Người đàn ông 50 tuổi nhiễm khuẩn tụ cầu vàng hiếm gặp
Vi khuẩn tụ cầu vàng |
Đáng chú ý là ca bệnh này diễn biến rất phức tạp trên nền người bệnh nhiễm trùng nặng vì vậy việc phát hiện bệnh và điều trị gặp rất nhiều khó khăn.
Người bệnh là Phạm Văn B. 50 tuổi trú tại Chí Linh - Hải Dương nhập viện do đau nhiều vùng cùng cụt khoảng 1 tháng nay, sốt cao, sút cân nghiêm trọng 5kg/tháng, người mệt mỏi, khoảng 1 tuần nay không thể đại tiện, tiểu tiện rất khó khăn.
Sau khi tiến hành xét nghiệm máu, dựa trên hình ảnh chụp CT.Scanner và hội chẩn liên khoa, các bác sĩ chẩn đoán người bệnh bị viêm nhiễm vùng cùng cụt và chỉ định sử dụng kháng sinh để điều trị. Tuy nhiên do tình trạng bệnh diễn tiến phức tạp, sử dụng kháng sinh không còn là tối ưu nữa vì vậy các bác sĩ đã quyết định phẫu thuật cho người bệnh.
Theo Ths.Bs. Vũ Đức Thụ - Trưởng khoa Ngoại Tiêu hóa và tổng hợp bệnh viện cho biết, sau khi tiến hành thăm dò tại vùng cùng cụt của người bệnh cho thấy, vùng nhiễm trùng lan rất rộng, nhiều vách, nhiều mủ. Các bác sĩ đã tiến hành làm sạch mủ và dẫn lưu cho người bệnh. Lấy mẫu bệnh phẩm gửi xét nghiệm.
Kết quả xét nghiệm cho thấy đây là ổ nhiễm khuẩn vùng cùng cụt do vi khuẩn tụ cầu vàng hiếm gặp. Đây là một trong những vi khuẩn rất hiếm gặp và có tính kháng kháng sinh rất cao. Việc dùng thuốc cần được tuân theo chỉ định của thầy thuốc, không tự ý dùng bừa bãi để tránh tình trạng kháng kháng sinh. Nếu không được điều trị kịp thời có thể gây ra nhiễm trùng huyết, gây vỡ ổ áp xe và có thể gây liệt cho người bệnh.
Sau điều trị, sức khỏe người bệnh ổn định và không còn tình trạng sốt, người bệnh ăn uống sinh hoạt bình thường, không còn hiện tượng bí tiểu, đại tiện. Sau điều trị người bệnh đã ổn định và được xuất viện.
Nhiễm khuẩn huyết do tụ cầu vàng thường xuất phát từ một ổ nhiễm trùng nào đó trên cơ thể (áp-xe, mụn nhọt, chốc đầu hoặc vết mổ nhiễm khuẩn, vết thương, bỏng, nhiễm khuẩn sau nạo phá thai, sót rau sau đẻ - quen gọi là sốt hậu sản...). Khoảng 25 - 30% người mang tụ cầu vàng ở da, mũi và hầu họng. Khi da hay đường hô hấp bị tổn thương hoặc cơ thể suy yếu, tụ cầu vàng sẽ xâm nhập mô hay vào máu gây bệnh hoặc gây bệnh đường thở.
Ngoài ra, gây bệnh còn do tụ cầu vàng từ môi trường xâm nhập cơ thể qua các thương tích, vì đã tìm thấy chúng ở khắp mọi nơi trong tự nhiên. Tụ cầu vàng tiết ra nhiều loại độc tố, như loại phá hoại màng tế bào làm vỡ hồng cầu, bạch cầu, tiểu cầu; phá hoại chất căn bản của mô làm vi khuẩn lan rộng; độc tố ruột (enterotoxin); độc tố sinh mủ; độc tố phá hủy thượng bì da (gây phồng rộp, lở loét).