Nam Định: Nam Trực thực hiện Đề án sáp nhập các trường học từ năm 2018
Thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW BCH Trung ương Đảng (khóa XII) và sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh về việc đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng của các đơn vị sự nghiệp công lập, trong đó có các trường học, UBND huyện Nam Trực đã xây dựng Đề án “Sáp nhập các trường mầm non, tiểu học, THCS trên địa bàn”.
Đề án được xây dựng nhằm tinh giản bộ máy và tạo điều kiện thuận lợi để đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị giảng dạy, bố trí sắp xếp đội ngũ giáo viên ở các bậc học, nâng cao chất lượng giáo dục.
Trước đó, các nhà trường đã thực hiện sáp nhập, từ 31 trường THCS, đến nay huyện chỉ còn 22 trường THCS. Sáng kiến sáp nhập các trường THCS đã góp phần tinh giản biên chế, nâng cao chất lượng giáo dục, tạo thuận lợi cho đầu tư cơ sở hạ tầng phù hợp với điều kiện giáo dục mới, được các cấp, các ngành trong tỉnh đánh giá cao, nhân dân đồng tình ủng hộ.
Với việc sớm hoàn thành Đề án quy hoạch hệ thống trường lớp cùng với triển khai Đề án về tăng cường cơ sở vật chất trường học giai đoạn 2016-2020, huyện Nam Trực đã tập trung các nguồn lực từ ngân sách Nhà nước và xã hội hoá với tổng kinh phí gần 500 tỷ đồng để xây dựng cơ sở trường lớp và các điều kiện cho giáo dục.
Để thực hiện Đề án sáp nhập trường mầm non, tiểu học, THCS, trước mắt huyện chỉ sáp nhập về tổ chức bộ máy, giữ nguyên các điểm trường như hiện có. Việc điều chỉnh quy hoạch điểm trường do các xã, thị trấn thực hiện theo quy định của pháp luật và phù hợp với tình hình thực tế của các địa phương.
Mỗi đơn vị xã, thị trấn hình thành cơ cấu hệ thống giáo dục cấp xã gồm 1 trường mầm non, 1 trường tiểu học, 1 trường THCS. Toàn huyện hiện có 20 trường mầm non, 20 trường tiểu học, 21 trường THCS (trong đó Trường THCS Nguyễn Hiền là trung tâm chất lượng cao của huyện). Từ năm 2021 tiếp tục thực hiện sáp nhập liên cấp đối với các địa phương có số lớp và số học sinh ít, không đảm bảo quy định. Sau khi sáp nhập, mỗi trường có hội đồng trường, ban giám hiệu, các tổ chức chuyên môn, các tổ chức Đảng, đoàn thể…; đồng thời giữ nguyên quy mô số lớp, số lượng công chức, viên chức và người lao động hiện có, từng bước sắp xếp cho phù hợp ở các cấp học.
Năm 2018, huyện Nam Trực (tỉnh Nam Định) sẽ sáp nhập các trường học ở 7 xã. (Ảnh minh họa) |
Đề án sẽ thực hiện theo 3 giai đoạn, trong đó năm 2018, huyện sáp nhập các trường thuộc xã Bình Minh; bậc tiểu học sáp nhập các trường thuộc các xã Nam Thái, Hồng Quang, Nam Lợi, Nam Tiến, Nam Hồng, Tân Thịnh. Giai đoạn 2 hoàn thành năm 2019, sáp nhập các trường mầm non thuộc các xã Điền Xá, Nam Lợi, Nam Hồng, Nam Tiến, Tân Thịnh, Nam Thái, Đồng Sơn, Hồng Quang, Nam Thanh, Nghĩa An, Thị trấn Nam Giang. Đối với bậc tiểu học, sáp nhập các trường thuộc các xã Bình Minh, Điền Xá, Nghĩa An, Nam Thanh, Đồng Sơn và Thị trấn Nam Giang. Bậc THCS sáp nhập các Trường THCS Nam Giang, Nam Đào thành Trường THCS Nam Giang. Giai đoạn 3 từ năm 2021 đến năm 2025 tiếp tục thực hiện việc sáp nhập liên cấp đối với những đơn vị trường tiểu học, THCS chỉ có 10 lớp thành các trường liên cấp I-II của xã.
Các nhà trường sau khi sáp nhập rà soát, sắp xếp, bố trí lớp, học sinh theo điểm trường hợp lý, tạo điều kiện tốt nhất trong việc đi lại, học tập của học sinh. Số cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên dôi dư sẽ được sắp xếp về trường còn thiếu trong huyện.
Việc thực hiện đề án theo hướng tinh gọn, cơ cấu hợp lý, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, bảo đảm sử dụng tiết kiệm, hiệu quả các nguồn lực, cơ sở vật chất hiện có, đáp ứng tốt hơn nhu cầu học tập của con em trong huyện. Bên cạnh đó, đề án góp phần giảm đầu mối, số lượng đơn vị sự nghiệp công lập, sắp xếp cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên dôi dư phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương.