Ngành lạ lùng: Kinh doanh lỗ nhưng luôn đòi mở rộng quy mô
Theo VCCI, chi phí không chính thức của các doanh nghiệp khoáng sản luôn cao hơn các doanh nghiệp khác ngành. |
Theo “Báo cáo về mức độ tuân thủ các quy định pháp luật về minh bạch trong lĩnh vực khoáng sản” được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố tại Hội thảo “Minh bạch trong lĩnh vực khoáng sản: Đo lường khoảng cách từ chính sách đến thực tiễn” sáng 21/3 thì chi phí không chính thức của các doanh nghiệp khoáng sản luôn cao hơn từ 2% trở lên so với các doanh nghiệp khác ngành.
Cụ thể, qua phát phiếu thăm dò, lấy ý kiến từ các doanh nghiệp cho thấy, tỷ lệ doanh nghiệp khoáng sản phải chi trả trên 2% tổng thu nhập cho chi phí không chính thức là 53%, trong khi tỷ lệ này ở các doanh nghiệp khác chỉ là 41%. Kết quả điều tra cũng cho thấy, ngành khoáng sản cũng bị thanh tra môi trường cao hơn, với tỷ lệ hơn 61% so với các ngành khác.
“Mặc dù các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khai thác và chế biến khoáng sản bị cho là gây ảnh hưởng lớn đến môi trường, song kết quả khảo sát thăm dò ý kiến cũng cho thấy, doanh nghiệp khoáng sản cũng bị tổn hại, ảnh hưởng rất lớn bởi môi trường. Nếu chia theo lĩnh vực kinh tế thì mức độ chịu thiệt hại của ngành khoáng sản đứng thứ hai, ở mức 46%, chỉ kém chút ít so với lĩnh vực nông nghiệp là 47%”, Luật sư Nguyễn Minh Đức chia sẻ.
Song, ông Đức cũng cảm thấy khó hiểu khi doanh nghiệp khoáng sản có kết quả kinh doanh thường là không tốt, phải nộp nhiều loại thuế phí phức tạp cùng chi phí không chính thức cao hơn lĩnh vực khác nhưng lại luôn có dự định mở rộng sản xuất kinh doanh.
Theo số liệu thống kê của Bộ Tài chính, số thu thuế tài nguyên ngoài dầu khí, trong giai đoạn 2011-2013 chỉ đóng góp vào Ngân sách 0,9 – 1,1% tổng thu.
Nhiều địa phương phản ánh rằng, số thu thuế tài nguyên thậm chí không đủ cho chi phí quản lý nhà nước đối với hoạt động khoáng sản.
Trong khi đó, khai khoáng là một trong những ngành công nghiệp có nhiều tiềm năng đóng góp lớn cho ngân sách và GDP.
Năm 2013, Viện Quản trị Tài nguyên Thiên nhiên đã đánh giá Việt Nam chỉ đứng thứ 41/58 quốc gia, xếp hạng yếu trong các đánh giá về mức độ minh bạch trong ngành công nghiệp khai khoáng.
Đặc biệt, Việt Nam còn được đánh giá là “thất bại” trong các khía cạnh liên quan đến “báo cáo và thực thi pháp luật” với 20 chỉ số liên quan về minh bạch, công bố thông tin về báo cáo hiện trạng hoạt động, bên cạnh các khía cạnh khác về thể chế, pháp luật, các biện pháp bảo đảm an toàn xã hội, kiểm soát chất lượng và bảo vệ môi trường.
Mặc dù Luật khoáng sản đã được ban hành từ năm 2010 với nhiều quy định nhằm tăng cường tính minh bạch, song thực tế triển khai còn chưa được như kỳ vọng của nhà làm luật. Theo báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường năm 2013, mức độ thực thi nhiều quy định của pháp luật về khoáng sản còn thấp. Ví dụ, quy định về cấp phép hoạt động khoáng sản có mức độ sai phạm khá cao: 1086 sai phạm trên 957 giấy phép (tức là trung bình mỗi giấy phép có 1,13 sai phạm).
Sau 6 năm thi hành Luật khoáng sản 2010, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang khẩn trương đánh giá kết quả thực hiện các văn bản trên. Thời điểm này, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính cũng đang có kế hoạch sẽ sửa đổi nhiều quy định về tài chính trong lĩnh vực khoáng sản nhằm đáp ứng tốt hơn với điều kiện mới.