Nhiều ý kiến đề xuất đa sản phẩm cho một cơ quan báo chí
Sau 15 năm thực hiện Luật Báo chí (sửa đổi năm 1999), báo chí Việt Nam đã có một diện mạo mới. Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Hội nghị Tổng kết 15 năm thực hiện để nhìn nhận lại thực tế và tiến hành sửa đổi Luật Báo chí cho phù hợp với tình hình hiện nay.
Nhiều tham luận tại Hội nghị đã chỉ ra những bất cập khi áp dụng Luật Báo chí hiện hành. Do sự bùng nổ của công nghệ thông tin nên tình hình báo chí có nhiều thay đổi mà nội dung trong Luật không thể theo kịp.
Chia sẻ quan điểm của mình, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định: “15 năm trở về trước, khi chúng ta bắt đầu sửa đổi luật báo chí (năm 1999), lúc đó tình hình xã hội cũng khác, nhiều điều đang diễn ra hiện nay trong đời sống báo chí, công nghệ thông tin, thời điểm đó chúng ta chưa thể hình dung ra được”.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại Hội nghị Tổng kết 15 năm thi hành Luật Báo chí. |
Hội nghị đã thu hút nhiều ý kiến đóng góp xác đáng, thiết thực về sửa đổi Luật Báo chí. Đáng chú ý có nhiều ý kiến đề nghị nên “luật hóa”, công nhận tòa soạn hội tụ, một tòa soạn đa ấn phẩm.
Mở đầu phát biểu về tòa soạn hội tụ, tích hợp nhiều loại hình trong một cơ quan báo chí, ông Võ Văn Long, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM chia sẻ, đây cũng là điều rất lúng túng của cơ quan quản lý Nhà nước về báo chí tại TP. HCM. Vì thực tế, nhiều cơ quan báo điện tử của TP. HCM đã tích hợp, thậm chí đặt thành mục có tên là “truyền hình”. Nhiều cơ quan báo điện tử cũng đang xin phép để được ra mục "truyền hình"....
Ông Nguyễn Đình Chúc, Phó Tổng biên tập Báo Lao động cũng thể hiện quan điểm đồng tình với việc nên thừa nhận và công nhận trong luật "mô hình đa phương tiện" đối với một cơ quan báo chí. Ông Chúc dẫn chứng: Phóng viên Báo Lao động khi tác nghiệp về các sự kiện đều đòi hỏi phải có videoclip. Ông cho rằng việc làm như vậy là để đảm bảo phóng viên đến thực địa, hiện trường nhưng như vậy là đã thực hiện nhiệm vụ đa phương tiện.
Cũng cùng quan điểm, ủng hộ việc đa sản phẩm trong một cơ quan báo chí, ông Bạch Ngọc Chiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định chia sẻ một ví dụ: Một đài truyền hình nước ngoài có hơn 50 kênh, họ đã bỏ ra 1 triệu đô để làm một sự kiện, nhưng họ sử dụng được cho cả hơn 50 kênh sẽ tiết kiệm được nhân lực, tài chính hơn một đài truyền hình khác chỉ có 1 kênh đầu tư 50 ngàn đô thực hiện sự kiện tương tự.
Có một nội dung khác cũng thu hút được sự đồng tình của nhiều đại biểu là cần đưa đại diện các cơ quan báo chí tham gia Ban soạn thảo sửa đổi Luật Báo chí và cần tham khảo nhiều hơn nữa giới báo chí. Đây là những người trực tiếp chịu sự điều chỉnh của luật, có quyền và nghĩa vụ liên quan trực tiếp nhất.
Rất nhiều ý kiến tỏ ra đồng tình với việc khi sửa đổi luật cần ghi nhận tòa soạn đa phương tiện với nhiều ấn phẩm. Khi phát biểu kết luận hội nghị Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son cũng đã nhắc đến và ghi nhận những ý kiến này, để khi thành lập Ban soạn thảo sửa đổi Luật báo chí sẽ đưa những đóng góp này vào.
Qua báo cáo Tổng kết 15 năm thi hành Luật báo chí, hiện nay, về báo in, tính đến ngày 31/12/2013, có 838 cơ quan báo chí với 1.111 ấn phẩm. Trong đó, có 199 cơ quan báo chí in chiếm 24% (86 báo trung ương và các bộ, ngành, đoàn thể; 113 báo địa phương) và 639 tạp chí chiếm 76% (507 tạp chí trung ương, các bộ, ngành, các trường đại học và các viện nghiên cứu, 132 tạp chí địa phương...).
Về báo điện tử, có 90 cơ quan báo điện tử, 207 trang thông tin điện tử tổng hợp của các cơ quan báo chí. Trong đó có 40 cơ quan báo chí điện tử thuộc cơ quan Trung ương và các Bộ, ngành; 26 cơ quan báo chí điện tử trực thuộc địa phương và 26 cơ quan báo chí điện tử trực thuộc các cơ quan đoàn thể.
Về phát thanh truyền hình, cả nước có 67 đài phát thanh, truyền hình, bao gồm 2 đài trực thuộc Trung ương (Đài tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam); 1 đài thuộc bộ (Đài truyền hình kỹ thuật số VTC), 64 Đài Phát thanh –Truyền hình địa phương (gồm 62 Đài Phát Thanh- Truyền hình của các tỉnh Thành phố trực thuộc Trung ương; riêng thành phố HCM có 2 đài: Đài Truyền hình TP. HCM và Đài Tiếng nói nhân dân TP.HCM).
Về truyền hình quảng bá, số lượng các kênh chương trình phát thanh, truyền hình quảng bá tại Việt Nam, tính đến cuối năm 2013, là 179 kênh: 104 kênh chương trình truyền hình quảng bá, 75 kênh chương trình phát thanh quảng bá. Đặc biệt, có 6 kênh truyền hình hoạt động không có hạ tầng phát sóng riêng, bao gồm kênh Truyền hình Đài tiếng nói Việt Nam, kênh Truyền hình Công an Nhân dân, kênh Truyền hình Thông tấn, kênh Truyền hình Quốc phòng, kênh Truyền hình Quốc hội, kênh Truyền hình Nhân dân. Đặc biệt, hệ thống truyền hình trả tiền, truyền hình trả tiền sử dụng công nghệ truyền dẫn phát sóng cáp, vệ tinh, số mặt đất và IPTV… phát triển mạnh.