Nhà báo Anh mất tích sau khi bị IS bắt cóc vẫn còn sống
Là một nhà báo chiến trường có uy tín, ông Cantlie đã đưa tin về tình hình chiến sự ở Syria thì bị IS bắt cóc cùng với nhà báo người Mỹ James Foley, người sau đó đã bị IS hành hình trước ống kính máy quay.
Nhà báo John Cantlie đã bị IS bắt cóc 7 năm trước. |
Vào ngày 5/2, Bộ trưởng Bộ An ninh Anh Ben Wallace khi được báo giới hỏi rằng liệu ông Cantlie có còn sống hay không, ông đã trả lời là “có”. Ông Wallace cũng nói thêm rằng Anh không trả tiền chuộc con tin và khuyên các nước khác trên thế giới không làm vậy.
Bộ trưởng người Anh không nói rõ liệu ông Cantlie có đang ở một trong những khu vực ít ỏi còn lại mà IS đang kiểm soát hay không.
Kể từ khi bị bắt cóc, ông Cantlie đã xuất hiện trong nhiều đoạn phim của IS trong bộ áo tù màu cam. Các đoạn phim này thường được quay như thể ông là một cộng tác viên người nước ngoài đưa tin trên đường phố của “nhà nước Hồi giáo” tự xưng. Ông Cantlie xuất hiện trên phim lần cuối cùng là trong một đoạn phim được IS phát tán vào giữa tháng 12/2016, được quay tại “chiến tuyến” Mosul (Iraq).
Ông Cantlie đã đưa tin từ những vùng chiến nguy hiểm nhất trên thế giới, bao gồm Iraq, Afghanistan, Somalia, Libya và Syria, nơi ông đã bị bắt cóc 2 lần.
Lần đầu tiên ông bị bắt là vào tháng 7/2012, cùng với nhà báo ảnh Hà Lan Jeroen Oerleman. Hai người đã tìm cách trốn chạy nhưng đã không thành công, tuy nhiên một tuần sau đó họ đã được thành viên của Quân đội Syria Tự do (FSA) giải cứu.
Trả lời phỏng vấn của hãng tin BBC sau khi trở về, ông Cantlie cho biết ông đã rất sợ hãi. “Khi tôi bị bắt giữ, tôi đã bị bịt mắt, một kẻ đứng bên cạnh chĩa súng vào đầu tôi, cảm giác khi đó rất thật. Bọn chúng nói với tôi rằng chúng tôi sắp phải đi gặp Chúa trời, và rằng chúng tôi đã gieo rắc mầm mống của sự hủy diệt chính bản thân mình”, ông nói. “Tôi đã tượng tượng rất nhiều thứ. Tất cả đều không tốt đẹp, thật sự là như vậy”.
Ông Cantlie sau đó đã trở lại Syria vào tháng 11/2012 để tiếp tục đưa tin về cuộc chiến đang diễn ra tại đó. Thời điểm này, rất nhiều tấm ảnh do ông Cantlie chụp lại về tình hình Syria đã được gửi cho các báo và hãng thông tấn ở Anh. Và không lâu sau đó, ông lại bị các phần tử Hồi giáo cực đoan bắt cóc rồi được chuyển cho IS.
Mãi đến 2 năm sau đó, ông Cantlie mới xuất hiện trở lại trong một đoạn phim tuyên truyền của IS, và từ đó đến nay ông đã xuất hiện trong hàng chục video của tổ chức khủng bố.