ, chiến sĩ Vùng CSB 2 đã quyên góp được hơn 30 triệu đồng. Tôi thầm nghĩ, với số tiền ấy, xuất phát từ tấm lòng sẻ chia của cán bộ, chiến sĩ Vùng CSB 2, sẽ giúp cho vợ chồng Việt đỡ được một phần chi phí cho ca mổ và quan trọng hơn là để hậu phương thêm yên lòng.
Vâng! Những hy sinh, mất mát thầm lặng đó, họ không hề mảy may tính toán thiệt hơn, hoặc kêu ca phàn nàn. Bởi trong mỗi cán bộ, chiến sĩ CSB có một trái tim nhân hậu, chất chứa tình yêu thiêng liêng với biển, đảo Tổ quốc. Ở tuyến đầu họ có đồng đội tốt, nơi hậu phương-quê nhà, những người cha, người mẹ, người vợ, người em… luôn hiểu và cảm thông cùng dõi theo bước chân của họ. Chính điều đó đã và đang nâng bước những chiến sĩ CSB Việt Nam hôm nay, tiếp tục khắc phục mọi khó khăn, lập thêm những chiến công mới nơi “đầu sóng”.
Nguồn: Lê Duy Hồng (Quân đội nhân dân)