“Nhà nước không bao che cho bất cứ đối tượng nào"
Đoàn ĐBQH Hà Nội tiếp xúc cử tri thị xã Sơn Tây. (Ảnh Nguyễn Dũng) |
Tham dự buổi tiếp xúc cử tri tại phường Lê Lợi, thị xã Sơn Tây, TP Hà Nội vào chiều 23/4 có Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son cùng 2 đại biểu Chu Sơn Hà, Đào Văn Bình.
Vì là lần thứ 2 đoàn ĐBQH Hà Nội về đối thoại với cử tri phường Lê Lợi, nên cử tri luôn nắm bắt, theo dõi tình hình và ghi nhận vì có những chuyển biến sau lần tiếp xúc đầu tiên.
Trước thực trạng đường xuống cấp do xe tải và ô nhiễm môi trường, cử tri Phạm Quang Ngưỡng đề nghị TP sớm sử dụng quỹ bảo trì đường bộ để sửa chữa, khắc phục ổ gà, ổ trâu, sớm trả lại môi trường trong sạch cho người dân trong vùng.
Cử tri Ngưỡng cũng đặc biệt quan tâm đến chủ trương chống tham nhũng thông qua việc kê khai tài sản và thể hiện băn khoăn vì việc kê khai tài sản không được thực hiện ở địa phương. Ông đề nghị phải thực hiện chủ trương này thật nghiêm minh, thực chất và không mang tính hình thức.
Qua theo dõi toàn bộ diễn biến sự việc, cử tri thị xã Sơn Tây cũng băn khoăn về một số vụ án đặc biệt nghiêm trọng, điển hình là vụ Dương Chí Dũng đang được đưa ra xét xử lần 2.
Cho rằng, việc làm lộ bí mật nhà nước xuất phát từ chính ngành công an, rồi “cái chết bí ẩn” lãnh đạo ngành cũng khiến người dân không khỏi nghi ngờ. Ông thẳng thắn đặt câu hỏi: “Phải chăng trung ương sợ mất uy tín cho ngành công an nên không làm triệt để?”
Đề cập đến pháp lệnh người có công, cử tri Lê Ngọc Khoa đề nghị thành phố sớm phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng cho những trường hợp đã đủ tiêu chuẩn. Bởi thực tế trên thị xã Sơn Tây, có những bà mẹ có 1 – 2 con liệt sĩ mà vẫn chưa được phong tặng danh hiệu cao quý này.
Cử tri Bắc và nhiều cử tri khác trong vùng cũng thể hiện nỗi băn khoăn, lo lắng trước nền giáo dục hiện nay. Cử tri quan ngại về vấn đề đổi mới chương trình, sách giáo khoa đang gây ồn ào dư luận những ngày qua. Hết 34 nghìn tỷ được đưa ra, rồi Bộ trưởng giáo dục lại “đính chính” đổi mới sách giáo khoa chỉ hết 100 tỷ, rồi lại viện dẫn lý do đi công tác nước ngoài khiến cử tri không khỏi lo lắng, rồi đây con cháu mình sẽ phải học trong môi trường giáo dục thế nào đây?
Trong lĩnh vực Y tế, ĐB cũng băn khoăn vì “Bộ trưởng Tiến đã trả lời nhiều nhưng việc chuyển biến lại chưa được nhiều lắm”. Sinh viên theo ngành y hiện ra trường vẫn còn phải đối mặt với muôn vàn khó khăn về việc làm.
Bà Bắc cũng cho rằng, tham nhũng tuy đã có chuyển biến tích cực nhưng kết quả chưa cao, xử lý chưa được triệt để. Bằng chứng là một số vụ án nổi cộm trên địa bàn TP đưa ra xét xử rồi lại cứ lần lượt hoãn.
ĐBQH - Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son chia sẻ với cử tri thị xã Sơn Tây, Hà Nội chiều 23/4 (Ảnh Nguyễn Dũng) |
Ghi nhận những ý kiến phản ánh của cử tri, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son cho rằng, ô nhiễm môi trường luôn là vấn đề rất bức xúc, trong đó cũng phải kể đến việc xử lý kém hiệu quả trong thời gian qua. Chính bởi vậy, luật về môi trường là một trong mười dự án sẽ được báo cáo xin ý kiến Quốc hội trong kỳ họp tới. Thực trạng an toàn vệ sinh thực phẩm cũng là vấn đề lớn mà cả xã hội đang bức xúc. Vấn đề này, ngay bản thân các ĐBQH đã chất vấn nhiều Bộ trưởng…
Về giải quyết chế độ chính sách người có công, ĐBQH Nguyễn Bắc Son cho biết, Pháp lệnh người có công mới được sửa đổi luôn dành sự quan tâm và tôn vinh những người đã hi vinh thân mình bảo vệ tổ quốc.
Trong lĩnh vực giáo dục, xác định đây là quốc sách hàng đầu, theo Bộ trưởng Bộ TT&TT, dù vẫn còn nhiều khó khăn, nhưng vừa qua Quốc hội đã quyết định chi 2% ngân sách dành cho giáo dục. Chắc chắn lĩnh vực này phải đổi mới nội dung chương trình cũng như sách giáo khoa để làm sao nâng cao được chất lượng giáo dục. Nhưng con số 34 nghìn tỷ xuất phát từ đâu, ai đưa ra… ĐBQH sẽ phản ánh với Chính phủ để có sự điều chỉnh cho phù hợp, tránh lãng phí, làm giảm lòng tin trong nhân dân.
Liên quan đến công tác phòng chống tham nhũng, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son cho biết, đây là quyết tâm lớn của Đảng, Nhà nước, coi tham nhũng như thứ "giặc nội xâm", ảnh hưởng đến sự tồn vong của chế độ.
Một trong những giải pháp phòng ngừa đó là việc kê khai tài sản. Chủ trương này quy định rõ cán bộ từ cấp phó phòng trở lên buộc phải kê khai. Rồi hình thức, thời điểm, phương pháp và cách thức công khai ra sao đều quy định chặt chẽ. Nếu thực hiện tốt chủ trương này sẽ là kênh giám sát hiệu quả của nhân dân để phát hiện, ngăn ngừa tham nhũng.
Đối với một số vụ án nghiêm trọng như vụ Dương Chí Dũng, "bầu" Kiên… Bộ trưởng Son cho biết các vụ án đều đang được xử lý theo đúng quy định của pháp luật và được thực hiện rất công khai cho người dân theo dõi.
ĐBQH đoàn Hà Nội cũng nói thêm, một số tình tiết trùng hợp có thể khiến người dân cảm giác có sự bao che. Chẳng hạn như ông Phạm Quý Ngọ mất do căn bệnh hiểm nghèo, nhưng lại đúng thời điểm sau khi Dương Chí Dũng khai báo trước tòa về người cấp tin bỏ trốn. Tuy nhiên, vụ việc vẫn đang được kiểm tra, xác minh, khi có kết quả sẽ công bố công khai minh bạch. Hay đối với vụ "bầu" Kiên, đây là vụ án nghiêm trọng, nên không thể xử nhanh chỉ để cho được việc, mà phải làm đúng luật, để không bỏ lọt tội phạm, và cũng không để xảy ra oan sai.
Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son khẳng định: “Nhà nước không bao che cho bất cứ đối tượng nào”.