Nạn nhân chết do hút thuốc lá bằng 15.000 vụ máy bay rơi
Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ hút thuốc lá ở nam giới cao nhất trên thế giới.
Đó là khẳng định của ông Ông Dr Takeshi Kasai Trưởng đại diện Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam trong buổi Hội nghị triển khai Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá (PCTHTL) và chiến lược quốc gia PCTHTL diễn ra sáng nay.
Ở Việt Nam mỗi năm có tới hơn 40.000 người chết do các căn bệnh có nguyên nhân từ thuốc lá. Ngoài ra, còn có tới 2/3 số người không hút thuốc lá nhưng thường xuyên hít phải khói thuốc thụ động và phải chịu nguy cơ cao hơn về bệnh tật và tử vong sớm hơn.
Ông Dr Takeshi Kasai Trưởng đại diện Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam: "Con số tử vong do thuốc lá tương đương với 15.000 vụ máy bay rơi mỗi năm". Ảnh minh họa |
Tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyên cũng cho biết: Năm 2010 Việt Nam là một trong 15 nước có tỷ lệ hút thuốc lá cao nhất thế giới, đặc biệt là trong nam giới. Trung bình cứ 2 nam giới trưởng thành có 1 người hút thuốc lá. Gần 8 triệu người lao động Việt Nam thường xuyên hít phải khói thuốc thụ động tại nơi làm việc, 47 triệu người thường xuyên phải tiếp xúc thụ động với khói thuốc tại nhà.
Ở Việt Nam trong khi xu hướng mắc các bệnh lây nhiễm giảm thì các bệnh không lây nhiễm gia tăng nhanh chóng. Các bệnh có nguyên nhân từ sử dụng thuốc lá như đột quỵ, mạch vành, bệnh phổi tắc nghẽn, ung thư phổi… là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở nam giới và nữ giới ở nước ta.
Do đó, việc xây dựng và thực thi hiệu quả Luật PCTHTL là một trong những biện pháp hết sức quan trọng và có ý nghĩa của Chính phủ trong việc bảo vệ sức khỏe của người dân.
Nội dung của Luật PCTHTL lần này quan tâm đến đối tượng sử dụng và cung cấp thuốc lá trong lứa tuổi thanh thiếu niên. Theo Bà Hà Thị Dung, Phó Vụ trưởng Vụ công tác học sinh, sinh viên, Bộ Giáo dục và Đào tạo, nước ta hiện có gần 22 triệu trẻ em, học sinh, sinh viên, chiếm 26% dân số cả nước. Chăm sóc, đảm bảo sức khỏe tốt cho các em là mục tiêu quan trọng của giáo dục toàn diện trong nhà trường.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tích cực triển khai công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá trong học sinh sinh viên và cán bộ công chức toàn ngành giáo dục dần đưa công tác PCTHTL đi vào nề nếp và thu được kết quả nhất định.
So với năm 2002, số liệu điều tra năm 2007 cho thấy, tỷ lệ cán bộ giáo viên và học sinh, sinh viên hút thuốc lá đã giảm đáng kể. Tỷ lệ giáo viên nam hút thuốc lá giảm tử 54,9% xuống còn 21%. Đối với học sinh phổ thông, từ 9,3% xuống còn 3,5 % và với sinh viên đại học cao đẳng là từ 15,7% xuống 5,97%.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Xuyên cũng cho biết: Luật PCTHTL ở nước ta còn đối mặt với nhiều khó khăn, chưa nhận được sự quan tâm đúng mức của các cấp, các ngành nên kết quả đạt được còn hạn chế. Để đạt được kết quả cao hơn trong công cuộc PCTHTL cần sự quan tâm của các cấp lãnh đạo và sự phối hợp chặt chẽ của các bộ ngành liên quan. Cần chung tay thực hiện Luật vì sức khỏe của cộng đồng.
Mục tiêu chung của Chiến lược quốc gia về PCTHTL đến năm 2020 được PGS.TS Lương Ngọc Khuê Cục trưởng Cục quản lý khám chữa bệnh, Chánh văn phòng Chương trình PCTHTL cho biết: mục tiêu chung của chúng ta là giảm nhu cầu sử dụng và kiểm soát để từng bước giảm mức cung cấp các sản phẩm thuốc lá tiêu thụ tại Việt Nam, nhằm giảm nguy cơ bệnh tật và tử vong do thuốc lá gây ra.
Trong đó mục tiêu cụ thể là giảm tỷ lệ hút thuốc trong nhóm đối tượng thanh thiếu niên (từ 15-24 tuổi) từ 26% (năm 2011) xuống còn 18% (năm 2020). Nam giới từ 47,4% xuống còn 39% và nữ giới xuống dưới 1,4% năm 2020.
PGS.TS Lương Ngọc Khuê Cục trưởng Cục quản lý khám chữa bệnh, Chánh VP Chương trình PCTHTL: Để thực hiện có hiệu quả Luật PCTHTL bên cạnh việc thay đổi nhận thức của người dân thì cũng có những quy định cụ thể về chế tài. ẢNh NL |
Trao đổi với PV bên lề hội nghị, Ông Khuê cho biết: Trước mắt cần thay đổi nhận thức của người dân về tác hại của thuốc lá là vô cùng lớn. Để thực hiện có hiệu quả Luật PCTHTL bên cạnh việc thay đổi nhận thức của người dân thì cũng có những quy định cụ thể về chế tài. Bộ Y tế cũng đã có những quy định về trách nhiệm đối với người đứng đầu các cơ quan, đơn vị.triển khai chiến lược này. Chính phủ đã giao cho Bộ trưởng các Bộ và các tổ chức hội, đoàn thể cùng vào cuộc để thực hiện công cuộc PCTHTL.
Đồng thời tăng cường ý thức tuân thủ pháp luật của người dân về thực hiện môi trường không khói thuốc. Bên cạnh đó cần hoàn thiện chính sách, pháp luật về PCTHTL và quy định rõ nhiệm vụ, trách nhiệm của từng bộ ngành trong việc PCTHTL.
Nói về Luật PCTHTL, ông Nguyễn Huy Quang, Vụ Trưởng Vụ Pháp chế thuộc Bộ Y tế cho rằng: Đây không phải là Luật phòng, chống thuốc lá mà chỉ là phòng, chống tác hại của thuốc lá theo cách tiếp cận của y tế cộng đồng. Mục tiêu của Luật này là bảo vệ sức khỏe của cộng đồng, hạn chế, giảm dần tỷ lệ người sử dụng thuốc lá, giảm tỷ lệ mắc và chết do các bệnh có nguyên nhân từ thuốc lá, giảm quá tải cho hệ thống y tế, giảm gánh nặng ngân sách.
Bằng những quy định rõ về biện pháp giảm nhu cầu sử dụng thuốc lá, kiểm soát nguồn cung cấp thuốc lá cùng những biện pháp ban hành và điều khoản thi hành cụ thể hi vọng Luật PCTHTL có hiệu lực vào ngày 1/5 tới đây sẽ thu được kết quả khả quan.