Nga đưa ra lựa chọn hệ thống tên lửa Antey-2500 cho Iran
Antey-2500 là một hệ thống tên lửa di động mới của Nga, phát triển từ dòng S-300V, được thiết kế để tiêu diệt các loại tên lửa đạn đạo tầm trung và ngắn, tên lửa hành trình và tên lửa phóng từ không gian, máy bay chiến thuật và chiến lược, cũng như vũ khí điều khiển chính xác, bảo vệ các mục tiêu công nghiệp, quân sự, các mục tiêu quan trọng khác mang tầm cỡ quốc gia, các cụm quân chiến đấu trước các đợt tấn công đường không của đối phương.
Quan hệ Nga-Iran đã rạn nứt nhiều kể từ vụ kiện hợp đồng mua bán S-300 không thành. Ảnh: armyrecognition.com |
Ngoài ra, Antey-2500 còn được biết đến là phương tiện phòng không và phòng thủ tên lửa duy nhất trên thế giới có khả năng tiêu diệt hiệu quả tên lửa đạn đạo trong phạm vi 2.500km.
Tổ hợp tên lửa này có khả năng bắn đồng thời vào 24 mục tiêu khác nhau, bao gồm cả mục tiêu tàng hình hoặc 16 tên lửa đạn đạo với xác suất tiêu diệt mục tiêu chỉ khoảng 0,02m2 ở tốc độ 4.500m/s.
Thỏa thuận này có thể được chính thức ký kết trong chuyến thăm của Tổng thống sắp mãn nhiệm Mahmoud Ahmadinejad đến Moscow vào ngày 1-7 tới đây, Kommersant trích lời một nhà ngoại giao Iran giấu tên.
Năm 2007, Nga đã ký với Iran hợp đồng cung cấp 5 tổ hợp tên lửa S-300 PMU-1 trị giá 800 triệu USD cho Iran. Tuy nhiên, ngày 22-9-2010, Tổng thống Nga lúc đó Dmitry Medvedev đã ký một sắc lệnh hủy bỏ hợp đồng này sau khi Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã thông qua Nghị quyết 1929 ngày 9-6-2010 áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Iran, trong đó có việc cấm chuyển giao các loại vũ khí, khí tài gồm tên lửa và các hệ thống tên lửa, xe tăng, trực thăng chiến đấu, chiến đấu cơ và tàu chiến.
Liệu Antey-2500 có “thay thế xứng đáng” cho S-300 trong chương trình xây dựng lưới phòng không của Iran? Ảnh: vitalykuzmin.net |
Tuy nhiên, biện hộ cho vấn đề này, phía Iran lại khẳng định rằng, S-300 là hệ thống tên lửa đất-đối-không đơn thuần nên không nằm trong danh sách cấm của LHQ. Chính vì vậy, tháng 4-2011, Bộ Quốc phòng và Tổ chức Công nghiệp Hàng không Vũ trụ Iran đã phát đơn kiện Công ty Xuất khẩu vũ khí của Nga Rosoboronexport về việc hủy bỏ hợp đồng cung cấp hệ thống tên lửa phòng không tiên tiến S-300 cho nước này lên Tòa án Trọng tài Quốc tế ở Geneva, Thụy Sĩ.
Moscow đã nỗ lực thuyết phục để Tehran “xuống nước”, gồm cả việc cung cấp các hệ thống phòng không tầm ngắn Tor để thay thế. Tuy nhiên, phía Iran ngay lập tức bác bỏ yêu cầu này, bởi Tor chỉ có thể đảm nhiệm chức năng một lớp phòng không, chứ không thể làm nhiệm vụ xương sống của hệ thống phòng không Iran.
Trong tình cảnh như vậy, góc nhìn tích cực cũng có thể coi Antey-2500 là một giải pháp tốt. Hệ thống này không nằm trong danh sách cấm bán vũ khí, khí tài quân sự cho Iran của LHQ. Hơn nữa, quốc gia Trung Đông này luôn muốn phát triển một hệ thống phòng không nhiều tầng lớp để có thể bảo vệ đất nước và chống lại một cuộc tấn công tên lửa từ các nước hay lực lượng thù địch trong tương lai (trong đó có ám chỉ đến Israel), tờ Kommersant cho biết.
Trong khi S-300 được phát triển cho các lực lượng phòng thủ tên lửa, thì Antey-2500 lại được thiết kế cho lực lượng lục quân, có thể là một lợi thế cho Iran - quốc gia nổi tiếng với lực lượng lục quân đông đảo.
Nga đã và đang xúc tiến việc xuất khẩu hệ thống Antey-2500. Hồi đầu năm nay, Moscow đã bàn giao hai hệ thống tên lửa trên tới Venezuela. Ngoài ra, Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ cũng được cho là khách hàng tiềm năng của dòng vũ khí này, mặc dù cho đến nay chưa có thông tin về các hợp đồng mua bán với Nga.
Nguồn: VĂN HIẾU