ngư dân thích nghi để bám biển.
Dẫu biết mưu sinh trên biển vào những ngày thời tiết xấu là nguy hiểm, song thực tế cho thấy ngư dân các xã ven biển đã biết thích nghi để bám biển. | |||||||
Chuyển đổi nghề phù hợp cho việc đánh bắt đã được ngư dân áp dụng hiệu quả. (Ảnh trái).Niềm vui của ngư dân sau chuyến đánh bắt thắng lợi trong những ngày biển động. (Ảnh phải) Đang mùa biển động nên thuyền trưởng Nguyễn Công Thành (xã Ngư Lộc, Hậu Lộc) đứng ngồi không yên. Không chịu khoanh tay chịu đói, anh đã cùng các ngư dân trong xã chuyển sang ngư trường đánh bắt gần bờ để khi trời trở gió có thể vào nơi tránh trú kịp thời. Đối với nhiều địa phương ven biển như xã Quảng Nham (Quảng Xương), Hải Thanh (Tĩnh Gia) do vị trí địa lý gần những con sông nên vào những ngày này ngư dân chủ yếu hành nghề câu sông, nghề lưới cước (quen gọi là nghề lộng), dù biết rằng nguồn lợi gần bờ đã bị cạn kiệt. Những ngư dân còn trẻ, có khả năng lặn dưới nước tốt, lại chọn cho mình cách mưu sinh mới bằng nghề lặn với sản phẩm là những con hải sâm, con hầu và thủy sinh khác. Theo họ, một ngày đi lặn (khoảng 3 - 5 tiếng đồng hồ) được gọi là thành công cũng có thu nhập khoảng 300.000 đồng. Những lão ngư đã có gần mấy chục năm gắn bó với biển, khi thời tiết không thuận lợi, buộc họ phải ở nhà mấy tháng, nỗi nhớ biển cồn cào, hình ảnh con mực, con cá luôn ở trong tâm trí, và điều đó đã thôi thúc họ trở lại với biển, dù là trong những ngày biển động. Trên những con tàu công suất lớn và được trang bị những thiết bị hiện đại, ngư dân vẫn có thể ra khơi vào những ngày biển động với sự tính toán kỹ lưỡng trước khi xuất hành. Theo kinh nghiệm dân gian, ngư dân sẽ tính theo chiều con nước lên, xuống kết hợp với việc nắm bắt thông tin thời tiết mà tính toán số ngày ra khơi cho phù hợp nhất để tránh được những đợt sóng to, gió lớn. Lão ngư Lê Văn Hai (xã Hải Thanh, Tĩnh Gia) cho biết: “Chúng tôi đã chấp nhận sống bằng nghề biển thì phải biết đối diện với dông bão. Khi gặp bão tố, hỏng tàu không thể vào bờ, các lực lượng chức năng chưa ứng cứu kịp thời, ngư dân vẫn bám trụ đến cùng, nhiều khi phải chịu cảnh đói, khát, vật lộn với sóng gió để giành giật sự sống. Biết vậy, nhưng với chúng tôi được ra khơi vẫn luôn là niềm vui và hy vọng”. Dọc bãi biển các xã bãi ngang như xã Quảng Lợi (Quảng Xương), Hoằng Trường (Hoằng Hóa)… những ngày này những chiếc bè mảng, thuyền thúng trở thành phương tiện mưu sinh chính của ngư dân nơi đây bởi nó phát huy được công năng khai thác gần bờ. Với nhiều ngư dân thì làm nghề trong mùa biển động cũng đơn giản, không cần phải đưa thuyền ra biển. Nếu ai mạnh tay thì đứng trong bờ vung lưới ra gành. Không thì chỉ cần lội ra phía biển chỉ chừng dăm bảy mét nước là rải lưới. Tùy theo con nước, nhưng cũng chỉ một giờ là có thể kéo lưới lên để bắt cá. So với việc đưa tàu ra khơi đánh bắt hải sản thì nghề bủa lưới trong gành mang tính "thủ công", nhưng đã giúp cho gần trăm ngư dân có tàu thuyền công suất nhỏ mưu sinh mùa biển động. |